18/02/2011 07:29 GMT+7

Định hình mặt bằng giá mới

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TT - Thị trường đang hình thành mặt bằng giá mới sau khi tỉ giá VND/USD được điều chỉnh. Giá nhiều mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân đang tăng mạnh.

8ruNbpww.jpgPhóng to
Giá sữa đồng loạt tăng tạo thêm gánh nặng cho nhiều bà mẹ - Ảnh: M.Đức

Trong lúc cơ quan quản lý cho biết sẽ tăng cường kiểm tra tình trạng té nước theo mưa thì các chuyên gia cảnh báo trong bối cảnh sức mua chậm sau tết, doanh nghiệp phải cân nhắc việc tăng giá, nếu không sẽ phải đối mặt với phản ứng của người tiêu dùng.

Bài ca tăng giá

Ông Nguyễn Thành Nhân, phó tổng giám đốc Saigon Co.op, cho biết nơi này đã nhận được nhiều thông báo tăng giá của nhà cung cấp ngành hàng may mặc và đồ dùng gia đình với mức đề nghị 5-15%. Các nhóm hàng tăng giá lần này gồm hàng nhập khẩu và những mặt hàng phải nhập nguyên liệu nước ngoài.

Ở ngành hàng thực phẩm, hai mặt hàng sữa Friso và Dutch Lady đã thông báo tăng giá 5-15% ngay sau tết, trong khi sữa bột và sữa nước của Nutifood tăng bình quân 10%. Không chỉ sữa, giá một số loại mì gói như Hảo Hảo, Đệ Nhất, Omachi... cũng đồng loạt tăng thêm 5.000-10.000 đồng/thùng. Mặc dù một số công ty sản xuất dầu ăn xác nhận lần điều chỉnh tăng giá dầu ăn gần nhất là cuối tháng 1-2011 nhưng hiện nay các sản phẩm dầu ăn trên thị trường đã tăng thêm 9-10%, bình quân 40.000-43.000 đồng/lít.

Theo ông Nhân, với tình hình hiện nay, sẽ có một mặt bằng giá mới tại siêu thị từ tháng 3-2011.

Bà Nguyễn Phương Thảo, giám đốc siêu thị Maximark đường Ba Tháng Hai, cho biết đến giữa tháng 3-2011 siêu thị sẽ có đợt điều chỉnh tăng giá mới vì các nhà cung cấp mặt hàng bánh kẹo, thực phẩm công nghệ, may mặc... đã thông báo tăng giá.

Theo tính toán của bà Hà, chợ Tân Định (Q.1), hiện đã có 15 mặt hàng tại sạp tăng giá từ khi bà mở cửa trở lại ngày mồng 6 tháng giêng đến nay.

Tăng cường kiểm tra

Các doanh nghiệp kinh doanh sữa cho biết việc tăng giá đã được đăng ký, giải trình theo đúng quy định với các cơ quan quản lý. Một doanh nghiệp cho biết theo thông tư 122, sau hai ngày nộp đơn xin tăng giá, nếu cơ quan quản lý không có phản hồi thì doanh nghiệp được phép tăng.

Theo đại diện nhà phân phối Abbott, từ đầu tháng 2-2011 đơn vị này đã làm các thủ tục đăng ký giá mới và giải trình đầy đủ lý do tăng giá với Bộ Tài chính theo đúng thông tư 122. Trong đó, hai nguyên nhân tác động tăng giá chính là tỉ giá tăng và việc điều chỉnh thuế suất của một số mặt hàng sữa nhập khẩu từ châu Âu tăng từ 5% lên 10%.

Ông Nguyễn Ngọc Kinh Luân, phụ trách đối ngoại Công ty Friesland Campina Vietnam, cho biết do tỉ giá tăng, giá lon thiếc và bao bì cactông cũng tăng 10-30% tùy chủng loại, giá nhân công tăng khoảng 18% buộc công ty phải điều chỉnh tăng giá 5,14-10% đối với các mặt hàng sữa bột và sữa nước.

Ông Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - cho biết việc điều chỉnh tỉ giá chắc chắn sẽ dẫn đến yếu tố đầu vào tăng nhưng chủ yếu đối với doanh nghiệp mua được ngoại tệ với giá chính thức, còn đa số với doanh nghiệp thanh toán theo tỉ giá tự do thì đã được tính vào các yếu tố kinh doanh rồi nên khó gây đột biến về lạm phát. “Nếu lý giải điều chỉnh giá ồ ạt như hiện nay là do tỉ giá thì chưa thuyết phục” - ông Lịch nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng doanh nghiệp cần có lợi nhuận để đảm bảo sự tồn tại. Nhưng nếu tăng giá vô lý, quá sức chịu đựng của thị trường sẽ dẫn đến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu, mạnh hơn là tẩy chay sản phẩm. Theo ông Nguyễn Thành Nhân, nếu doanh nghiệp không đưa ra lý do tăng giá thuyết phục hoặc tăng quá cao, nhà bán lẻ sẵn sàng ngừng nhận hàng và tìm một nhà cung cấp mới thay thế.

Trước tình trạng nhiều mặt hàng tăng giá, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Hồng cho biết hiện nay việc đánh giá các tác động của yếu tố tỉ giá vẫn thật sự chưa rõ do mới thay đổi. Chủ trương của UBND TP.HCM là tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, đẩy mạnh các hoạt động kiểm tra giá, niêm yết giá đặc biệt tại các chợ truyền thống, không để thị trường té nước theo mưa.

Theo bà Hồng, với biến động giá cả đầu vào thay đổi theo chiều hướng tăng cao, chương trình bình ổn hàng hóa năm 2011 sẽ gặp nhiều thách thức hơn. Tuy nhiên, chương trình vẫn sẽ đảm bảo mục tiêu cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng, nguồn hàng hóa phong phú với giá cả hợp lý. Mức giá này có được dựa trên sự chia sẻ của doanh nghiệp với người tiêu dùng.

Kiểm soát tăng giá thép vô lý

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 17-2, đại diện Công ty cổ phần Thép Việt (Pomina) và liên doanh Vina Kyoei đều cho biết kể từ ngày 18-2, giá thép sẽ tăng thêm 500.000 đồng/tấn đối với thép cây và thép cuộn.

Đây là mức điều chỉnh giá đầu tiên của Pomina lẫn Vina Kyoie kể từ sau Tết Nguyên đán. Việc điều chỉnh giá bán là do doanh nghiệp vẫn gặp khó trong việc mua USD đúng giá niêm yết trong hệ thống ngân hàng và do giá nguyên liệu phôi thép và thép phế thế giới đang ở mức cao.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi - phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), việc điều chỉnh giá thép của các doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại là cần thiết vì doanh nghiệp đã sử dụng gần hết lượng phôi thép tồn kho của tháng trước đó do lượng thép tiêu thụ trong tháng 1-2011 tăng mạnh, ước đạt xấp xỉ 470.000 tấn.

Theo ông Nghi, để tránh tình trạng doanh nghiệp té nước theo mưa, VSA đã ghi nhận chi tiết các lần điều chỉnh giá bán của doanh nghiệp trong thời gian qua để so sánh với giá nguyên liệu đầu vào thế giới, cũng như cập nhật nhanh chóng số liệu, nhu cầu thị trường, khả năng cung ứng thép của doanh nghiệp cho tổ điều tiết thị trường liên bộ Tài chính - Công thương và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) để các cơ quan này có giải pháp kịp thời điều tiết thị trường. Cũng theo ông Nghi, quan điểm của VSA là không chấp nhận sự tăng giá tùy tiện.

TRẦN VŨ NGHI

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên