![]() |
Đặt lệnh mua, bán trên sàn chứng khoán ACB (TP.HCM) - Ảnh: D.Đ.Minh |
Muốn bao nhiêu, định bấy nhiêu?
Do không có chuẩn hay quy định chính thức về việc định giá niêm yết, nên “phương pháp” định giá khi lên sàn của hầu hết các công ty cũng như các tổ chức tư vấn là dựa vào giá giao dịch OTC trong thời điểm lên sàn để đưa ra mức giá niêm yết.
Nhận xét về vấn đề định giá niêm yết của các công ty trong thời gian qua, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần chứng khoán SJS cho rằng, việc định giá ở VN do chủ quan là chính. Rất nhiều trường hợp, công ty tư vấn định giá thấp nhưng doanh nghiệp không đồng ý và bản thân công ty tư vấn phải tìm cách để hài hòa về giá với công ty niêm yết.
Đặc biệt, hầu hết các công ty đều định giá niêm yết rất cao nên “kịch bản” thường thấy là hiện tượng lên sàn rồi rớt giá thảm hại. Đơn cử như trường hợp lên sàn của DPM, mức giá khởi điểm 100.000 đồng/CP trong khi giá IPO bình quân trước đó chỉ khoảng 54.000 đồng/CP, những phiên giao dịch sau đó đã chứng kiến sự mất giá liên tục của CP này.
Nhận xét về trường hợp DPM, một chuyên gia chứng khoán nói, không thể lý giải nổi việc định giá niêm yết cao gần gấp đôi giá IPO bình quân trong khoảng thời gian cách nhau không lâu. Phản ứng của thị trường thông qua việc rớt giá liên tục của CP này đã chứng tỏ nhà đầu tư cảm nhận được sự vô lý của mức giá này.
Nhưng như đã nói, do “phương pháp” định giá trước khi lên sàn của các công ty thường là lấy giá giao dịch trên thị trường OTC tại thời điểm đó làm “chuẩn” mới lý giải cho sự mạnh dạn khi đưa ra mức giá niêm yết 100.000 đồng/CP của DPM.
Còn nhớ thời điểm tháng 10.2007, khi thị trường chứng khoán mới khởi sắc trở lại sau nhiều tháng lình xình thì thông tin DPM chuẩn bị niêm yết khiến cho giá CP này trên thị trường OTC “vọt” lên như tên bắn. Đang được rao bán tràn ngập với giá bằng giá IPO bỗng đội lên đến tận 120.000 đồng/CP. Với mức giá giao dịch trên thị trường OTC như vậy, giá niêm yết khởi điểm 100.000 đồng/CP thậm chí còn là “khiêm tốn”.
Tương tự với cổ phiếu DQC (Công ty cổ phần bóng đèn Điện Quang) khi định giá lên sàn 290.000 đồng/CP. Sự rớt giá liên tục của cổ phiếu này những phiên sau đó được giới đầu tư gọi đùa là DQC bị “nốc ao”. Chỉ đúng 1 tháng sau khi lên sàn, DQC giảm chỉ còn 107.000 đồng/CP, mất đến trên 60% giá trị mà vẫn bị nhiều người chê còn cao quá.
Lại có trường hợp định giá lên sàn hết sức vô lý như một công ty nhựa vừa lên sàn trong thời gian gần đây. Trong khi giá giao dịch trên thị trường OTC chỉ khoảng 1.5 (15.000 đồng/CP) thì công ty này đã đẩy giá chào sàn lên tới 5 chấm (50.000 đồng/CP).
Thị trường bị ảnh hưởng
Nhiều người lập luận, định giá cao hay thấp không quan trọng bởi cung, cầu trên thị trường sẽ trả CP đó trở về đúng giá trị của nó. Tuy nhiên, với cách lý giải này sẽ có rất nhiều nhà đầu tư bị thiệt hại bởi không nắm bắt được những thông tin về CP này và mua vào với giá cao. Thiệt hại lớn nhất của việc định giá niêm yết quá cao chính là sự ảnh hưởng trực tiếp tới VN-Index.
Những phiên giảm giá liên tục của các CP này đã kéo chỉ số VN-Index theo chiều hướng đi xuống. Đặc biệt, với những cổ phiếu có vốn hóa lớn thì việc giảm giá sẽ tạo thành “cơn lũ” gây ảnh hưởng mạnh lên việc tăng, giảm của VN-Index.
Ông Huỳnh Anh Tuấn cho rằng, có hai cách để việc định giá được khách quan hơn. Thứ nhất, tháo rộng biên độ giao dịch phiên đầu tiên lên sàn lên 30% - 40% thì cung cầu dễ gặp nhau hơn. Trong trường hợp công ty định giá cao thì việc giảm tới 40% biên độ trong phiên chào sàn cũng sẽ đưa CP về sát giá trị thực của nó. Biên độ 20% hiện nay chưa đủ sức làm điều này. Cách thứ 2 là công ty tư vấn giá niêm yết phải gánh thêm phần trách nhiệm.
Cụ thể, trong trường hợp đưa giá cao, CP lên sàn bị rớt giá thì công ty tư vấn có trách nhiệm mua vào cho đến lúc cung - cầu gặp nhau. Như vậy, công ty tư vấn giá niêm yết sẽ không thể tư vấn mức giá ảo như hiện nay.
Ông Lê Đạt Chí, chuyên gia chứng khoán tại TP.HCM lại cho rằng, khi đưa giá niêm yết, hầu hết các công ty đã đưa giá phòng ngừa. Trong trường hợp giảm hết biên độ cho phép thì giá cổ phiếu vẫn còn ở mức công ty kỳ vọng.
Theo ông Chí, phương pháp định giá niêm yết tại Mỹ cũng tương tự như ở Việt Nam, nhưng điều khác biệt là phương pháp này được nêu rõ ràng, chi tiết trong bản cáo bạch để nhà đầu tư tự thẩm định mức giá đó có phù hợp hay không. “Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC) có lập ra Hội đồng thẩm định giá tham chiếu nhưng từ trước tới nay chưa bao giờ thấy có sự thay đổi về giá niêm yết. Thậm chí, có trường hợp công ty còn thay đổi giá niêm yết cao lên khi thấy thị trường thuận lợi” - ông Chí nói.
Đã đến lúc phải có một quy định nghiêm túc về việc định giá niêm yết của các công ty. Đây cũng chính là liều thuốc hiệu quả làm thị trường chứng khoán phát triển một cách bền vững. Nếu không, sẽ không thể tạo dựng được niềm tin cho thị trường.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận