22/02/2004 11:29 GMT+7

Diệu Hồng - tiếng sáo đam mê

UYÊN LY - THÙY DƯƠNG
UYÊN LY - THÙY DƯƠNG

TTCN - Xinh đẹp, tài năng và say mê âm nhạc đến mức hơi…đãng trí trong đời thường- đó là ấn tượng ban đầu về Nguyễn Diệu Hồng, cây sáo (flute) nữ hàng đầu VN, người được nhạc trưởng Nhật Tetsuji Honna đánh giá là một “ngôi sao” của dàn nhạc giao hưởng VN.

ns9ZtIua.jpgPhóng to
TTCN - Xinh đẹp, tài năng và say mê âm nhạc đến mức hơi…đãng trí trong đời thường- đó là ấn tượng ban đầu về Nguyễn Diệu Hồng, cây sáo (flute) nữ hàng đầu VN, người được nhạc trưởng Nhật Tetsuji Honna đánh giá là một “ngôi sao” của dàn nhạc giao hưởng VN.

Không cho thuê, cũng không mở quầy hàng, căn nhà mặt tiền của gia đình Diệu Hồng lặng lẽ một cách kỳ lạ giữa con phố sầm uất Mai Hắc Đế. Nhà có sáu người thì bốn người theo âm nhạc: bố chồng Diệu Hồng - cây sáo Nguyễn Thiện Cơ, chồng chị - cây clarinet của Dàn nhạc giao hưởng VN Nguyễn Thiện Thắng, Diệu Hồng và cô con gái lớn học lớp 11 cũng đang tập tành học sáo.

Tự nhận xét về mình, Diệu Hồng cho rằng chị yêu nhạc đến mức hơi…điên điên và giải thích rằng năng khiếu âm nhạc của chị có được là nhờ gen yêu nhạc của ông nội, một nhà nho người Huế chơi đàn bầu truyền sang ba chị - bộ đội tập kết, nhạc sĩ không chuyên suốt ngày ôm đàn guitar, rồi đến lượt người cha truyền cho chị nỗi đam mê âm nhạc từ khi chị còn thơ bé. Để cô con gái có thể nghe nhạc giao hưởng thính phòng thường xuyên, ba chị đã phải dành dụm, tích cóp sắm cho chị một chiếc radio.

Năm lên chín tuổi, Diệu Hồng được ba xin vào Nhạc viện Hà Nội theo học kèn oboe. Nhưng hồi đó chị “cầm chiếc kèn để thổi mà chạm cả xuống đất” nên phải chuyển sang học flute và bắt đầu những năm nội trú tại nhạc viện.

Hai năm sau (1972), Mỹ ném bom ác liệt khiến toàn bộ thầy trò nhạc viện phải đi sơ tán. Tuổi nhỏ xa nhà, cuộc sống khắc nghiệt nhưng không làm giảm niềm say mê học tập trong chị, mà ngược lại, chính những khó khăn đã giúp chị tôi luyện một bản lĩnh vững vàng để đủ tự tin mỗi lần bước lên sân khấu biểu diễn trong bất kỳ hoàn cảnh nào.

Hồi còn đi học, năng khiếu của Diệu Hồng đã thành chuyện ít nhiều “gây tranh cãi”. Những thầy giáo nghiêm khắc cho rằng sức học của chị cũng chỉ ở mức trung bình, trong khi các thầy cô giáo trẻ lại đánh giá rất cao khả năng nhanh nhạy của chị. Diệu Hồng biết nắm bắt những ưu điểm, bí quyết kỹ thuật ở từng thầy cô giáo và tự rút ra những kinh nghiệm học tập riêng. Khi nhìn người khác thổi sáo, chị có thể biết được tần số rung của cuống họng, cách xử lý hơi ra sao, tốt hay không tốt để lấy đó làm bài học.

Cô giáo lớp trung cấp Nguyễn Hồng Nhung truyền cho chị hơi thở hiện đại từ cách lấy hơi, cách ngân, cách rung mang phong thái mới, trong khi thầy Lê Bích dạy chị những gì mang thiên hướng cổ điển, khuôn mẫu, chằn chặn nhịp phách. Năm 1985, Diệu Hồng tốt nghiệp loại xuất sắc và được giám đốc Dàn nhạc giao hưởng VN đặc cách mời về giữ vị trí sáo 1, bè 1 (bè quan trọng nhất) trong dàn nhạc.

Có một kỷ niệm khó quên đối với Diệu Hồng – đó là cuộc trình diễn đặc biệt của chị cùng với nhóm tam tấu Ánh Bạc (Le Trio d’Argent) đến từ Pháp vào nửa cuối những năm 1980. Khi đó, tam tấu Ánh Bạc được mời tới Nhạc viện Hà Nội biểu diễn và lên lớp một vài buổi. Nghe được tin, Diệu Hồng chạy sang nhạc viện để xem họ trình tấu và dạo thử một bản nhạc cho nhóm nghe.

Tiếng sáo của chị đã chinh phục nhóm tam tấu, và chị được mời làm bạn diễn của nhóm với tư cách cây sáo solo trình diễn tác phẩm phóng tác Intention III dành cho solist và tám cây flute khác. Không may, trước ngày diễn chị bị tai nạn gãy chân, dù bác sĩ dặn phải bó bột một tháng nhưng niềm đam mê khiến chị không thể ngồi yên, và chỉ sau 10 ngày chị đã tháo bột, nhảy... lò cò lên sân khấu say sưa biểu diễn. Buổi diễn thành công rực rỡ nhưng cho đến tận bây giờ, mỗi khi trở trời cái chân tháo bột sớm ấy lại đau. Khi chị sinh con thứ, được nghỉ bốn tháng hộ sản nhưng mới chỉ nằm nhà một tháng rưỡi chị đã nhớ nghề không chịu nổi, phải viết đơn xin đi làm sớm!

Từ năm 1989, Diệu Hồng đã là một trong số những người đầu tiên biểu diễn sáo solo. Tác phẩm chị chọn khi đó là bản concerto cung D trưởng của Mozart dành cho flute và dàn nhạc. Với một solist, ngoài công phu luyện tập và sức khỏe, điều quan trọng nhất chính là bản lĩnh sân khấu – thứ mà Diệu Hồng đã được tôi luyện từ khi còn nhỏ trong những năm tháng chiến tranh. Tiếp sau đó chị đã đảm nhận solist rất nhiều tác phẩm khác, từ những bản được học từ hồi còn trong trường cho đến những tác phẩm chị tự sưu tầm và tự luyện tập như concerto cho sáo và dàn nhạc của nhà soạn nhạc Nhật Bản Hisatada Otaka, một số bản fantaisie cho sáo solo của Telemann.

Liên tục trong gần 20 năm qua, Diệu Hồng luôn giữ vị trí sáo 1 trong dàn nhạc giao hưởng. Tuy đã ngoài 40 tuổi nhưng chị trẻ hơn tuổi rất nhiều, cả về tâm hồn và hình thức; tiếng sáo của chị vẫn luôn ngọt ngào và trong sáng. Ngoài thời gian dành cho dàn nhạc, chị còn nhận dạy lớp trung cấp 2 tại Nhạc viện Hà Nội và chăm sóc gia đình nhỏ của mình. Nhiều người trong giới vẫn không hiểu vì sao với những cống hiến như thế cho nền âm nhạc bác học VN nhưng cho đến giờ này chị vẫn chưa được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Riêng Diệu Hồng chỉ cười: “Mình như thế nào thì công chúng biết rồi”.

UYÊN LY - THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên