29/04/2014 00:01 GMT+7

Diện tích rừng ngập mặn đang bị thu hẹp

congtien_canbiet
congtien_canbiet

Cần biết - Rừng ngập mặn ở Bà Rịa - Vũng Tàu nằm trong khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (bao gồm TP.HCM, Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu) với hơn 5.000 ha đang giảm cả về diện tích và chất lượng.

Rừng ngập mặn được ví là “lá phổi” không thể thiếu, bảo đảm cho hệ sinh thái ven biển phát triển. Rừng ngập mặn còn tạo môi trường thích nghi cho dòng nước mặn từ biển chảy vào và cho dòng nước ngọt từ ven sông thoát ra với các loại động - thực vật sinh sôi, phát triển nhanh chóng. Theo tài liệu của Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, rừng ngập mặn còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường, rừng ngập mặn có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm. Ngoài ra, rừng ngập mặn còn mang lại các giá trị và dịch vụ cho đời sống như: vườn ươm, nuôi trồng thủy sản, cung cấp dược liệu, chất đốt, nguyên liệu cho công nghiệp, tạo cảnh quan cho du lịch, là tấm lá chắn phòng hộ vùng ven biển và “lá phổi xanh” hấp thụ khí CO2 điều tiết nhiệt độ và khí hậu...

MqPGCkBH.jpg

Trước đây, nhờ có các dãy rừng ngập mặn tự nhiên và những dãy rừng ở các vùng cửa sông, ven biển nên nạn xói lở bờ biển tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ít xảy ra và không có hiện tượng xâm nhập mặn sâu vào đất liền nên việc nuôi trồng thủy sản cũng rất phát triển. Tuy nhiên, những năm gần đây, do nạn phá rừng ngày càng tăng và các khu công nghiệp, cơ sở chế biến hải sản ven sông xả nước thải chưa qua xử lý ra môi trường đã làm cho hệ sinh thái rừng ngập mặn ngày càng bị thu hẹp. Theo thống kê của Chi cục Biển và Hải đảo (Sở TN&MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), toàn tỉnh hiện chỉ còn 2.232ha rừng ngập mặn. Việc rừng ngập mặn ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị thu hẹp làm tăng diện tích đất hoang, tăng xâm nhập mặn, xói lở vùng bờ, gây ô nhiễm và suy thoái môi trường nước ven bờ.

Theo Viện Kỹ thuật biển, để bảo vệ rừng ngập mặn, Bà Rịa – Vũng Tàu cần điều chỉnh phát triển kinh tế xã hội theo hướng ưu tiên bảo vệ, phục hồi rừng ngập mặn bị suy thoái do sử dụng thiếu hợp lý hoặc bị hao hụt do ô nhiễm. Trong quy hoạch chế biến thủy sản phải dành đất để trồng các dải rừng ngập mặn làm vành đai bảo vệ bờ biển và hệ sinh thái ven bờ. Đặc biệt là không để rừng ngập mặn tiếp nhận quá nhiều chất thải công nghiệp và sinh hoạt chưa qua xử lý.

Nguồn: Bộ Tài nguyên và Môi trường

congtien_canbiet
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên