20/03/2008 15:36 GMT+7

Điều chỉnh quy hoạch TP.HCM: Mở hướng liên kết các tỉnh

 PHÚC HUY - LÊ ANH ĐỦ
 PHÚC HUY - LÊ ANH ĐỦ

TT - TP.HCM sẽ phát triển theo hai hướng chính và hai hướng phụ, liên kết với các tỉnh xung quanh, không phụ thuộc ranh giới hành chính. Đó là một trong những nội dung điều chỉnh qui hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 vừa được UBND TP.HCM báo cáo Bộ Xây dựng.

UIzkJecR.jpgPhóng to

Phía nam hướng ra biển là một trong hai hướng chính trong định hướng phát triển của TP.HCM từ nay đến năm 2025. Trong ảnh: các khu dân cư mới đang được đầu tư xây dựng dọc đường trục bắc nam từ khu Nam Sài Gòn ra khu công nghiệp - đô thị cảng Hiệp Phước (ảnh chụp tại xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè sáng 19-3) - Ảnh: N.C.T.

TT - TP.HCM sẽ phát triển theo hai hướng chính và hai hướng phụ, liên kết với các tỉnh xung quanh, không phụ thuộc ranh giới hành chính. Đó là một trong những nội dung điều chỉnh qui hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 vừa được UBND TP.HCM báo cáo Bộ Xây dựng.

Ngoài ba hướng đã được xác định trước đây gồm hai hướng chính về phía đông và phía nam (ra biển), hướng phụ phía bắc, tây bắc, tờ trình lần này bổ sung hướng phụ về phía tây, tây nam TP.

Cùng với bốn hướng trên là bốn hành lang ưu tiên phát triển, tạo động lực cho khu vực phát triển toàn diện. Đó là hành lang cửa ngõ phía đông (dọc tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) kết nối với các đô thị Nhơn Trạch, Long Thành, Biên Hòa (Đồng Nai); hành lang phía nam dọc trục đường Nguyễn Hữu Thọ kết nối các đô thị dọc tuyến đường này và đô thị cảng Hiệp Phước; hành lang hướng tây bắc (dọc quốc lộ 22) liên kết với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Còn hành lang hướng tây, tây nam là dọc trục đường Nguyễn Văn Linh kết nối các đô thị nam TP, khu đô thị Tân Kiên, trung tâm huyện Bình Chánh.

Thành phố đa trung tâm

Định hướng phát triển TP đến năm 2025 cũng nêu rõ: thể hiện trong mối quan hệ với vùng đô thị TP.HCM (gồm Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang với tổng diện tích tự nhiên là 30.412km2, bán kính ảnh hưởng 30-80km). Phát triển ra bốn hướng nhằm liên kết, hỗ trợ phát triển với các tỉnh xung quanh. Tuy nhiên, việc phát triển này không phụ thuộc ranh giới hành chính nhằm giảm áp lực cho khu nội thành cũ, làm nền cho việc hình thành các trung tâm khu vực, trung tâm chuyên ngành giáo dục, y tế, kỹ thuật cao, văn hóa, giải trí…

1.900ha đất xây trường

Với lĩnh vực giáo dục - đào tạo, tờ trình của UBND TP.HCM cho biết sẽ tăng diện tích đất dành cho các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề và nghiên cứu khoa học với khoảng 1.900ha. Địa điểm bố trí gồm: ở phía đông là quận 9; ở phía nam là quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh; ở phía bắc là huyện Củ Chi, Hóc Môn. Ngoài ra còn có trung tâm y tế kỹ thuật cao gắn với chẩn đoán, điều trị theo mô hình viện - trường tại huyện Bình Chánh và Củ Chi.

TP.HCM cũng xác định: hệ thống các trung tâm dịch vụ TP được tổ chức theo hướng đa trung tâm và bổ sung khu đô thị khoa học đông bắc TP (thuộc hai quận 9, Thủ Đức) và khu đô thị cảng Hiệp Phước ở phía nam huyện Nhà Bè. Trung tâm chính của TP bao gồm khu hiện hữu là quận 1, 3, 4, 5 và một phần Bình Thạnh. Trung tâm mới mở rộng sang Thủ Thiêm, diện tích 737ha.

Các trung tâm khu vực qui hoạch theo bốn hướng gồm: phía đông là phường Long Trường, quận 9, giáp với trục cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây qui mô khoảng 280ha. Phía bắc thuộc khu đô thị tây bắc diện tích khoảng 300ha. Ở phía tây là khu vực giáp quốc lộ 1 thuộc xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (khoảng 200ha). Còn phía nam "điểm nhấn" thuộc khu A, khu đô thị Nam Sài Gòn (98ha).

Ngoài ra UBND TP cũng đề xuất thêm một trung tâm khu vực phụ ở phía bắc huyện Hóc Môn có diện tích 50ha và một khu khác tại phía nam huyện Nhà Bè diện tích khoảng 50ha. Theo UBND TP, việc này nhằm đảm bảo bán kính phục vụ và tạo động lực cho khu vực phát triển.

Chỉnh trang khu nội thành cũ, phát triển khu đô thị mới đối với khu nội thành cũ sẽ có các phương án qui hoạch, cải tạo, chỉnh trang theo hiện trạng. Riêng ba khu vực cần bảo tồn di sản kiến trúc là quận 1, 3; khu Chợ Lớn, quận 5; khu Bà Chiểu, quận Bình Thạnh. Các khu còn lại cải tạo, chỉnh trang kết hợp với xây dựng một số ô phố theo hướng giữ nguyên dân số, tăng tầng cao, giảm mật độ xây dựng để dành quĩ đất cho các công trình phúc lợi công cộng, dịch vụ và cây xanh. Tờ trình cũng nhấn mạnh việc qui hoạch phát triển khu Bình Quới - Thanh Đa diện tích 427ha.

Khu nội thành phát triển (các quận mới): ưu tiên phát triển khu dân cư, khu đô thị mới qui mô lớn. Hướng đông bắc có "hạt nhân" là khu công nghệ cao 913ha, khu đại học quốc gia 800ha (phần thuộc TP.HCM là 200ha), công viên lịch sử văn hóa dân tộc 382ha, khu đô thị khoa học - công nghệ khoảng 5.000ha thuộc một phần Thủ Đức và quận 9. Hướng bắc có khu đô thị sinh thái kết hợp du lịch, nghỉ dưỡng bao gồm một phần quận 12 và huyện Hóc Môn. Hướng tây là một số khu dân cư mới thuộc quận Bình Tân và huyện Bình Chánh gắn với khu công nghiệp tập trung. Hướng nam tập trung cho khu đô thị Nam Sài Gòn và một số khu dân cư mới ở quận 7. Dân số tại các quận (cũ và mới) được điều chỉnh tăng lên 7,4 triệu người, so với trước đó là 6 triệu người.

Khu vực ngoại thành: qui mô đáng kể nhất là khu đô thị tây bắc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn diện tích khoảng 6.000ha và khu đô thị cảng Hiệp Phước tại huyện Nhà Bè diện tích khoảng 1.600ha. Hướng phía bắc thuộc Hóc Môn và Củ Chi sẽ có thêm một số khu dân cư mới gắn với thị trấn, thị tứ và các khu công nghiệp tập trung. Hướng tây thuộc Bình Chánh và hướng nam thuộc Nhà Bè có một số khu dân cư mới theo dạng cụm dân cư để phù hợp với điều kiện địa chất thủy văn, bảo vệ hệ thống sông rạch…

* Giao thông đường bộ: sẽ có ba tuyến đường vành đai, xây dựng sáu trục hướng tâm đối ngoại (gồm các tuyến quốc lộ) và các đường cao tốc có năng lực thông xe lớn. Nâng cấp, mở rộng và hoàn thiện các tuyến tỉnh lộ hướng tâm nhằm hỗ trợ các tuyến hướng tâm đối ngoại. Bên cạnh còn xây dựng 19 cầu đường bộ vượt sông Đồng Nai, Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu và hầm qua sông Sài Gòn (hầm đường bộ và hầm metro). Cũng theo đề xuất của UBND TP.HCM, khu trung tâm TP sẽ có khoảng tám bãi đậu xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại và khoảng bốn bãi để xe tầng.

* Đường sắt: cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Thống Nhất đoạn Trảng Bom - Bình Triệu và đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng. Trong đó đoạn Bình Triệu - Hòa Hưng chuyển chức năng thành đường sắt đô thị (đi ngầm hoặc trên cao). Xây dựng mới hai tuyến đường sắt đi Biên Hòa và Lộc Ninh, hai tuyến đường sắt chuyên dụng nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước và Cát Lái. Mặt khác có sáu tuyến tàu điện ngầm (metro) xuyên tâm và vành khuyên, xây dựng ba tuyến xe điện chạy trên mặt đất hoặc monorail.

* Đường không: cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất trở thành điểm trung chuyển hàng không của khu vực và thế giới. TP sẽ cải tạo, nâng công suất khoảng 20 triệu hành khách/năm, hoạt động 24/24 giờ. Kiến nghị xây dựng sân bay quốc tế Long Thành từ năm 2010.

 PHÚC HUY - LÊ ANH ĐỦ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên