05/11/2008 06:35 GMT+7

Diễn đàn "Đổi mới phương pháp giảng dạy"

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Lớp ồn ào như vỡ chợ. Cô giáo đứng tuổi và nhỏ thó như lọt thỏm giữa phòng học. Học trò đứa tụm năm tụm ba với chiếc điện thoại di động, đứa lắc lư theo điệu nhạc, đứa nhìn ra cửa sổ. Cô giáo tới gần từng học sinh và thì thầm.

Để góp phần tạo sự chuyển biến về chất lượng giáo dục trong nhà trường hiện nay, Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy”. Rất mong bạn đọc hưởng ứng và đóng góp ý kiến cho diễn đàn.

Số báo này, Tuổi Trẻ giới thiệu một điển hình nữa về những nỗ lực rất đáng ghi nhận trong việc cải tiến phương pháp giảng dạy của một giáo viên...

-----------------------------------

ucQ1nMwx.jpgPhóng to
Cô Trịnh Thị Định hướng dẫn học sinh lớp 10A15 Trường THPT Võ Thị Sáu chơi trò chơi “đậu trắng - đậu đen” - Ảnh: Như Hùng

Lần lượt những đứa học trò còn cao lớn hơn cô giáo ngồi thẳng lưng, mắt nhắm, hai tay đặt vuông vắn trên tập vở, miệng lẩm nhẩm. Từng dãy bàn dần yên lặng. 30 giây trôi qua. Giờ học bắt đầu.

Đó là lớp học của cô Trịnh Thị Định, giáo viên môn giáo dục công dân Trường THPT Võ Thị Sáu, TP.HCM.

Câu “thần chú”

Nói về mình, cô Định dẫn ra một câu nói của cố giáo sư Dương Thiệu Tống trong một giờ dạy, rằng: “Thành công của người giáo viên đứng lớp là làm cho học sinh hứng thú”. Với cô, những tiếng cười và ánh mắt chăm chú của học trò suốt mỗi bài giảng đã là món quà lớn nhất, là hạt đậu trắng mà cô muốn kiếm tìm nhất để cho vào chiếc lọ của cả cuộc đời gắn bó với nghề giáo của mình.

Mỗi buổi cô lẫn trò đều tranh thủ 30 giây trước mỗi tiết học để đọc... “thần chú”. Câu thần chú ấy chỉ đơn giản là một ý tưởng vụt lóe lên trong lúc cô giáo bối rối tìm cách đưa lớp học vào quỹ đạo trật tự. Đó là: học trò sẽ nhắm mắt và đọc thầm ba lần câu: “Cha mẹ cho tôi ăn mặc và cuộc sống, thầy cô cho tôi chữ nghĩa và trí óc, bản thân tôi phải tập trung tư tưởng học tập tốt”. Cô Định chia sẻ: “Câu thần chú đơn giản chỉ là một cách để kích thích sự tò mò và lôi kéo các em trở về lớp học”.

Cô giáo và mỗi học trò đều có hai chiếc lọ. Một chiếc đựng những ngôi sao bằng giấy, những chiếc cúc áo hay những hạt đậu màu trắng - tượng trưng một việc làm tốt. Chiếc kia là những ngôi sao, chiếc cúc, hạt đậu màu đen, tượng trưng những việc làm chưa tốt.

Cô giáo kể với học trò cứ mỗi cuối ngày, cô đều đếm những hạt đậu trắng và hạt đậu đen để tự nhắc nhở mình kiếm thêm những hạt đậu trắng. Cô và trò cùng giao kèo chơi trò “hạt đậu trắng - hạt đậu đen” với tinh thần tự giác. Cô giáo “lén” theo dõi và không giấu nổi xúc động khi bắt gặp hình ảnh những đứa học trò nghịch phá nhất lớp ra đường đã biết lượm rác bỏ vào thùng, dừng xe khi gặp đèn đỏ, giúp đỡ người già qua đường... để thi đua nhau kiếm thêm những hạt đậu trắng.

xFLANFyD.jpgPhóng to
Một tiết học ngoại khóa ngoài trời của cô Trịnh Thị Định với học sinh lớp 12A5 Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tiết học về bảo vệ môi trường, cô và trò cùng chơi trò khoa học viễn tưởng mang tên “Vì hành tinh xanh của chúng em”. Học trò thả sức kể về ước mơ của mình. Những cánh tay giơ cao. “Em sẽ xây dựng một bệnh viện dành riêng cho động vật và thực vật ở gần bờ biển”. “Em sẽ huấn luyện một đội cảnh sát cơ động chuyên bắt lâm tặc”. “Em sẽ quy hoạch lại thành phố để không còn kẹt xe nữa”. Những tiết học sôi động khi trò được nói, được diễn thuyết, được trình bày ý tưởng, được kể những bức xúc, tâm sự về những câu chuyện xúc động tình cờ bắt gặp trên đường đến trường.

Một hình ảnh khác sau bục giảng...

Một cuộc sống khác của cô giáo già sau giờ lên lớp. Sáng sớm đi quét rác ở chùa. Gõ cửa từng phòng, ban của các đài truyền hình, các trung tâm, thư viện để xin hoặc mua băng tư liệu làm giáo án giảng dạy. Không ít lần học trò bắt gặp hình ảnh cô giáo mình dựng chiếc xe gắn máy cũ sát lề đường, đưa chiếc máy ảnh cũ lên ghi lại hình ảnh người dân bắt cướp hay cô lao công đang dọn rác.

Tài sản lớn nhất của cô Định chính là bộ 200 đĩa DVD phim tư liệu về lịch sử, địa lý, khoa học… mà cô đã xin, mua hoặc sưu tầm được từ các kênh truyền hình. Hàng ngàn bức ảnh từ mạng Internet, từ báo chí được cô thu thập đầy kệ tủ để đưa vào giáo án điện tử.

Trong căn nhà đơn sơ ở đường Nguyễn Phúc Chu, Q.Tân Bình, chỉ có cô giáo già làm bạn với chiếc máy vi tính cũ đã được cậu con trai cài thêm phần mềm để biến thành chiếc tivi. Chiếc remote giúp cô lưu những đoạn phim hay, những tư liệu cần cho bài giảng. Cứ như vậy đã 10 năm nay, bộ đĩa tư liệu của cô giáo cứ dày lên cùng tuổi tác và những nếp nhăn sau đuôi mắt. Nào đĩa thời sự về WTO, ASEM 5, ASEAN hay những nhân vật lịch sử như nhà ngoại giao Nguyễn Thị Bình, đại tướng Võ Nguyên Giáp, cho đến những thước phim tư liệu về du kích Củ Chi, nhà tù Côn Đảo…

Qua những bài giảng với nhiều hình ảnh thực tế, môn giáo dục công dân của bậc THPT với những khái niệm lượng - chất, luật - nghị quyết, phép biện chứng… vốn dĩ khô khan và phức tạp - đã được học trò không những ghi nhớ mà còn hứng thú với môn học thường được coi là môn phụ này.

Những thước phim có khi phải mua với giá vài trăm ngàn đồng, cô Định còn tự bỏ tiền ra để photo tài liệu cho học trò. Mỗi bài giảng, học trò được phát một phiếu trắc nghiệm để vừa điền thông tin vừa viết vào đó những kiến thức thu thập được sau bài giảng. Theo cô Định, đó là cách nhanh nhất để học sinh thuộc bài ngay trên lớp.

------------------------------------------

Đứng trên bục giảng thầy cô nào cũng dư tình yêu nghề và yêu trẻ, khao khát giảng dạy như thế nào để lớp học sinh động, học sinh hiểu bài. Thế nhưng hiếm ai làm được điều đó. Không phải người thầy yếu kém chuyên môn hay không có tình yêu nghề. Thầy Tuấn Anh làm được điều đó vì môn của thầy không có thi, và học sinh không cần phải có căn bản từ những lớp dưới cho dù mất căn bản môn giáo dục công dân sẽ gây những hệ lụy không nhỏ như bạo lực học đường, mất nhân tính...

Môn tiếng Anh chúng tôi thừa hiểu cần luyện tập các em kỹ năng nghe nói. Chúng tôi thừa những vở kịch ngắn để các em nhập vai vào mà nói “phản xạ, tự nhiên”. Chúng tôi có đầy đủ những bản nhạc ngắn, vui tươi... để các em luyện giọng, chúng tôi có luôn những bộ phim có phụ đề tiếng Anh để các em luyện nghe, nếu nghe không kịp nhìn xuống phụ đề... Chúng tôi có tất cả những gì cần thiết để dạy tốt và đã từng áp dụng thành công trong việc giảng dạy tại các trung tâm ngoại ngữ.

Thế nhưng đối với học sinh trường phổ thông, dạy xong bài không biết tìm đâu ra thời gian để ôn luyện các em bài tập. Học sinh nội thành còn chạy đến các trung tâm giáo dục ngoài giờ hoặc mời gia sư về nhà ôn luyện. Học sinh trường tôi ăn còn không đủ, lấy đâu tiền mà chạy đua với chương trình nơi các trung tâm. Tiền trường nhẹ nhàng nhưng tiền ăn sáng, tiền đi xe buýt… sau hai tháng nhập học, thật đau lòng khi mở sổ điểm gạch từng tên học sinh phải bỏ học ngay từ đầu năm…!

GV vào lớp là cứ dạy, cứ nói... để bảo đảm theo phân phối chương trình, thi giữa học kỳ, thi học kỳ... theo quy định của Sở GD-ĐT phải hết bài nào, đoạn nào... để đối phó với đề thi. Học sinh yêu mến và ham thích học tiếng Anh mới lạ…!

Vì thế xin đừng trách GV các môn phải thi. Điều cần làm như Tuổi Trẻ từng lên tiếng là cần đổi mới chương trình giáo dục, ít ra cần phải giảm tải chương trình. Xin hãy nghĩ những học sinh không phải là thần đồng để có thể nhồi nhét từng ấy kiến thức trong một thời gian khít khao mà hội đủ những kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Anh nhuần nhuyễn sau 12 năm trên ghế phổ thông…

Sau khi Tuổi Trẻ bắt đầu đăng tải những tấm gương thầy cô giáo trong giảng dạy bậc học phổ thông cũng chính là lúc Tuổi Trẻ nhận được rất nhiều phản hồi từ những người trong cuộc là những nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo, phụ huynh và học sinh...

“Nghề giáo là một nghề sáng tạo nhất bởi vì nó tạo ra những con người biết sáng tạo”.

Thế nhưng vẫn còn nhiều rào cản cản trở sự sáng tạo của người thầy đứng trên bục giảng hôm nay, và đó cũng chính là lý do Tuổi Trẻ mở diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy”.

Tuổi Trẻ rất mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, phân tích về những phương pháp giảng dạy mới, sáng tạo; cũng như mổ xẻ những bất cập còn tồn tại để phương pháp giảng dạy ngày một tốt hơn.

Thư từ, bài vở xin vui lòng gửi về tòa soạn, 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM hoặc địa chỉ email: giaoduc@tuoitre.com.vn. Ngoài bì thư vui lòng ghi rõ: Diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy”.

Xin chân thành cảm ơn!

TUỔI TRẺ

Đổi mới phương pháp giảng dạy: “Giáo viên bị ràng buộc quá nhiều” Người thầy cảm động Dạy văn bằng bản đồ tư duy Người thu phục học trò

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên