25/09/2004 11:28 GMT+7

Đỗ Bảo và pop-phố cổ

NGUYỄN MẠNH HÀ
NGUYỄN MẠNH HÀ

TTCN - Ra album tác giả đầu tay ở tuổi 26, với Cánh cung, Đỗ Bảo vừa là người viết bài hát, người hòa âm, người sản xuất. Anh chỉ chịu nhường cho người khác phần mix và hát.

sXYKeZAA.jpgPhóng to

Đỗ Bảo

TTCN - Ra album tác giả đầu tay ở tuổi 26, với Cánh cung, Đỗ Bảo vừa là người viết bài hát, người hòa âm, người sản xuất. Anh chỉ chịu nhường cho người khác phần mix và hát.

Bảo thú nhận từng có ý định học hát và sẽ dần dần thử nghiệm trong phòng thu song sẽ chỉ hát trên đĩa, chứ quyết không lên sân khấu - là việc “động chạm đến hình thể nhiều”. Thật ra Bảo không phải là có vấn đề gì về hình thể, trừ cái tội quá gầy, nhất là sau đợt công tác TP.HCM, làm biên tập cho chương trình Sao Mai - điểm hẹn vừa qua. Bảo cũng sợ cảm giác bị “trầm trồ” hay ngược lại. Rốt cuộc làm việc âm thầm trong studio là thích nhất.

Theo quan điểm của Bảo, âm nhạc phải có ích, chia sẻ được với người nghe, mang một nội dung có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ. Bảo xác định cho mình tương đối rạch ròi hai cuộc chơi. Một là mang niềm vui cho khán giả như trên vừa nói. Hai là tiên phong, tìm tòi, sáng tạo - kiểu như những gì Bảo đã làm với Nhật thực – dù có gây ngạc nhiên thì cũng mang tính tích cực, bền vững. Trong đời sống nghệ thuật hiện nay, để đảm bảo sinh tồn, nghệ sĩ cần trở nên đa dạng, tùy tình hình mà đáp ứng. Bảo là một người như thế. Nhưng bất cứ lúc nào anh không quên làm “Bảo pop” (khái niệm Bảo đã dùng khi trả lời phỏng vấn một tờ báo).

Bảo không ngần ngại đề cao “khán giả bình dân”, tâm niệm đi theo “tâm thế xã hội”. Anh cho rằng mình được đào tạo là để phục vụ xã hội, và tất nhiên góp phần tạo khuynh hướng thẩm mỹ trong khán giả. Nói cách khác, nghệ sĩ đi lên cùng công chúng chứ không xa lạ với công chúng. Bảo ngại gây ngạc nhiên là vì vậy. Anh chỉ muốn người ta nghe nhạc mình xong cảm thấy yêu đời và muốn làm việc ngay!

Pop của Bảo hội đủ những ngọt ngào, nhẹ nhàng, bài bản, dễ đi vào lòng người. Khi hỏi vì sao nhạc đã nhẹ lại chọn những giọng ca còn nhẹ nữa, Bảo nói đến một câu chuyện khác. Đó là người mình hay có lối cộng cư, mấy ai được phòng riêng - sinh ra, lớn lên ở khu phố cổ Hà Nội, Bảo hiểu rõ điều này- nghe nhạc cũng là nghe chung, vậy nên tránh việc người này bật nhạc người kia tắt. Chưa kể người ta sẽ bật nhạc mình ở cơ quan… Lại nhớ có một dòng Brit-pop là nhạc của người Anh, liên tưởng sang VN có thể thấy trước một dòng… Hanoi-pop, pop-phố-cổ êm ái, dễ nghe mà Bảo pop là một thành tố tích cực.

Cánh cung nếu có gây ngạc nhiên thì thiên về nội dung ca từ. Lời của tình khúc Việt bây giờ là một cái gì mang tính chế định rất khó vượt qua. Song mỗi người viết chỉ cần mở rộng mối quan tâm hiện thực ra một chút như Đỗ Bảo là người nghe tránh được cảm giác lời chỉ để tải nhạc. Trong Cánh cung, có Ngày cuối tuần rực rỡ hướng tới độ không của chuyện: chỉ cần đi trên một con đường thấy những cột cây số lùi dần về phía sau cũng có thể viết thành một cái gì đấy. Rồi Bức thư tình đầu tiên có những lời tỏ tình rất bình dị, và nghiêm túc - có lẽ chưa từng gặp trong tình khúc Việt - dường như có “truyền thống” lấy thất tình làm cảm hứng. Bảo mạnh dạn so sánh bài này với Tình ca của Hoàng Việt: xã hội bây giờ khác, người ta đã có điều kiện để mơ về những điều khác lãng mạn mà cũng thiết thực đấy - nhưng là cái mà thời chiến không dám mơ tới. Trên thực tế, một anh bạn của Bảo đã lấy được vợ cũng nhờ bài hát này…

Khi để cho cô gái gọi người yêu là người đương thời trong Bức thư tình thứ hai, Bảo biết người nghe sẽ thấy sạn. Có khi người ta còn nghĩ tác giả muốn vơ vào mình. Nhưng Bảo cũng đưa ra một lối tiếp cận khác, là hãy nhìn vào thực tại, đừng viển vông hay nhớ tiếc. Trong tình cảm, công việc hay sáng tạo, đừng quên hai chữ đương thời: ta đang ở thời buổi nào, lịch sử - xã hội đang ở đâu… Còn trên thực tế, Bảo cho biết đó là cụm từ mà nhóm bạn bè thân của anh hay dùng để gọi nhau thật! Lại cho biết: “Nội dung các bài hát hầu hết cuộc sống thật của tôi, không có sự bịa đặt về đời sống”.

Dự án Cánh cung được tác giả ấp ủ trong hai năm. Thoạt đầu, Bảo định dẹp tất cả mọi việc, thậm chí chuyển đến một nơi vắng vẻ - với các ban nhạc nước ngoài là một garage trong rừng hay một lâu đài cổ - để chuyên tâm làm Cánh cung. Nhưng không thể, áp lực về nhu cầu và những ràng buộc trong quan hệ buộc Bảo phải làm song song những việc khác. Rốt cuộc, đó mới là chuyên nghiệp - “chuyên nghiệp” trong mọi hoàn cảnh. Bảo may mắn “không có ước muốn có nhiều tiền”. “Nếu muốn, tôi đã làm việc khác, như phối bài thật nhiều chứ không làm đĩa!”. Có khi hàng hai, ba tháng anh không nhận phối bài nào. Thậm chí còn sợ phối nhiều biết đâu sẽ ảnh hưởng đến sáng tạo của riêng mình.

Về sau, Bảo có ý nguyện trở thành một nhà sản xuất thực thụ, có phòng thu, có công ty, có hệ thống phát hành… Còn bây giờ là thiếu úy, đang chắc chân giảng viên ở Trường cao đẳng Nghệ thuật quân đội. Đã lên lịch cuối năm cưới vợ - một cựu sinh viên thanh nhạc cùng trường. Tóm lại đang cần tìm tự do trong sự bớt tự do! Bảo nói thích “sự tiến bộ có trình tự”. Và sẵn sàng vì sự nghiệp “hi sinh” tuổi trẻ, bao giờ thu hoạch sẽ khấu trừ sau. Tóm lại, hơi cực đoan trong việc “không thích cực đoan”. Nhưng có thể tìm thấy một hành động mang hơi hướng cực đoan, khi Bảo quyết định hoãn tốt nghiệp đại học sáng tác đúng lịch vào tháng 6-2004, để làm cho xong album. Rồi tự vạch kế hoạch hằng năm, hoặc 2-3 năm sẽ ra các vol. tiếp theo.

“Tôi muốn gửi vào Cánh cung hoài bão muốn sớm khẳng định mình của lứa nhạc sĩ trẻ chúng tôi. Hi vọng tất cả những người trẻ tuổi - tài hoa - có kiến thức (không hề thiếu) ở nước ta sẽ cùng nhau bỏ qua những rụt rè, không ngại vào cuộc xây dựng một nền nhạc trẻ đa dạng, có ích cho xã hội và có nội lực để phát triển bền vững. Giống như việc mở ra một thời kỳ âm nhạc đại chúng mới...”.

NGUYỄN MẠNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên