![]() |
Điện kế điện tử "Linkton Singapore" |
Nhưng thực tế như thế nào? Nhóm phóng viên Tuổi Trẻ đi tìm xuất xứ của điện kế “Linkton Singapore”.
"Linkton Singapore" lắp ráp tại VN
Doanh nghiệp liên doanh mang tên Công ty TNHH Linkton Vina có trụ sở và nhà xưởng sản xuất đặt tại lô C8-C10 Khu công nghiệp Cát Lái cụm II, quận 2, TP.HCM. Theo xác minh của chúng tôi, liên doanh phía Việt Nam do bà Trần Thị Liên làm đại diện (với tỉ lệ góp vốn 35% bằng quyền sử dụng đất trị giá 700.000 USD) là Công ty TNHH sản xuất - thương mại Quang Trung - địa chỉ 672/6 Lê Quang Định, phường 1, Gò Vấp, TP.HCM. Đây cũng là nhà riêng của bà Liên và ông Đàm Quốc Trung.
Ông Đàm Quốc Trung là chồng bà Liên và hiện là cán bộ của Công ty Điện lực TP.HCM. Ngoài bà Liên, thành viên còn lại là ông Đàm Anh Dũng. Phía liên doanh phía nước ngoài là Công ty Linkton (ở 3016 Bedok North Avenue 4, #03-16, Eastech, Singapore) do ông Wong Justin Kaleung (quốc tịch Mỹ) làm đại diện.
Theo Ban quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (HEPZA), Công ty TNHH Linkton Vina đã bắt đầu đi vào sản xuất từ năm 2004 với công suất là 251.500 sản phẩm/năm. Tính cả năm 2004 công ty đã nhập nguyên liệu sản xuất trị giá 7,21 triệu USD, trong đó chủ yếu là linh kiện dùng lắp ráp đồng hồ đo điện kỹ thuật số 1 pha (đồng hồ dùng cho điện sinh hoạt trong các hộ dân).
Theo báo cáo của Linkton Vina gửi cho HEPZA, trong năm 2004 công ty đã bán cho khách hàng duy nhất là Công ty Điện lực TP.HCM 170.070 bộ đồng hồ kỹ thuật số với tổng trị giá hơn 6 triệu USD (trung bình 35,28 USD/bộ tương đương 550.000 đồng), và một số sản phẩm giáp bọc (armor rod) trị giá 329,5 USD. Linkton Vina cũng cho biết dự kiến tiêu thụ nội địa năm 2005 của công ty lên đến 8 triệu USD.
|
Tính đến 31-12-2004, Linkton Vina đã đầu tư vào VN tổng cộng 989.370 USD, trong đó gần một nửa là trị giá máy móc thiết bị sản xuất. Trong năm 2005, công ty dự kiến sẽ giải ngân thêm 736.500 USD để nhập máy móc thiết bị, phương tiện vận chuyển... Công ty cũng dự kiến nhập 4,37 triệu USD nguyên phụ liệu, vật tư phục vụ sản xuất trong năm 2005, trong đó linh kiện lắp ráp đồng hồ kỹ thuật số chiếm đến 95%, còn lại là linh kiện và phụ tùng của máy biến thế, cầu dao tổng tự động...
Từ đầu năm 2005 đến nay, Linkton Vina vẫn chưa báo cáo về tiến độ xuất nhập khẩu và tình hình sản xuất kinh doanh (theo qui định phải báo cáo hằng quí). Tuy nhiên, theo Cục Thuế TP.HCM, chỉ riêng trong bốn tháng đầu năm 2005 doanh thu từ mặt hàng đồng hồ điện của Công ty Linkton Vina lên đến trên 69,6 tỉ đồng. Nếu tính theo đơn giá 35,28 USD/bộ như cách tính của công ty, thì bốn tháng đầu năm 2005 công ty đã sản xuất khoảng 124.300 bộ đồng hồ. Như vậy, tính tổng cộng từ đầu năm 2004 đến nay công ty đã cho ra lò khoảng 294.370 bộ. Con số này cũng khá trùng khớp với con số 260.000 bộ điện kế mà Công ty Điện lực TP.HCM đã mua và gắn trên lưới cho đến thời điểm này. Còn theo Cục Thuế TP.HCM, trong tháng 5-2005 Linkton Vina không phát sinh doanh thu đồng hồ điện có thể vì công ty đã ngưng sản xuất..
Hải quan TP.HCM: Công ty Linkton Vina chỉ nhập linh kiện
Chúng tôi tiếp tục phối kiểm tại các cửa khẩu, theo số liệu của Cục Hải quan TP.HCM, từ năm 2004 đến nay Công ty Linkton Vina đã nhập về qua các cửa khẩu hải quan tổng số 220.238 bộ linh kiện liên quan đến điện kế điện tử, gồm hàng chục chủng loại khác nhau như mạch IC điều khiển của đồng hồ kỹ thuật số 1 pha; mạch điện tử đồng hồ đo; cầu dao; bộ vỏ ngoài đồng hồ; mạch cáp điện... với tổng trị giá gần 9,9 triệu USD. “Tất cả các lô hàng của công ty này đều được nhập rời theo từng chủng loại khác nhau, không có bất kỳ một lô hàng nào được nhập nguyên chiếc. Họ khai báo nhập về để lắp ráp ngay tại VN” - một cán bộ hải quan có trách nhiệm cho biết.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ, gần như hằng tháng công ty đều có nhập rời các chủng loại linh kiện điện kế điện tử về để lắp ráp, thuế suất của việc nhập rời thấp hơn so với nhập nguyên chiếc, nhưng giá thành sau khi lắp ráp sẽ cao hơn so với nhập nguyên chiếc do các chi phí về nhân công, kiểm định chất lượng... Điều đáng lưu ý là trong toàn bộ 220.238 bộ linh kiện nói trên, có 210.238 mạch điện tử của đồng hồ đo - là bộ phận chính của chiếc điện kế điện tử - chưa rõ nguồn gốc xuất xứ sản xuất ở đâu?
![]() |
Văn phòng đại diện Công ty Linkton Vina và văn phòng Công ty EDMI VN tại số 43E-F Hồ Văn Huê (là nhà riêng của ông Lê Văn Hoành, phó giám đốc Công ty Điện lực TP, cho thuê) - Ảnh: LÊ ANH ĐỦ |
Một số nhân chứng từng được mời đến làm việc, tham quan văn phòng đại diện của Công ty Linkton tại 43 E-F Hồ Văn Huê cho chúng tôi biết: “đơn vị mình không dám cộng tác vì nhận ra rất nhiều điện kế điện tử dạng linh kiện rời, dạng vi mạch điện tử được mang về đây để lắp ráp thủ công”. Và đơn vị này đã từ chối cộng tác với Linkton trong mặt hàng điện kế điện tử “vì đã là điện tử mà lắp ráp thủ công và không thông qua qui trình, chuẩn sản xuất của một nhà máy làm sao chính xác được”. Một nguồn tin khác cho hay văn phòng này bắt đầu hoạt động từ năm 2004, gần đây đã chuyển về Cát Lái.
Một người dân buôn bán nhỏ bên cạnh cũng cho biết trước nay có nhiều công nhân làm việc tại số nhà 43E-F nhưng phần lớn đã chuyển đi trong thời gian gần đây. "Công ty có xe đưa rước một số nhân viên ở đây mỗi sáng, nghe nói đi làm việc tại Cát Lái, chiều 5g hay 5g30 xe đưa trả họ về lại đây" - chị nói.
Giấy chứng nhận kiểm định có tin cậy?
Qua điều tra của chúng tôi, một “chu trình khép kín” khác cũng đang thực hiện tại Công ty TNHH TM-DV-SX Quán Quân (gọi tắt là Công ty Quán Quân) được cung cấp “độc quyền” hộp nhựa phủ ngoài và nguyên bộ cầu dao ngắt điện đi kèm trong các điện kế điện tử 1 pha hiện nay. Công ty Quán Quân có địa chỉ tại 94-96 Tạ Uyên, phường 4, quận 11, TP.HCM. Được thành lập theo giấy phép kinh doanh số 048206, các ngành nghề đăng ký kinh doanh gồm sản xuất hàng nhựa; lắp ráp các thiết bị điện gia dụng; mua bán thiết bị điện dân dụng - công nghiệp; sản xuất, lắp ráp và mua bán thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời... Và hiện nay con trai ông Lê Văn Hoành là Lê Minh Vũ đang tham gia công việc kinh doanh tại công ty TNHH này. |
"Giấy chứng nhận kiểm định" của Trung tâm thí nghiệm điện (thuộc Công ty Điện lực TP.HCM) đều kết luận: "Đạt cấp chính xác 1 được phép sử dụng", giấy chứng nhận cũng ghi rõ: điện kế kỹ thuật số 1 pha, kiểu LTE66 sản xuất tại Singapore. Nhưng thực chất các điện kế điện tử này do chính Linkton Vina lắp ráp tại văn phòng đại diện ở đường Hồ Văn Huê và sau đó là tại nhà máy “Cát Lái”. Như vậy những thông số và kết luận trong giấy chứng nhận kiểm định của Trung tâm thí nghiệm điện là không thể tin cậy.
Điều bất ngờ ở đây không chỉ Linkton Vina cung cấp độc quyền sản phẩm điện kế điện tử 1 pha cho Công ty điện lực TP mà phía văn phòng Công ty EDMI (thuê cùng địa chỉ 43 E-F Hồ Văn Huê) cũng là nhà thầu cung cấp điện kế 3 pha (dùng cho điện sản xuất) cho công ty điện lực này. Và có lẽ chỉ lãnh đạo Công ty điện lực TP mới có thể trả lời vì sao ông Wong làm lãnh đạo cả hai bên văn phòng trong cùng địa chỉ 43E-F Hồ Văn Huê (nhà riêng của ông Lê Văn Hoành, phó giám đốc Công ty Điện lực TP)?
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận