25/02/2011 03:37 GMT+7

Diễn viên Dominique Blanc: "Tôi đã được đặt chân đến Việt Nam"

NGA LIINH thực hiện
NGA LIINH thực hiện

TT - Bốn lần đoạt giải thưởng điện ảnh César danh giá của Pháp, từng là thành viên ban giám khảo Cannes, Liên hoan phim quốc tế Berlin, sáng 24-2 nữ diễn viên điện ảnh nổi tiếng Dominique Blanc đã có mặt tại Hà Nội - mảnh đất mà bà gọi là “nơi tôi mơ ước đặt chân tới”.

Read this on Tuoitrenews.vn

zQ5ykIPl.jpgPhóng to

Diễn viên Dominique Blanc trong vở Nỗi đau - Ảnh: www.visiteursdusoir.com

Nữ nghệ sĩ có tiếng này cũng là người quen của khán giả VN. Năm 1992, vai diễn Yvette trong bộ phim Đông Dương (Indochine) với sự góp mặt của nữ minh tinh Catherine Deneuve, Phạm Linh Đan, nam tài tử Vincent Perez... đã mang về cho Dominique Blanc giải thưởng César nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất.

Đêm 24-2 tại Nhà hát Lớn (Hà Nội), với cầu nối là Trung tâm văn hóa Pháp, Dominique lần đầu gặp khán giả VN trong vở Nỗi đau, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Marguerite Duras (tác giả quen thuộc với VN qua tiểu thuyết Người tình).

* Tiểu thuyết Nỗi đau (La douleur - 1945), theo cố văn sĩ Marguerite Duras tự nhận, là cuốn nhật ký chiến tranh từ góc nhìn người phụ nữ. Trong đó, bà biến nỗi đau vì chờ đợi người chồng bị bắt giam tại trại tập trung, nỗi tuyệt vọng không tìm thấy ông thành những dòng luận chiến. Một vai diễn tự sự đầy cô độc trên sân khấu, bạn diễn chỉ là bộ bàn ghế gỗ. Vừa đoạt giải Molière cho nữ diễn viên kịch xuất sắc nhất cũng bằng chính vai này, chị đã chọn cho mình cách thể hiện như thế nào?

- Tôi xuất thân là diễn viên không trường lớp, cách diễn tự nhiên, thật thà bỗng trở thành tài sản quý khi vào nghề của tôi. Ngoài đời Duras là một phụ nữ bé nhỏ, cao 1,6m, các nhân vật nữ đều thấp thoáng hình bóng của bà. Thời Đức chiếm đóng, Duras sinh con và đứa trẻ ấy chết non, chồng thì bị bắt. Bà ấy có sử dụng câu chuyện của chính mình trong cuốn tiểu thuyết này.

Làm sao để thể hiện nhân vật với một tâm trạng tuyệt vọng vì chờ đợi người thân yêu? Cách diễn của tôi giản dị nhưng mạnh mẽ, tay tôi giơ cao để thể hiện nỗi cay đắng và tức giận trước tội ác chiến tranh. Có thể do chất giọng tôi hơi khàn, mỗi câu giống như chiếc máy nhỏ cắt vào tâm trí người xem.

Tôi tưởng tượng chiếc ghế, cái bàn như một bạn diễn, và cố gắng bắt chước những câu chữ miêu tả nhân vật trong truyện để mọi thứ của tác phẩm đó sống lại. Nhưng nếu bạn cảm thấy “đau” khi xem vở kịch này, rất có thể bạn đã cảm nhận được ngọn ngành sức mạnh trong câu chữ của Duras.

* Khả năng cảm nhận “nỗi đau chiến tranh” đang dần xa vời với một bộ phận khán giả trẻ và cả lớp diễn viên hiện nay. Sợi dây nào kéo gần bà lại với những bi kịch trong tác phẩm của Duras?

- Có một câu thoại được nhắc lại nhiều lần trong vở kịch này: “Nỗi đau là một trong những điều quan trọng nhất đời tôi”. Vai diễn chỉ trọn vẹn khi tôi cộng hưởng được kinh nghiệm diễn xuất và những kiến thức về cuộc đời đau khổ mà Duras đã gọi tên. Chính Duras mồ côi cha từ nhỏ, mẹ dạy học, có một đồn điền nhỏ bị biển nhấn chìm, tuổi thơ Duras chìm trong cảnh nghèo khó.

Không thể phủ nhận bi kịch gia đình cùng mảnh đất Việt Nam nơi bà ấy sinh ra hiện hữu trong quá nhiều tác phẩm của Duras. Đặc biệt trong Đập ngăn Thái Bình Dương (Un barrage contre le Pacifique, 1950), tôi cứ vương vấn mãi hình ảnh góa phụ Dufresne loay hoay trong cuộc chiến đấu xây dựng lại rào chắn, bảo vệ lúa trước bão biển.

Bên cạnh việc đọc các tác phẩm của Duras, tôi tìm rất nhiều tài liệu xung quanh cuộc đời bà, bối cảnh lịch sử bao vây lấy bà ấy trong từng thời kỳ sáng tác. Nếu bạn cũng nghiên cứu như tôi, bạn có biết một câu chuyện là trong Thế chiến thứ hai, khi tất cả mọi người rời khỏi Paris, bà ấy vẫn trụ vững tại những lòng đường của thủ đô để bán những tờ báo của Đảng Cộng sản Pháp.

Tấm hình Duras bán báo dạo trên đường cũng thường được nhắc đến tại Pháp. Ở Pháp không khó khăn lắm để gợi lại chiến tranh, riêng VN và Duras thì đã trở thành hai cái tên song hành, gắn kết rồi.

* Đây là lần đầu tiên bà đến VN?

- Vở Nỗi đau đã công diễn tại Pháp từ năm 2007 nhưng đến bây giờ đạo diễn Thierry Thieû Niang, một người Pháp gốc Việt, mới thực hiện được nguyện vọng đưa đoàn kịch đến Hà Nội. Khi tham gia bộ phim Đông Dương, chúng tôi phải thực hiện các cảnh quay tại Malaysia. Ngày đó tôi không hề nghĩ sẽ có lúc như hôm nay được đặt chân đến VN.

NGA LIINH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên