18/12/2015 09:46 GMT+7

​Điều gì đã xảy ra đối với Jose Mourinho?

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - HLV Jose Mourinho đem về cho Chelsea danh hiệu vô địch Premier League thứ ba ở mùa giải trước. Nhưng giờ ông đã bị sa thải. Vì sao chỉ sau vài tháng “đế chế” Mourinho sụp đổ tại sân Stamford Bridge?

Người đàn ông được cho là HLV Jose Mourinho lái xe rời khỏi sân tập của Chelsea. Ảnh: Reuters
HLV Jose Mourinho lái xe rời khỏi sân tập của Chelsea. Ảnh: Reuters

Tháng 8-2015, Mourinho ký bản hợp đồng mới kéo dài bốn năm với Chelsea. Tất cả đối với Chelsea và Mourinho đều tươi sáng. Họ là nhà đương kim vô địch Premier League, là ứng cử viên hàng đầu của mùa giải 215-2016, và Mourinho mạnh dạn tuyên bố về kế hoạch củng cố vị thế “bá chủ” của Chelsea tại nước Anh trong 10 năm tới.

Nhưng giờ Mourinho đã phải ra đi, Chelsea ngụp lặn ở gần cuối bảng xếp hạng Premier League, chỉ cách nhóm xuống hạng vỏn vẹn 1 điểm. Đây là sự sụp đổ gây choáng váng, chưa từng xảy ra với bất kỳ nhà vô địch bóng đá Anh nào. Nhà bình luận thể thao Phil McNulty của trang BBC Sport phân tích một số nguyên nhân.

Sự chủ quan

Chelsea giành chức vô địch mùa giải 2014-2015 trước ba vòng đấu, với cách biệt 8 điểm so với nhà cựu vô địch Manchester City. Họ kiểm soát cuộc đua ngay từ những tuần lễ đầu tiên và chỉ thua ba trận trong suốt mùa giải. Phải chăng chiến thắng quá dễ dàng đã khiến cả các cầu thủ và chính HLV Mourinho chủ quan, khinh địch? Chelsea mắc sai lầm tương tự M.C sau khi vô địch hồi năm 2012, đó là không tăng cường lực lượng một các đáng kể.

Bản hợp đồng thất bại của HLV Jose Mourinho. Ảnh: Getty
Tiền đạo người Colombia Falcao  - bản hợp đồng thất bại của HLV Jose Mourinho. Ảnh: Getty Images

Sau khi đánh mất chức vô địch mùa giải năm ngoái, M.C phản ứng rất quyết liệt. Họ chi 49 triệu bảng mua Raheem Sterling, 55 triệu bảng mua Kevin de Bruyne và 32 triệu bảng cho Nicolas Otamendi. Trong khi đó, Chelsea có liên hệ với tiền vệ Paul Pogba của Juventus và trung vệ Raphael Varane của Real Madrid. Nhưng họ không hề xuất hiện.

Chelsea tốn thời gian theo đuổi John Stones của Everton nhưng vô ích. Quả thực là Pedro có đến từ Barcelona với giá 21 triệu bảng và hậu vệ trái Baba Rahman được mua từ Augsburg với giá 21,7 triệu bảng. Nhưng từng đó là không đủ. Papy Djilobodji và Michael Hector cũng cùng đến với giá 4 triệu bảng, nhưng không được sử dụng.

Mourinho bị chỉ trích, nhưng có lẽ tỷ phú Roman Abramovich và ban lãnh đạo Chelsea đã làm khó ông về vấn đề chuyển nhượng. Ông muốn có Stones nhưng không được, ông không ưu tiên mua hậu vệ trái bởi Cesar Azpilicueta đã chơi rất hay mùa giải trước, nhưng Rahman lại được đưa đến sân Stamford Bridge. Về Djilobodji, chính Mourinho thừa nhận đó không phải là sự  lựa chọn của ông.

Tuy nhiên Mourinho cũng đã mắc sai lầm với bản hợp đồng mượn Radamel Falcao. Sai lầm lớn hơn của ông là đã chủ quan, để cho các cầu thủ Chelsea nghỉ ngơi một tháng hè, do đó thời gian chuẩn bị trước mùa giải của họ bị rút ngắn lại. Chelsea chỉ chơi ba trận trước khi đối đầu với Arsenal ở cúp Community Shield và thất bại. Các cầu thủ tỏ ra yếu ớt trong trận khai mạc trước Swansea và mọi rắc rối nổ ra.

“Lời nguyền” của Eva Carneiro

Hi vọng về sự khởi đầu êm thấm ở mùa giải mới đã tan vỡ với thất bại ở trận khai mạc trước Swansea. Nhưng hiềm khích giữa HLV Mourinho với bác sĩ Eva Carneiro mới thực sự gây bầu không khí bất hòa, khó chịu ở Chelsea. Mourinho nổi điên khi Chelsea chỉ còn 10 người vì thủ môn Thibaut Courtois bị đuổi nhưng bác sĩ Carneiro và nhân viên y tế Jon Fearn chạy ra sân chữa chấn thương cho Eden Hazard (mà ông cho là không cần thiết).

Hiềm khích giữa HLV Mourinho với bác sĩ Eva Carneiro tạo bầu không khí bất hòa, khó chịu ở Chelsea. Ảnh: Reuters

Sau đó Mourinho chỉ trích bác sĩ Carneiro và các nhân viên y tế là “ngây thơ”. Rắc rối tiếp tục kéo dài khi giới bác sĩ thể thao lên án Mourinho, chủ tịch Hiệp hội Bóng đá Anh (FA) Greg Dyke gửi thư lên hội đồng thành viên FA, cho rằng HLV Chelsea “mắc sai lầm và cần xin lỗi”. Các luật sư của bác sĩ Carneiro kiện Chelsea vì sa thải cô, còn bản thân Mourinho cũng bị kiện.

Trên mạng xã hội, các cổ động viên bóng đá mô tả vụ lùm xùm này là “lời nguyền của Eva Carneiro”, bởi vận may của cả Chelsea và HLV Mourinho đều sa sút ngay từ thời điểm ông ra đòn với bác sĩ của CLB. Sau đó, Mourinho liên tục gặp rắc rối với FA, bị cấm chỉ đạo một trận, bị phạt 40.000 bảng vì chửi trọng tài Jon Moss. Mourinho rơi vào rắc rối từ ngày đầu tiên của mùa giải và đó là một phần nguyên nhân khiến ông ngã ngựa.

Rõ ràng là các hành động của Mourinho chẳng đem lại điều gì tốt lành cho Chelsea và chính  bản thân ông.

Ảo tưởng

Sự ương ngạnh, cứng đầu luôn là tính cách nổi bật của Mourinho, nhưng ở mùa giải này ông quá nhiều lần ảo tưởng. Ở trận thứ hai của mùa giải, Chelsea bị Manchester City vùi dập với tỷ số 3-0. Khi đó Mourinho buộc phải thay thế đội trưởng John Terry nhưng vô hiệu. Ở cuộc họp báo sau trận đấu, Mourinho mô tả kết quả này là “giả mạo” và Chelsea xứng đáng nhiều hơn thế.

Nhưng thực tế là lẽ ra Chelsea còn có thể thua đậm hơn nếu thủ môn Asmir Begovic không chơi xuất sắc. Đó có lẽ là một triệu chứng của sự ảo tưởng. Bởi sau khi Chelsea thua đau Everton 1-3 hồi tháng 9, Mourinho cũng lại giở bài cũ khi mô tả “Chelsea hoàn toàn kiểm soát thế trận”. Màn diễn trò đó của Mourinho không lừa được ai ngoài chính bản thân ông.

Các cầu thủ lớn “mất tích”

Chiến thắng của Chelsea ở mùa giải năm ngoái dựa trên nền tảng hàng thủ vững vàng với hai hậu vệ Terry và Branislav Ivanovic luôn chơi ổn định và tiền vệ phòng ngự Nemaja Matic mạnh mẽ. Một yếu tố quan trọng không kém là sự xuất sắc của Hazard và hai bản hợp đồng năm 2014 là tiền vệ Cesc Fabregas và tiền đạo Diego Costa.

Và chính sự sa sút của sáu cầu thủ lớn này đã đẩy Mourinho vào đường cùng. Cuối cùng thì gánh nặng tuổi tác cũng đã đuổi kịp Terry, trong khi phong độ của Ivanovic sụt giảm tệ hại. Hai lần bị thay ra sớm của đội trưởng Terry ở trận gặp M.C và mới đây là thất bại trước Leicester City đã nói lên tất cả. Cầu thủ 35 tuổi gần như tê liệt trước tốc độ vũ bão của Jamie Vardy và Riyad Mahrez.

Gánh nặng tuổi tác khiến trung vệ  John Terry không còn giữ được phong độ tốt nhất. Ảnh: Reuters

Terry từng là trái tim của Chelsea dưới thời Mourinho. Việc anh bị thay ra một cách đáng xấu hổ như vậy là hình ảnh biểu tượng của một cuộc khủng hoảng không có lối ra. Nhưng việc bộ ba siêu sao hàng công chơi tồi tệ mới thực sự gây tác động lớn nhất đến đội bóng. Hazard ghi 14 bàn và kiến tạo 9 mùa giải trước, Fabregas kiến tạo 18 bàn. Costa ghi 20 bàn. Thậm chí cả hậu vệ Ivanovic cũng ghi 4 bàn và kiến tạo 5.

Nhưng quan hệ của Hazard với Mourinho đã đổ vỡ khi anh chơi tệ hại từ đầu mùa. Ở trận gặp Leicester, thậm chí Mourinho cho rằng Hazard đã tự ý rời sân. Trong khi đó Costa tỏ ra chậm chạp và dường như chỉ thích "cà khịa" cầu thủ đối phương. Khi bị thay ra sân trong trận gặp Tottenham hồi tháng 11, Costa cũng đã hục hặc với Mourinho. Và sự sáng tạo của Fabregas đã biến mất.

Khi các cầu thủ lớn không đạt phong độ tốt, kể cả một HLV đầy tài năng như Mourinho cũng gặp khó khăn.

Pháo đài sụp đổ

Trước tình trạng đó, sức mạnh thống trị của Chelsea ở sân nhà Stamford Bridge đã bị xói mòn. Trong 98 trận Premier League trên sân nhà trước mùa giải này, Chelsea của Mourinho chỉ thua một trận. Hồi mùa giải 2005-2006, Chelsea thắng 18 trong tổng số 19 trận sân nhà. Nhưng trong 8 trận sân nhà mùa này Chelsea đã thua tới 4. Các đội bóng đã không còn cảm thấy sợ hãi khi đến sân Stamford Bridge nữa. Thành công của Mourinho luôn dựa trên sức mạnh sân nhà. Và một khi sức mạnh đó biến mất, đương nhiên là ông gặp rắc rối.

Hội chứng mùa giải thứ ba

Mourinho luôn phản ứng dữ dội khi báo chí nhắc đến hội chứng “mùa giải thứ ba”. Quả thật ông từng cùng Chelsea giành cúp FA và League Cup ở mùa giải thứ ba với Chelsea thời kỳ đầu tiên. Tuy nhiên những gì đã xảy ra ở mùa giải này lại khiến giới chuyên môn và cổ động viên phải đặt câu hỏi liệu Mourinho có thể lãnh đạo một đội bóng lâu dài hay không.

Mourinho luôn thành công ở giai đoạn ngắn, nhưng nếu một CLB muốn xây dựng “đế chế” trường trị thì có lẽ nên chọn người khác. Một HLV có tầm nhìn xa có lẽ sẽ tin tưởng tiền đạo Romelu Lukaku hay tiền vệ Kevin de Bruyne hơn. Phải chăng Mourinho chỉ là một chiến lược gia tầm ngắn? Mourinho chỉ chung thủy với Porto và Inter Milan có hai mùa, ở Real Madrid ba mùa trước khi ra đi. Ông từng ký hợp đồng dài hạn với cả Madrid và Chelsea nhưng không bao giờ có thể hoàn tất các bản hợp đồng đó.

Mourinho có xứng đáng bị sa thải?

Việc một đội bóng sa thải HLV chỉ vài tháng sau khi giành chức vô địch quốc gia là vô cùng kỳ lạ, đặc biệt khi HLV đó là một trong những chiến  lược gia thành công nhất trong thế giới bóng đá. Nhưng đó là bản chất của bóng đá hiện đại và phản ánh rõ ràng mùa giải thảm họa của Chelsea. Trước đây, ông chủ Abramovich từng khét tiếng là sẵn sàng đối xử tàn nhẫn với HLV, nhưng thực tế là mùa giải này ông đã rất kiên nhẫn với Mourinho sau hàng loạt thất bại đáng xấu hổ.

Nhưng cuối cùng ông buộc phải sa thải Mourinho bởi chính HLV Bồ Đào Nha đã tự tay cắt đứt quan hệ với nhiều cầu thủ. Việc Mourinho tuyên bố ông “bị phản bội”, rằng thành công của mùa giải năm ngoái hoàn toàn xuất phát từ tài năng của ông đã khiến bầu không khí phòng thay đồ của Chelsea trở nên quá ngột ngạt. Và rõ ràng là không có dấu hiệu nào cho thấy Mourinho có thể giúp Chelsea phục hồi.

Quyết định của Abramovic có thể là cứng rắn, nhưng ông đã tạo điều kiện tối đa cho Mourinho sửa chữa sai lầm. Nhưng Chelsea đi từ thất bại này đến thất bại khác. Cơ hội dự Champions League mùa giải tới gần như tiêu tan. Do đó chẳng có gì ngạc nhiên khi “người đặc biệt” phải ra đi.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên