06/02/2019 14:21 GMT+7

Điều gì khiến ta là ta?

HẢI MINH
HẢI MINH

TTO - 'Mỗi ngày qua, tôi lại là một con triệu người khác nhau' - ban nhạc alt-rock The Verve hát vang trong bài Bitter Sweet Symphony (1997).

Điều gì khiến ta là ta? - Ảnh 1.

Ảnh: DREAMSTIME

Đó có lẽ cũng là bản chất nhân dạng, căn tính, căn cước, hay nhân thân của mỗi cá nhân trong thời đại thay đổi chóng mặt này.

Chúng ta từng đã rất khác. Lòng tin “ nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri tam thập nhi lập, tứ thập thiên mệnh” của hàng nghìn năm trước - rằng đến một lứa tuổi nào đó, tính cách sẽ hình thành vững chắc, những tín điều sẽ ăn sâu bén rễ, và cái tôi trở thành một thực thể ít nhiều bất biến - được duy trì mãi tới khá gần đây. 

The Verve - Bitter Sweet Symphony

F. Scott Fitzgerald, trong tiểu thuyết Tender Is the Night (1934, đã dịch sang tiếng Việt với tựa Dịu dàng là đêm), một doanh nhân nêu tri kiến: “Bất cứ điều gì ở lại trong tính cách của bạn ở tuổi 21 thường sẽ ở lại đó vĩnh viễn”. 

Tới 30 tuổi, với hầu hết mọi người, “tính cách đông cứng như thạch cao, và sẽ không bao giờ mềm lại nữa” - nhà tâm lý học William James viết vào những năm 1890, về cơ bản nhắc lại lời Khổng Tử 2.500 năm trước. 

Thật ra, tín điều đó chắc chắn còn xưa hơn thế: rằng tới lúc nào đó trong cuộc đời, chúng ta sẽ ổn định, chín chắn, không dễ thay đổi, căn tính định hình, biết đâu là cội rễ, bám lấy nó, và không buông ra nữa.

Một trong những người đầu tiên phát triển một góc nhìn rộng mở hơn về cái tôi, bản sắc, bản ngã, tóm lại, những gì khiến ta là ta, là Erik Homburger Erikson, một người Do Thái sinh ở Đức. Năm 1927, ở tuổi 25, ông tới Vienna - đất thánh của phân tâm học. 

Erikson làm quen với những người họ Freud, và nhanh chóng bị ngành này hấp dẫn. Không lâu sau khi hoàn thành việc học, bóng ma Quốc xã bắt đầu phủ lên cộng đồng phân tâm học Vienna, vốn chủ yếu là người Do Thái. Năm 1933, khi các băng nhóm đốt sách của Freud, Erikson và vợ chạy sang Mỹ, rồi ở lại đó tới khi ông qua đời năm 1994.

Cuốn sách đầu tiên của ông in ở Mỹ, Childhood and Society (1950, tạm dịch: Thời thơ ấu và xã hội), nêu ý tưởng căn bản rằng sự phát triển của từng con người không dừng lại sau một hay hai hay ba thập kỷ, mà là một quá trình liên tục qua “tám giai đoạn đời người”. 

Mỗi giai đoạn đó được định nghĩa bởi một cặp cảm xúc đối lập, và giải quyết sự căng thẳng đấy sẽ là điều định hình cái tôi của từng cá nhân - trong môi trường xã hội đặc thù của cá nhân đó.

Lấy ví dụ, trong 18 tháng đầu đời, Erikson nghĩ rằng chúng ta đều bị giằng xé giữa lòng tin và sự bất tín nhiệm. Xử lý đúng thì chúng ta sẽ hiểu được khái niệm hi vọng. 

Còn những năm 20-30 tuổi là cuộc vật lộn giữa mong muốn được hòa đồng, hội nhập, thân mật, và những lúc một mình, riêng tư. Vượt qua thử thách đó sẽ dẫn tới “một mối quan hệ đối tác gắn bó lâu dài” mà ta gọi là tình yêu. Ở tuổi trung niên là sự truyền thụ - “mong muốn dẫn đường cho thế hệ tiếp theo” - giằng xé với việc tiếp tục phải chăm lo nhiều hơn cho bản thân. 

Vượt qua cửa ải thứ bảy này, chúng ta học được khái niệm chăm sóc, một mối quan tâm nền tảng cho tất cả mọi thứ sẽ sống lâu hơn chúng ta. Còn trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, ta có thể đi về hướng cảm thấy mình thật chính trực vì đã sống một đời đúng đắn, hay tuyệt vọng vì còn quá nhiều thứ chưa làm, nhưng đã quá muộn, ngọn nến đã sắp tàn.

Nhưng Erikson không chỉ nói tới bản sắc cá nhân, mà còn nhấn mạnh cả các lực xã hội nữa. Với ông, sự phát triển bản ngã của mỗi người là một cuộc đối thoại sâu sắc và không ngừng nghỉ với thế giới ngoại vật của người đó. 

Ở phương diện này, ông giống một triết gia hơn là một nhà phân tâm học. Bạn không cần phải tin tưởng hết những lý thuyết của ông để trân trọng nỗ lực vạch ra tấm bản đồ mênh mông, rối rắm và rậm rạp như một cánh rừng của bản ngã - căn tính con người.

Thật ra, Erikson chính là học giả đầu tiên sử dụng từ “identity crisis” - khủng hoảng bản ngã và sự tự nhận dạng bản thân, và như một lời tiên tri, điều đó ngày càng trở thành một vấn đề cốt lõi của thời hiện đại. 

Từ chính trị tới gia đình, từ mạng xã hội tới báo chí truyền thống, từ từng cá nhân tới những tập đoàn người, câu hỏi về bản ngã chưa bao giờ gay cấn như bây giờ.

Từ rất lâu rồi, Erikson đã thấy rằng nếu ta nhìn vào chiếc kính vạn hoa của cái tôi bản thân, chúng ta nhiều khả năng sẽ chống lại chính mình. Biết bao nhiêu người tham vọng kiếm tiền quyết liệt, muốn thăng tiến bằng mọi giá, nhưng đồng thời lại muốn vứt bỏ tất cả để lẩn trốn ở một xó xỉnh hiểm trở nào đó, không bao giờ ngoái đầu lại? 

Bao nhiêu người bị giằng xé giữa việc muốn là một người quảng giao, lắm bạn bè, đồng thời là một người ẩn dật muốn “ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”? Kẻ quảng giao coi kẻ ẩn dật là đồ dại dột, trong khi kẻ ẩn dật nghĩ kẻ quảng giao thật là phù phiếm.

Nghe rắc rối, nhưng điểm cơ bản thì vẫn vậy: những ai không điều hòa được những khía cạnh khác biệt, thậm chí là đối lập, trong bản ngã - căn tính của họ, sẽ gặp rắc rối. 

Nếu như trong quá khứ, những khác biệt đó là nhỏ và ít, khi người ta còn quần tụ trong gia đình - cộng đồng, ít di chuyển, thông tin cũng hạn hẹp, thì ngày nay, những khác biệt đó đang trở nên dữ dội và thách thức hơn bao giờ hết. 

Những giá trị mới biết ở một phương trời xa lạ, một cuốn sách, trên mạng… xung đột với đời sống hiện thực của quê hương xứ sở. Những tín điều cũ của nhiều thế hệ bị thách thức. Những lòng tin đã ăn sâu bén rễ giờ tan vỡ hoặc lung lay. Và hông tin thì tràn ngập khắp nơi, không ai, không gì ngăn cản nổi.

Lời khuyên của Erikson ư? Hãy chấp nhận rằng những phương diện khác nhau trong con người bạn sẽ gây ra một mớ bòng bong, nhưng hãy chú ý và cố gắng đón nhận những gì mà giai đoạn này của cuộc đời bạn đang cần. Và luôn nhớ rằng bản ngã của bạn giao thoa liên tục với xã hội mà bạn sống trong đó.

Những giai đoạn cuộc đời khác nhau đòi hỏi những đức tính khác nhau. Nhìn lại những năm thiếu thời của bạn cảm giác hẳn không khác gì nhìn vào một nấm mồ chôn cất không biết bao nhiêu cái tôi của chính bạn, rất nhiều cái tôi trong đó xa lạ, kỳ quặc, thậm chí là đối lập với cái tôi hiện tại.

Theo Erikson, hãy hiểu bản thân - hãy liên tục tìm kiếm điều đó - và rồi những gì tốt đẹp tự nó sẽ tới.

Chúng ta đang sống thọ hơn nhưng đâu là giới hạn? Chúng ta đang sống thọ hơn nhưng đâu là giới hạn?

TTO - Kể từ khi loài người lưu trữ dữ liệu nhân khẩu học để thống kê tuổi thọ hơn 100 năm nay, có thể thấy chúng ta đang sống thọ nhưng nhưng tuổi thọ tối đa của con người vẫn còn là ẩn số.

HẢI MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên