19/06/2009 07:22 GMT+7

DK1 - hai mươi năm giữ thềm lục địa

BÙI THANH - LÊ ĐỨC DỤC
BÙI THANH - LÊ ĐỨC DỤC

TT - Với mệnh lệnh “bằng bất cứ giá nào chúng ta cũng phải giữ cho được thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc”, tháng 6-1989 những người lính hải quân lữ đoàn 171 đã khẩn cấp lên tàu ra khơi, trấn giữ vùng biển chủ quyền của đất nước. Và họ đã sống gian khổ ở đó, qua 20 mùa dông bão, trên những nhà giàn sừng sững giữa biển Đông.

Kỳ 1: Họ ở đó, 20 mùa dông bão

iu52f1Dw.jpgPhóng to

Các chiến sĩ ra nhà giàn DK1 làm nhiệm vụ - Ảnh: Phi Long

rbXotMG8.jpgPhóng to

20 năm trước, ngày 5-7-1989, chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra chỉ thị về việc xây dựng “Cụm kinh tế - khoa học dịch vụ” trên thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (gọi tắt là DK1). Và những người đầu tiên nhận lãnh sứ mệnh gian khó này là các cán bộ chiến sĩ của lữ đoàn 171 hải quân. 20 năm qua, vì nhiều lý do, những cống hiến và hi sinh vô cùng to lớn của những người lính DK1 chưa được biết đến đầy đủ...

Bình minh của một ngày đầu tháng 5-2009, sau cơn bão số 1 tàu chúng tôi đến bãi Phúc Tần trên thềm lục địa phía Nam, sau một hải trình gần 1.000 hải lý đi qua 14 đảo và điểm đảo. Trong bụi sóng mịt mù và âm u, bóng những ngôi nhà giàn DK1 hiện ra thấp thoáng. Hầu hết thành viên trẻ tuổi trên con tàu HQ 957 vẫn chưa biết gì về DK1, cũng như về những người lính trong những nhà giàn kỳ lạ trên biển kia.

Nghĩa trang giữa lòng biển Đông

IXnQp6V9.jpgPhóng to

Chiếc máy hiệu Thomson đo độ sâu sáu bãi đá ngầm, xác định vị trí các nhà giàn ở DK1 - Ảnh: Lê Đức Dục

DK1 là tên gọi của cụm kỹ thuật - khoa học - dịch vụ được xây dựng tại khu vực thềm lục địa phía Nam thuộc đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo (nay là tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) với những nhà giàn dựng trên mặt biển. Nhiệm vụ của các nhà giàn là lập các đèn biển để thông báo cho tàu thuyền đánh cá và vận tải hàng hải đi lại trong vùng; đặt trạm nghiên cứu khí tượng thủy văn; làm nơi trú tránh bão và ứng cứu ngư dân...

Nhưng nhiệm vụ quan trọng nhất của DK1 là chốt giữ, bảo vệ chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, bảo vệ bình yên cho việc khai thác tài nguyên từ thềm lục địa như dầu khí, thủy hải sản, hàng hải...

“Toàn tàu báo thức! Báo thức toàn tàu!”. Câu thông báo ngộ nghĩnh nhưng quen thuộc từ loa phóng thanh vang lên lúc 5g. Sáng hôm ấy, 5-5-2009, không như những buổi sáng khác. Ngay trên boong tàu, giữa biển khơi, mọi người sẽ tham dự lễ tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh ở thềm lục địa phía Nam.

Sóng vẫn to dù bão số 1 đã đi xa. Con tàu tròng trành, chao qua nghiêng lại. Mọi người cắp chặt tay nhau, nghiêm trang đứng thành hàng ngang hướng về khói hương nghi ngút. Im lặng và thành kính. Chỉ còn nghe những tiếng sóng vỗ dưới thân tàu.

Giọng đại tá Đinh Gia Thật, phó chủ nhiệm chính trị quân chủng hải quân, rất chân tình, như đang tâm sự cùng đồng đội của mình đã hi sinh: “Theo tập quán của những người đi biển, chúng tôi xin được thắp nén hương và thả vòng hoa tưởng niệm nhớ đến hương hồn các đồng chí, để các đồng chí thanh thản ngàn năm, mãi mãi nằm lại cùng biển khơi, cùng chúng tôi canh giữ chủ quyền biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc...”.

Khóc. Những giọt nước mắt lăn dài trên má những chàng trai, cô gái lần đầu đứng giữa nghĩa trang trùng khơi nghe câu chuyện về những người ngã xuống để lá cờ đỏ sao vàng luôn tung bay trên thềm lục địa. Nơi đây, dưới cả ngàn mét nước sâu thăm thẳm kia là hài cốt các anh. Những nhành san hô lộng lẫy nở ở đáy biển kia như là hoa bên nấm mồ liệt sĩ.

Vị trí con tàu buông neo làm lễ tưởng niệm hôm nay chính là bãi Phúc Tần, nơi vào tháng 12-1990, ngôi nhà giàn DK1/3 đã sập đổ vì sóng gió và mang theo vào lòng biển ba người lính. Không chỉ có nhà giàn bị sập, cả tàu hải quân trực bảo vệ cũng bị chìm, hai sĩ quan hi sinh vào năm 1991. Đến mùa mưa bão năm 1998 lại thêm một nhà giàn nữa bị sóng cuốn đi, thêm ba người lính ngã xuống...

Chợt nhớ làm sao những câu thơ da diết của Nguyễn Đức Mậu trong Khúc tưởng niệm những người lính biển: “Thay cho màu cỏ thanh minh là xanh rợp trời cao. Thay cho dòng tên khắc trên bia là trùng trùng sóng trắng. Thay cho đất nâu là vô cùng biển thẳm. Các anh chết rồi tên tuổi cũng lênh đênh... Những bông hoa trôi hoài trên sóng. Nén hương cháy tan vào gió mặn. Chúng tôi nghiêng mình trên biển sớm mai nay...”.

Khi chúng tôi nghiêng mình trong khúc nhạc Hồn tử sĩ, từ xa xa những người lính biển DK1 cũng nghiêm trang hướng về quốc kỳ phấp phới trên tàu HQ 957. Đồng đội của họ đã hi sinh trên vùng biển này. Và họ, những người lính DK1, tiếp tục ở đó qua 20 mùa dông bão, trên những nhà giàn hiên ngang, sừng sững giữa biển Đông để bảo vệ thềm lục địa.

Sóng vẫn lớn. Không ai có thể leo lên nhà giàn thăm hỏi và tặng quà cho anh em chiến sĩ hải quân được. Chỉ có những lời chào chân tình và tiếng hát con gái truyền qua làn sóng điện. Tàu HQ 957 rúc hồi còi dài chia tay đồng đội, rồi thẳng hướng đất liền. Còn nhóm phóng viên chúng tôi quyết định: phải đến “đại bản doanh DK1”.

cHKzI7XT.jpgPhóng to
Các thành viên trong hành trình “Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” tưởng niệm các chiến sĩ hải quân DK1 hi sinh tại thềm lục địa phía Nam - Ảnh: Bùi Thanh

Cột chủ quyền đặc biệt

15 ngày sau, trong doanh trại của lữ đoàn 171 hải quân ở Vũng Tàu, trung tá Nguyễn Văn Tuyết, phó chủ nhiệm chính trị lữ đoàn 171, đưa chúng tôi đến gặp những viên sĩ quan dạn dày sương gió biển Đông của tiểu đoàn DK1. Câu chuyện dài bắt đầu từ những ngôi nhà đặc biệt giữa trùng khơi.

Đó là những cột mốc chủ quyền đặc biệt: những ngôi nhà bốn chân cắm sâu xuống rạn san hô thuộc thềm lục địa phía Nam. Lính hải quân gọi là nhà giàn hay nhà lô - những ngôi nhà vài chục mét vuông đứng chênh vênh giữa biển. Những nhà giàn đầu tiên ở DK1 được xây dựng từ năm 1989, tức cách nay đúng 20 năm. Tại sao? Mọi chuyện bắt đầu từ cuối năm 1987 đầu năm 1988, khi hải quân nước ngoài tìm mọi cách xâm chiếm vùng biển, hải đảo và thềm lục địa thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thậm chí họ đã sử dụng vũ lực để chiếm một số đảo ở Trường Sa vào tháng 3-1988 và sau đó tàu chiến, tàu thăm dò của họ (mà bây giờ ta hay gọi là “tàu lạ”) bắt đầu xuất hiện sâu trong thềm lục địa phía Nam, nơi có tiềm năng rất lớn về dầu khí và có ý nghĩa chiến lược về an ninh quốc phòng. Không chút do dự, tư lệnh hải quân Giáp Văn Cương đã khẩn cấp giao cho lữ đoàn 171 nhiệm vụ trấn giữ, bảo vệ cho được chủ quyền thềm lục địa phía đông nam. “Bằng bất cứ giá nào, chúng ta cũng phải giữ cho được chủ quyền thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc!”.

Mệnh lệnh đó của Bộ tư lệnh cũng là lời tuyên thệ bất thành văn của cán bộ chiến sĩ lữ đoàn 171. Vượt lên những khó khăn chồng chất của cả nước vào những năm tháng ấy, những người lính hải quân 171 bất chấp hiểm nguy và gian khổ đã tiến ra giữa trùng dương.

Tại nhà truyền thống của lữ đoàn 171, những kỷ vật của buổi đầu “dựng nghiệp” lặng im mà trầm tích bao nhiêu câu chuyện bi tráng. Chúng tôi đã lặng người trước máy đo độ sâu hiệu Thomson trưng bày ở nhà truyền thống. Với chiếc máy thô sơ cũ kỹ này, hơn 20 năm trước, biên đội tàu HQ 713 và HQ 668 do trung tá lữ đoàn trưởng 171 Phạm Xuân Hoa chỉ huy đã ra khơi trong mùa sóng gió. Suốt cả tháng trời, biên đội tàu đã khảo sát, đo đạc trên vùng biển rộng 60.000 km2 chỉ nhờ vào chiếc máy này mà tìm ra những điểm cạn và định vị các bãi đá ngầm san hô: Ba Kè, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Quế Đường, Tư Chính và Huyền Trân. Chính từ những dữ liệu đó, hệ thống nhà giàn DK1 được xây dựng.

Những nhà giàn thế hệ đầu tiên thật đơn sơ và mỏng manh trước biển cả. Nhưng trên những ngôi nhà giàn đó, ý chí những người lính đầu tiên ra DK1 lại rất kiên cường.

----------------------------------------------

Chúng tôi đã tìm gặp những người lính thế hệ đầu tiên ấy. Những ngày đầu sống cực kỳ gian khổ trên nhà giàn DK1 vẫn tươi nguyên trong miền ký ức.

Kỳ tới: Những người đầu tiên

BÙI THANH - LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên