![]() |
Bà Trần Hồng Vân |
* Với số phụ nữ VN lấy chồng Đài Loan (ĐL) hiện nay bình quân 10.000 cặp/năm, các cuộc hôn nhân Việt - Đài đã thật sự khiến các nhà nghiên cứu xã hội vào cuộc. Xin bà cho biết sơ nét về các nghiên cứu này?
- Trong quá trình thực hiện đề tài của mình, tôi đã được tiếp cận một vài công trình nghiên cứu này từ phía ĐL, như luận án tiến sĩ của nghiên cứu sinh ĐL Thái Nhã Ngọc “Sơ bộ nghiên cứu hôn nhân ĐL - VN”, trong đó tác giả phản ánh thực tế các cuộc hôn nhân này là do môi giới và nguyên nhân sự ra đi của các cô gái VN trong những cuộc hôn nhân không tình yêu: thực trạng kinh tế khó khăn.
Tôi cũng được giới thiệu một báo cáo của một tác giả ĐL khác tại một hội thảo quốc tế ở Nhật Bản; nhưng tác giả này lại nhìn các cuộc hôn nhân qua biên giới Việt - Đài là “hiện tượng buôn bán phụ nữ nghiêm trọng”, điều đó tôi không đồng tình vì sự ra đi của các cô gái VN là tự nguyện.
Ông Ngô Kiến Quốc (chủ nhiệm Phòng Kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM): Đừng quá ảo tưởng! Tôi có tham gia những cuộc phỏng vấn cấp visa cho các cô gái VN kết hôn với người Đài Loan. Tôi luôn nhắc họ phải suy nghĩ kỹ. Nếu chỉ coi mắt trong vài tiếng rồi đi tới quyết định cả đời thì quá mạo hiểm. Trước hết, cuộc sống ở ĐL không như họ ảo tưởng. Tuy cơ sở hạ tầng của chúng tôi đã phát triển cao, nhưng thử nhìn vào thống kê sáu tháng đầu năm nay: đa số nam giới ĐL sang đây kết hôn là công nhân (hơn 87%). Là công nhân có nghĩa họ phải làm việc quần quật cả ngày, không thể có nhiều thời gian để san sẻ núi công việc gia đình với vợ; là công nhân cũng có nghĩa thu nhập không cao, không thể đảm bảo một cuộc sống sung túc hay an nhàn. Họ không biết nói tiếng Việt để chia sẻ với vợ dẫu về mặt tinh thần. |
- Khoảng 10 năm gần đây, số lượng nữ VN kết hôn với nam ĐL ngày càng tăng. Nếu trước năm 1994 cô dâu người nước ngoài tới ĐL chủ yếu là người Philippines và Indonesia, còn cô dâu VN chỉ chiếm 10%, thì tới năm 1996 số cô dâu VN đã vượt Indonesia.
Nhà nghiên cứu Thái Nhã Ngọc tính được chỉ từ tháng 1-1994 tới tháng 5-2000 ở ĐL đã có tới hơn 32.000 cô dâu VN, chiếm tỉ lệ trên 46% trong tổng số cô dâu Đông Nam Á.
Về mức độ gia tăng các cuộc hôn nhân Việt - Đài thì số liệu của Phòng Kinh tế - văn hóa Đài Bắc tại TP.HCM cho thấy: trong khoảng 1995-2003, tổng số cặp vợ chồng VN-ĐL được cấp phép nhập cảnh đã đạt tới 72.411 cặp. Về nghề nghiệp, các người vợ VN chủ yếu làm nông hay nội trợ, trong khi các ông chồng ĐL là công nhân, tiểu thương. Về tuổi kết hôn có thể thấy sự chênh lệch chồng già - vợ trẻ khi nam ĐL có tuổi kết hôn trên 50 là 6,7%, trên 60 tuổi là 2,1%, trong khi nữ VN trên 50 chỉ có 0,02%, còn đa số (54,10%) từ 20-30 tuổi.
Tuy nhiên, đây là số liệu thống kê lấy được của 14.997 cặp, trong thời kỳ đầu của làn sóng kết hôn này. Gần đây, số nam giới ĐL lấy vợ VN đã dần trẻ hơn.
* Một đoàn cán bộ Sở Dân chính Cao Hùng (trong đó có một giám đốc sở) tới TP.HCM công tác, họ đã rút ra kết luận gì?
- Chúng tôi đưa họ tới thăm huyện Tân Châu, Tây Ninh. Và bạn có thể hình dung chỉ trên một đoạn đường gần 1km mà có tới 13 nhà có con gái lấy chồng ĐL. Nhóm cán bộ Sở Dân chính nhận định rằng làng quê này thật sự nghèo khó, giống như làng quê họ cách đây 30 năm! Họ cũng nhận thấy các cô gái này ra đi vì bị tuyên truyền và ảo tưởng qua các tay môi giới. Họ muốn kết hợp với một tổ chức địa phương để giới thiệu thực trạng sống ở ĐL cho các cô sắp lấy chồng ĐL chuẩn bị (qua những đoạn phim video họ giới thiệu về cuộc sống thực tế ở ĐL). Cuộc đàm phán còn đang tiếp tục.
* Bài tham luận của bà cũng đã đề cập về những “lực hút” và “lực đẩy” của hiện tượng lấy chồng ĐL...
![]() |
Ngay sau khi được các xe ôm đưa đến một khách sạn trên đường Ba Tháng Hai (P.7, Q.11, TP.HCM), một số cô thất thểu bước ra vì không được các ông chồng Đài Loan tương lai chọn. Ảnh: T.T.D |
Ở VN, một bộ phận phụ nữ, nhất là ở nông thôn, đa số tuổi còn trẻ, chưa có việc làm ổn định, lại có kỳ vọng vào những cuộc hôn nhân với người nước ngoài vì mục đích kinh tế... Một yếu tố khác không thể bỏ qua là tâm lý hướng về nguồn cội của những phụ nữ Việt gốc Hoa (phụ nữ dân tộc Hoa lấy chồng ĐL chiếm trên 40% tổng số nữ VN lấy chồng ĐL). Đó là những lực hút người phụ nữ VN tìm chồng ở ĐL.
* Cuộc nghiên cứu do bà chủ trì đã đi tới những kết luận nào về hệ quả của các cuộc hôn nhân Việt - Đài trên?
- Đây thực chất là quá trình di cư một chiều. Nếu sự di cư này cứ ồ ạt phát triển và theo xu hướng những năm gần đây, khi “chất lượng” phụ nữ VN kết hôn với nam ĐL có phần được nâng cao dần lên thì sẽ đến lúc diễn ra tình trạng “chảy máu chất xám”, tác động đến thị trường lao động trong nước. Hệ quả thứ hai là ảnh hưởng của các cuộc hôn nhân này tại nơi đi và nơi đến cũng như với tương lai của con cháu họ.
Do trình độ văn hóa thấp, không biết ngôn ngữ, bản thân người mẹ đã không thể hội nhập vào gia đình chồng mà chỉ lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình chồng, họ lại giáo dục con cái có phần thiên lệch. Những đứa con của họ được dạy nói tiếng Việt nên khi vào lớp 1 học kém hơn các bạn cùng lớp do không thông thạo tiếng bản xứ. Thậm chí đã có người ĐL lo âu về một thế hệ con lai kém thông minh (!).
Và cuối cùng là hệ quả xét trên quan điểm giới và sự phát triển. Cơn sốt lấy chồng ĐL rộ lên, đạt tới hàng chục nghìn cuộc trong một thời gian ngắn là chuyện không bình thường. Nhưng không bình thường hơn nữa là những cuộc hôn nhân này dẫn tới di cư một chiều khi chỉ có phụ nữ VN lấy chồng ĐL chứ ít có ngược lại. Nếu trào lưu này tiếp diễn mạnh mẽ như thế có thể dẫn tới mất cân đối về giới ở VN như xã hội ĐL trước đây và hiện nay.
Nhưng vấn đề bức xúc nhất không phải là vấn đề mất cân đối nam, nữ mà là tình trạng bất bình đẳng giới trong gia đình có vợ VN chồng ĐL. Sự phân công lao động trong gia đình cũng như trong kinh tế còn nhiều bất hợp lý, phụ nữ VN lệ thuộc chồng ĐL và gia đình chồng, khi ly hôn xảy ra họ là người thiệt thòi hơn. Theo số liệu của Phòng Kinh tế - văn hóa Đài Bắc, tỉ lệ ly hôn trên tổng số các cặp vợ chồng Việt - Đài chiếm 5-8%.
* Điều gì khiến bà suy nghĩ nhiều nhất từ cuộc nghiên cứu này?
- Chúng ta đang nhìn về giới rất thiên lệch, nữ giới luôn là người phục vụ từ khi trẻ tới lúc về già. Chúng ta đang giáo dục con em mình một cách phân biệt, tạo ra sự bất bình đẳng giới mới.
Thế nên khi làn sóng đô thị hóa ập tới, các cô gái này mơ thoát khỏi cuộc sống thiệt thòi (“nhìn thấy cuộc sống của mẹ mình mà chán” như các cô đã nói), mơ được tiếp cận với sự văn minh. Một trong các cô gái này từng nói muốn lấy chồng ĐL để được đi máy bay! Tôi nghĩ rằng hiện trạng này có phần trách nhiệm giáo dục về giới của chúng ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận