Ông bị quân Pháp hành hình tại Rạch Giá năm 1868 nên người dân địa phương đã đưa bài vị của ông về thờ tại ngôi đền nguyên trước đó là nơi thờ vị Nam hải đại tướng quân, tức cá ông chuyên cứu ghe thuyền gặp nạn ngoài khơi.
Phóng to |
Đình thần Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá |
Biểu tượng của lòng dân đối với vị anh hùng dân tộc
Vừa tới cổng chính đình thần, bạn sẽ bắt gặp câu đối nổi tiếng của nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt được đắp nổi ở trên cột: Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa, Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần. Hai câu đối nhắc lại hai chiến công hiển hách của nghĩa quân do Nguyễn Trung Trực lãnh đạo đã đốt cháy tàu chiến L’Experence của Pháp trên sông Nhựt Tảo (Long An) và trận chiếm đồn Kiên Giang làm cho bọn thực dân Pháp “hồn siêu phách lạc”.
Được xây dựng theo phong cách truyền thống, mái đình cong lợp ngói âm dương, trên nóc đắp hình lưỡng long tranh châu, sơn màu đỏ ngời lên vẻ tôn nghiêm. Bước vào điện thờ chính là những vật dụng thường thấy trong các ngôi đình Nam bộ. Những giá đặt binh khí ánh lên sắc đồng mạnh mẽ.
Vào ngày thường, đình thần vẫn tiếp đón nhiều lượt khách thập phương về cúng bái, hay đến làm công đức. Song song đó đình thần còn là phòng thuốc nam với các lương y giỏi bắt mạch, kê toa, châm cứu miễn phí.
Có lẽ không nơi đâu đặc biệt như những ngôi đình thờ Nguyễn Trung Trực (vị thần mà người dân tôn kính gọi là ông Nguyễn). Tại tỉnh Kiên Giang có gần mười ngôi đình thờ ông Nguyễn nằm ở các huyện và bảy ngôi đình khác ở các tỉnh lân cận. Thông thường đình là nơi thờ các vị thành hoàng bổn cảnh.
Tuy nhiên với người dân miền Tây thì ông Nguyễn chính là vị thần và việc dựng “đình thần Nguyễn Trung Trực” đã minh chứng cho sự ngưỡng mộ và kính trọng của nhân dân với vị anh hùng dân tộc, hi sinh cho sự nghiệp chống ngoại bang. Cùng với các lãnh tụ khác trong phong trào khởi nghĩa chống Pháp, ông Nguyễn đã ghi một dấu son chói lọi vào lịch sử hào hùng của dân tộc bằng câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”.
Tinh thần bất khuất lưu mãi ngàn đời
Cứ vào trung tuần tháng 8 âm lịch hằng năm, đoàn người từ các tỉnh bạn như An Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Long An... tấp nập đổ về Rạch Giá để dự lễ giỗ Nguyễn Trung Trực. Người ta tôn kính gọi là đi “cúng đình”. Dù bận bịu đến đâu thì bà con cũng thu xếp để về cho kịp ngày cúng đình chính thức vào các ngày 27 và 29 tháng 8 âm lịch. Bà con lưu truyền hai câu thơ lục bát:
Dù ai buôn bán gần xa, Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta nhớ về.
Kỷ niệm ngày mất ông Nguyễn đã trở thành một hoạt động văn hóa có tính truyền thống từ hơn 100 năm nay ở Rạch Giá. Chính giỗ chỉ trong hai ngày, nhưng từ trước đó hàng ngàn người khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã về đây để chung tay góp sức sửa sang, quét dọn đình thần, nhiệt tình tham gia các công việc cho đến khi chu tất mới trở về nhà.
Ngay bên dưới bến sông trước cổng đình tấp nập ghe xuồng chở những sản vật của bà con ở các tỉnh về cúng đình như rau củ, gạo, muối, đậu nành (dùng để chế biến tàu hủ). Bên cạnh khuôn viên đình thần là những dãy nhà đa năng được lắp ghép cơ động chỉ để đem ra sử dụng duy nhất vào dịp này. Khách hành hương sẽ được tiếp đón đãi ăn bất kể lúc nào trong ngày. Những món ăn chay bình dị bỗng trở nên ngon lạ lùng. Khi đêm xuống những dãy nhà này sẽ được dọn dẹp sạch sẽ đủ đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi cho bà con.
Trong những ngày diễn ra lễ giỗ, thành phố Rạch Giá tổ chức các chương trình ca nhạc ở sân khấu ngoài trời phục vụ đông đảo bà con, cùng với đó là ngày hội ẩm thực với các gian hàng xinh xắn được dựng dọc theo đường Trần Hưng Đạo cắt ngang trục đường chính hướng về phía công viên Nguyễn Trung Trực cách đó không xa.
Những ngày này, hàng loạt các hoạt động mang tính chất lễ hội như tổ chức hội chợ thương mại, phố mua sắm, các khu vui chơi mở cửa suốt ngày đêm để phục vụ bà con về dự lễ. Dĩ nhiên không thiếu các sân khấu đờn ca tài tử được dựng lên bên cạnh khuôn viên đình thần, khu ẩm thực...
Ngay tại công viên Nguyễn Trung Trực nằm ở trung tâm thành phố Rạch Giá, rất đông người thành kính dâng hương bái lạy bất kể ngày đêm. Mọi người khi về dự cúng đình luôn đi ngang qua đây thắp hương rồi tiến về đình thần tọa lạc bên kia bờ sông Kiên. Sau khi xong lễ, họ lại ghé qua thắp hương lần nữa rồi mới thanh thản trở về nhà.
Vào buổi sáng diễn ra chính lễ, ban tổ chức diễu hành từ công viên Lạc Hồng cách đình khoảng 3 cây số. Các phái đoàn tỉnh bạn, đại diện các tầng lớp, chức sắc tôn giáo tề tựu ngay ngắn bắt đầu tiến về phía đình thần với tiếng trống từng hồi dồn dập, thúc giục, đoàn người thong thả đi dưới bóng cờ xí rợp trời. Đoàn lân, sư, rồng phấn khích dẫn đầu, qua từng con phố, mọi người đổ ra đường vẫy tay chào đón khách phương xa háo hức về dự hội.
Chưa bao giờ thành phố Rạch Giá lại đông vui, rộn rịp như những ngày này. Dù bạn mới tới đây lần đầu, nhưng mọi người vẫn xem như một người thân đi xa vừa về lại quê nhà. Lòng thành kính với ông Nguyễn - vị thần đối với dân chúng- đã kết nên tình thân ái giữa những đồng bào. Phải chăng sự tương thân đó đã tạo nên sức mạnh cho dân tộc ta trong lịch sử bốn ngàn năm không khuất phục trước bất cứ thế lực ngoại bang nào?
Áo Trắng số 11 (ra ngày 15-6-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận