13/03/2006 11:02 GMT+7

Đổ lỗi

Theo Phụ nữ TP.HCM
Theo Phụ nữ TP.HCM

"Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn" là câu ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Cuộc sống chung của vợ chồng vốn dĩ luôn có những điều buộc cả hai cùng "tát", để tổ ấm ngày càng ấm hơn.

tLUl5OC0.jpgPhóng to
"Đồng vợ đồng chồng, tát biển đông cũng cạn" là câu ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng thực hiện được. Cuộc sống chung của vợ chồng vốn dĩ luôn có những điều buộc cả hai cùng "tát", để tổ ấm ngày càng ấm hơn.

Nhưng sẽ là bi kịch nếu "tát” xong vợ chồng lại tranh công, còn như “tát” không xong thì đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.

Công giành - tội tránh

Vợ chồng bác sĩ Như Mai cưới nhau từ năm 1987, đã xây dựng được một gia đình đạt chuẩn văn hóa nhiều năm liền tại địa phương. Năm 1989, hai người sinh một con trai hiện đang học lớp 11, còn con gái út hiện học lớp 8. Thế nhưng, cái gia đình văn hóa ấy, theo anh Hoàng Trung, chồng chị Mai, chỉ là cái vỏ, còn bên trong thì nhiều năm nay luôn ở tình trạng báo động đỏ.

Anh Trung kể, hai năm sau ngày cưới, do nhu cầu chỗ ở, anh chị tìm mua một căn nhà riêng. Được bạn bè giới thiệu căn nhà nhỏ trong hẻm ở đường Hồ Bá Kiện (phường 15, quận l0), anh thấy chưa hài lòng vì gần khu lao động, xa chợ, diện tích nhỏ, hẻm hẹp... Nhưng vợ anh, do không muốn chung đụng với nhà chồng, nên quyết chí phải mua cho bằng được. Thương vợ, cuối cùng anh chiều theo.

Có nhà mới, chị hào hứng tổ chức tiệc tân gia khá xôm tụ. Tâm trạng háo hức đó không kéo dài được bao lâu, vì hai đứa con ngày một lớn, gia đình cần một diện tích sinh hoạt rộng hơn. Mâu thuẫn vợ chồng càng thêm gay gắt khi được phường thông báo căn nhà nằm trong quy hoạch mở hẻm, trở thành cục nợ bán không được, ở không yên, dời đi nơi khác thì không đủ khả năng… Sống trong căn nhà bị rơi vào tình trạng "không trọng lượng" ấy, chị trở nên cáu gắt một cách vô lý. Chị đổ vấy trách nhiệm cho chồng, dù thừa biết chính chị mới là người quyết định chính khi mua căn nhà này.

Thấy bạn bè cùng trang lứa với mình đều cho con đi du học tự túc, lại vừa khá lên nhờ bán được một phần đất thừa kế của cha mẹ, nên vợ chồng chị Thúy Hương, phó phòng kinh doanh một công ty kinh doanh điện tử, cũng muốn cho con trai mình đi Tây. Thằng bé không thuộc diện học sinh giỏi, sức khỏe cũng chẳng thuộc tạng "bền vững", nhưng hai vợ chồng vẫn rất hăng hái lấy tương lai sau khi du học về để thuyết phục con, mặc cho thằng bé không đồng tình.

Chỉ sau hơn một năm "tự bơi" với chương trình lớp 10 ở Mỹ, thằng bé vốn chỉ bập bẹ tiếng Anh khi còn ở VN đã hết chịu nổi cảnh lên lớp làm "vịt nghe sấm", nên nhân mùa nghỉ đông, nó bèn xin bố mẹ mua vé về Việt Nam và nhất quyết ở lại quê nhà theo học chương trình Việt.

Vợ chồng tìm mọi cách vận động thuyết phục cho đến khi thằng bé tuyên bố "ép quá con bỏ nhà đi bụi", hai người mới chịu thôi. Anh chị đều hiểu thất bại đó có một phần lỗi của mình, nhưng không ai chịu nhận trách nhiệm. Hễ có cơ hội là người này đổ lỗi cho người kia, vì xót 60 ngàn đô la mất trắng để chi phí cho 2 năm học không ra gì ở nước ngoài của con.

Tháng 11-2004, bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu một ca ngộ độc thuốc trừ sâu từ Gò Đen - Long An chuyển lên. Bệnh nhân là chị Lưu Huệ, 56 tuổi, bán tạp hóa. Vợ chồng chị Huệ sinh được 3 con gái. Hai con lớn đã lập gia đình ở riêng.Tuy nhiên, hai người con rể lại mắc tật nghiện rượu, nên các con chị cứ vài hôm lại phải chạy về nhà mẹ ruột để lánh nạn. Điều đó khiến cô con gái út ngán ngẩm chuyện lấy chồng ở quê, bèn xin cha mẹ lên thành phố bán cà phê, vừa phụ giúp gia đình vừa có cơ hội tìm chồng có học thức.

Thấy con gái đi xa, thoạt đầu, anh Trần Đông, chồng chị Huệ không bằng lòng. Chị Huệ cũng thấy như vậy nhưng thương con, chị tìm mọi cách thuyết phục chồng. Cuối cùng, anh Đông cũng gật đầu với câu thòng "Con hư tại mẹ, có gì bà đừng trách tui sao nói nhiều”. Con bé đi bán cà phê rồi trở thành bồ nhí của một tay buôn bán xe hơi. Lúc đó, dù con gái rủng rỉnh tiền bạc để phụ giúp gia đình, nhưng linh cảm của người mẹ mách bảo những điều không yên tâm, chị bàn với chồng khuyên con về.

Do đã nhận quá nhiều món quà từ bồ con gái gửi tặng, anh Đông cắt ngang: "Nó lớn thì biết tự lo, vả lại chuyện tình cảm riêng tư không nên cản trở". Đáng nói hơn, những lần tranh luận sau đó với vợ, anh còn tự hào “con gái nhờ đức cha" và ra sức kể công. Thế nhưng từ khi con gái anh bị vợ ngươi đàn ông kia tạt axít, rồi hàng xóm dị nghị dèm pha, anh lại quay sang đổ hết trách nhiệm cho vợ, trách móc sáng chiều, chì chiết đủ tội. Chị Huệ vừa xót con, vừa ức chồng, quẫn trí nốc luôn một chai thuốc trừ sâu. May mà hàng xóm phát hiện kịp thời.

Tiên trách kỷ…

Nhà văn Trần Kim Trắc trong một lần nói chuyện về trách nhiệm của vợ chồng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình tại TP.HCM đã lưu ý: lẽ thường, khi thành công thì người ta dễ dàng bỏ qua tất cả, thậm chí đó là những khuyết điểm lớn, nhưng lúc thất bại, thì mọi nguyên nhân từ người kia, dù nhỏ nhất cũng đều được phóng to lên gấp nhiều lần để đổ thừa cho nhau. Đó không chỉ là tính xấu mà còn là một phản ứng trốn tránh trách nhiệm, khỏa lấp khuyết điểm của mình.

Cho nên, khi có những điều ngoài ý muốn xảy ra trong gia đình, nếu thiếu bình tĩnh, đùn đẩy trách nhiệm thì rất dễ dẫn đến không khí căng thẳng, ngột ngạt. Khi đó, việc tự nhận thiếu sót về mình sau một quyết định chung sai lầm trước đó là chìa khóa để giải tỏa nguy cơ đổ vỡ.

Chị Thanh Quyên, chủ một cơ sở chuyên doanh thảm trải sàn ở phường 9, quận 10 tâm sự: "Khi bàn về thái độ tiếp nhận trách nhiệm sau một quyết định sai lầm, người ta thường lấy lời dạy của người xưa để lựa chọn cách xử sự: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Nói nôm na, nếu có sai sót trước hết phải xem sai sót đó xuất phát đầu tiên là từ lỗi của bản thân mình. Khi đó việc phê phán, trách móc sẽ khách quan, chừng mực, có tình có lý hơn”.

Theo chị, đó là cách sửa sai tốt nhất và hiệu quả nhất đối với một người có thiện chí giữ gìn hạnh phúc gia đình. Chị Quyên kể: năm 1995, không vốn liếng, không bằng cấp nhưng anh Lê Hữu chồng chị, vẫn quyết định thành lập doanh nghiệp tư nhân kinh doanh hàng kim khí điện máy. Biết chồng đang “liều” vơi khoản nợ vay lãi suất 20% để làm vốn lưu động, chị khuyên anh tính toán kỹ lưỡng để tránh thất bại. Nhưng máu liều và tự ái của một người đàn ông khiến anh bỏ qua những lời khuyên của vợ. Sau 3 năm kinh doanh theo kiểu “cắn đuôi ăn dần” và vay người này trả người kia, doanh nghiệp phá sản với số nợ 1 tỷ đồng vay của 23 người. Tinh thần anh suy sụp hẳn vì biết mười mươi lỗi thuộc về mình.

Thay vì trách chồng, chị Quyên luôn tìm cách chứng minh sự thất bại đó có một phần lỗi không nhỏ của mình: thiếu trách nhiệm, không kiên quyết, bỏ mặc chồng xoay sở làm ăn... Thái độ chân thành của chị đã khiến anh bình tâm sửa sai. Hai vợ chồng quyết tâm làm lại từ đầu với cửa hàng bán thảm trải sàn hiện nay.

Trải nghiệm gần 60 năm làm vợ, bà Phan Thị Lợi, 84 tuổi, thuộc Hội Người cao tuổi quận 10 đúc kết: "Khi nói đồng vợ đồng chồng" chắc chắn ông bà không chỉ nói về sự đồng tâm hợp tác thực hiện việc chung, mà còn bao hàm luôn chuyện đồng trách nhiệm khi phải nhận hậu quả từ một quyết định chung của vợ chồng “sống đồng tịch đồng sàng, chết đồng quan đồng quách", hãy cùng nhau bàn bạc kỹ lưỡng trước khi quyết định.

Khi quyết định rồi thì dẫu có sai lầm cũng là sai lầm chung, phải dũng cảm chấp nhận chứ đừng tìm cách lẩn tránh, đổ thừa cho nhau. Việc đùn đẩy trách nhiệm mỗi khi hậu quả xảy ra là hành vi thiếu tôn trọng với người bạn đời và cả với chính mình”.

Theo Phụ nữ TP.HCM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên