Adobe Photoshop CS4 cơ bản - Bài 5:
Đồ họa căn bản với Photoshop CS4: Layers (tiếp theo)
TTO - Trong Phần 1 của loạt bài về Layers, chúng ta đã có khái niệm lớp (layer), lớp nền (background layer), lớp chữ (type layer). Trong Phần 2 này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về khái niệm lớp ảnh (image layer) và các thao tác căn bản trên layer.
>> Đồ họa căn bản với Photoshop CS4: Layers (Phần 1)
IV. Lớp ảnh (image layer)
Đây là loại layer mà chúng ta vẫn thường gặp nhất. Loại layer thông thường này được phát sinh trong những trường hợp sau:
1. Khi bạn dùng công cụ Move để dời một vùng chọn hoặc toàn bộ nội dung của hình ảnh A sang cửa sổ hình ảnh B thì trên hình ảnh B sẽ xuất hiện một layer mới.
2. Khi bạn sao chép nội dung của một vùng chọn bằng lệnh Edit > Copy (Ctrl + C), rồi dùng lệnh Edit > Paste (Ctrl + V) để dán nội dung của clipboard vào một cửa sổ hình ảnh thì trên cửa sổ này sẽ xuất hiện một layer mới.
3. Chọn một vùng chọn trên cửa sổ hình ảnh. Chọn chức năng Layer > New > Layer via Copy (Ctrl + J). Động tác này sẽ sao chép nội dung vùng chọn của layer/background lên thành một layer mới. Phần nội dung vùng chọn nguồn vẫn được giữ nguyên. Người ta thường dùng phím tắt Ctrl + J để đúp layer (duplicate layer).
4. Chọn một vùng chọn trên cửa sổ hình ảnh. Chọn chức năng Layer > New > Layer via Cut (Ctrl + Shift + J). Động tác này sẽ cắt nội dung vùng chọn của layer/background lên thành một layer mới. Phần nội dung vùng chọn nguồn sẽ được cắt bỏ.
5. Layer mới cũng là một dạng của layer ảnh. Ta có thể tạo một layer mới và trong suốt hoàn toàn bằng cách chọn Layer > New > New… (Ctrl + Shift + N) hoặc bấm chuột vào biểu tượng trên Layers panel.
Bấm chuột vào biểu tượng |
V. Các thao tác căn bản trên layer
1.Chọn layer
Muốn thao tác với layer nào, trước tiên bạn phải chọn layer đó. Có nhiều cách để chọn layer:
Cách 1: Bấm chuột vào layer cần chọn trên Layers panel.
Layer Chữ nhật là layer được chọn |
Bạn cũng có thể dùng phím tắt:
– Nhấn Alt + [ để chọn layer kề dưới (previous layer).
– Nhấn Alt + ] để chọn layer kề trên (next layer).
Cách 2: Sử dụng thực đơn cảm ngữ cảnh (context – sensitive menu)
– Chọn công cụ Move
– Di chuyển con trỏ đến vùng hình ảnh của layer cần chọn, bấm mắt phải chuột. Một thực đơn chứa tên của các layer sẽ hiện ra cho phép ta chọn layer mong muốn.
Cách 3: Đây là cách thường dùng nhất để chọn layer.
– Chọn công cụ Move
– Nhấn giữ phím Ctrl, rồi bấm chuột vào vùng hình ảnh của layer cần chọn.
Với công cụ Move, nhấn giữ Ctrl, click chuột vào hình tròn màu đỏ, lập tức Layer Tròn sẽ được chọn |
Lưu ý: Để chọn layer theo cách thứ 3 này, bạn cần tắt dấu kiểm (check mark) của chức năng Auto-Select trên thanh tùy chọn (options bar)
Cách 4:
– Chọn công cụ Move
– Đánh dấu kiểm vào chức năng Auto Select Layer trên thanh tùy chọn. Sau đó dùng công cụ Move để bấm chuột vào vùng hình ảnh của layer cần chọn.
2. Đổi tên cho một layer
Chọn layer cần đổi tên trên Layers panel.
– Cách 1: Bấm đúp chuột vào tên của layer trên Layers panel, rồi nhập tên mới vào.
– Cách 2: Bấm mắt phải chuột, rồi chọn chức năng Layer Properties của thực đơn. Gõ tên mới vào ô Name.
3. Thay đổi Opacity và Fill cho layer
Bạn có thể làm cho layer trở nên trong suốt (transparent) hoặc nửa trong suốt (semi-transparent) bằng cách điều chỉnh độ đục (opacity) của layer.
Cách 1: gõ trị số vào ô giá trị của Opacity hoặc kéo thanh trượt
Cách 2: Chọn công cụ Move , rồi gõ tắt:
gõ phím 0 tương đương với opacity 100%gõ phím 1 tương đương với opacity 10%gõ phím 2 tương đương với opacity 20%gõ phím 3 tương đương với opacity 30%
......
gõ nhanh 2 phím 4, 5 tương đương với opacity 45%
Có sự khác biệt giữa Layer Opacity và Fill Opacity: Layer Opacity ảnh hưởng lên cả các hiệu ứng layer (layer effects) của layer hiện hành. Còn Fill opacity thì chỉ ảnh hưởng lên các pixels được tô màu, chứ không ảnh hưởng đến các layer effects của layer.
Chúng ta sẽ tìm hiểu về khái niệm Layer effects trong các bài sau, các bạn nhé!
(còn tiếp)
NGUYỄN KHOA CÁTCông ty TNHH Khải Thiên (KTC Co., Ltd) - Trung Tâm Đào tạo
----------------------------------------------------------------------------------------
KIẾN THỨC ĐỒ HỌA CĂN BẢN VỚI ADOBE PHOTOSHOP |
>> Bài 1: Giới thiệu về Adobe Photoshop CS4 |
>> Bài 2 (Phần 1): Các khái niệm cơ bản của Photoshop CS4>> Bài 2 (Phần 2): Các khái niệm cơ bản của Photoshop CS4 (tiếp theo) |
>> Bài 3 (Phần 1): Lý thuyết màu>> Bài 3 (Phần 2): Lý thuyết màu (tiếp theo) |
>> Bài 4 (Phần 1): Vùng chọn trong Photoshop >> Bài 4 (Phần 2): Vùng chọn trong Photoshop >> Bài 4 (Phần 3): Vùng chọn trong Photoshop >> Bài 4 (Phần 4): Vùng chọn trong Photoshop>> Bài 4 (Phần cuối): Vùng chọn trong Photoshop |
>> Bài 5 (Phần 1): Layers>> Bài 5 (Phần 2): Layers |
http://nhipsongso.tuoitre.com.vn |
----------------------------------------------------------------------------------------
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận