![]() |
Phòng họp chính trị tại nhà D67, nơi diễn ra hội nghị mở rộng quyết định chiến dịch Hồ Chí Minh - Ảnh: Lam Điền |
Nơi làm nên thời cơ
Thượng tướng Lê Ngọc Hiền nói cuộc kháng chiến chống Mỹ đòi hỏi cơ quan đầu não liên tục có những quyết sách, chỉ đạo sáng suốt, đúng đắn theo từng ngày từng tháng.
Một trong những quyết sách mang tính quyết định cho kháng chiến được soạn thảo tại nhà D67 đó là: nghị quyết hội nghị Bộ Chính trị mở rộng kéo dài 20 ngày từ 18-12-1974 đến 8-1-1975. Tướng Giáp cho rằng đây là sự kiện lịch sử có tính quyết định...
Hội nghị chuẩn bị khá công phu. Các cơ quan chiến lược của Đảng, quân đội và nhà nước làm việc cả ngày lẫn đêm. Đại biểu các chiến trường ra họp mang theo nhiều tình hình, nhận định, kiến nghị và yêu cầu mới. Tinh thần chung của hội nghị là thời cơ đã đến và ta phải tạo ra thời cơ.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng vừa phát biểu vừa đi lại trong phòng: “Lúc nào là thời điểm sụp đổ của quân ngụy? Không phải chờ đến năm 1976 đâu! Có thể nhanh, không phải dần dần đâu!”... Tướng Lê Ngọc Hiền kể: quan điểm nhìn rõ thời cơ tuy đã thống nhất nhưng chọn chiến trường nào, chọn thời điểm nào để đánh trước, đánh sau thì có không ít ý kiến khác nhau.
Qua nhiều phân tích, nhận định và bàn bạc, cuối cùng hội nghị cũng đạt nhất trí cao. Suốt 20 ngày đêm vừa họp bàn vừa chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu, Bộ Chính trị ra nghị quyết lịch sử: “Chúng ta đang đứng trước thời cơ chiến lược lớn. Chưa bao giờ ta có điều kiện đầy đủ về quân sự và chính trị như hiện nay, có thời cơ chiến lược to lớn như hiện nay để hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.
Đồng thời Bộ Chính trị thông qua kế hoạch chiến lược hai năm 1975- 1976. Đây là kế hoạch được chuẩn bị rất công phu từ năm 1973 và đã qua tám lần dự thảo của Bộ Tổng tham mưu. Đáng lưu ý là Bộ Chính trị còn kèm dự kiến: “Nếu thời cơ đến vào đầu hoặc cuối năm 1975 thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975”. Cuộc họp ngay sau hội nghị một ngày đã bàn đến việc chọn Tây nguyên làm hướng tiến công mở màn và Buôn Ma Thuột là mục tiêu đầu tiên.
Giờ phút sang trang lịch sử
![]() |
Máy điện thoại trong phòng họp chính của nhà D67 |
Tại tổng hành dinh lúc này, các cơ quan Bộ Tổng tư lệnh thường trực 24/24 giờ. Các bộ phận khác cũng ngày đêm hối hả. Cũng tại đây, Cục Tác chiến phải dành riêng một số thời gian hiếm hoi để cùng Cục Tuyên huấn phát tin cho báo, đài. Sài Gòn dồn dập tin thắng trận. Đêm 28-4, toàn tổng hành dinh thức trắng. Bộ Chính trị cũng không ai ngủ được.
Những người nắm được kế hoạch cụ thể của cuộc tổng tiến công và nổi dậy đều cùng thức với chiến trường, đón giờ G như đón giao thừa lịch sử. Tấm bản đồ Sài Gòn - Gia Định trải rộng trên mặt bàn. Những mũi tên đỏ được tô đậm thêm, kéo dài thêm về hướng nội ô. Hầu như mỗi giờ lại có thêm tin vui từ chiến trường gửi về.
10 giờ sáng 29-4, đồng chí Lê Duẩn điện vào chiến trường: tiếp tục tấn công, đập tan mọi sự chống cự của địch. Công bố đặt thành phố dưới quyền của ủy ban quân quản do tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch…
Theo hồi ức của đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngay sau khi chiến dịch Tây nguyên toàn thắng, ngày 18-3-1975, tại nhà con rồng Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương họp và đưa ra kết luận: hạ quyết tâm chuyển cuộc tiến công chiến lược thành cuộc tổng tiến công chiến lược, hoàn thành kế hoạch hai năm (1975- 1976) ngay trong năm 1975… Những ngày này tướng Giáp ở luôn trong nhà D67 không về nhà riêng, dù nhà ông chỉ cách vài trăm mét. Trong phòng làm việc của đại tướng được kê thêm một chiếc giường cá nhân và đặt thêm một bản đồ quân sự miền Nam dưới tấm kính rộng trên mặt bàn. |
Điện này đến tổng hành dinh lúc nửa đêm, Cục Tác chiến đánh thức tướng Giáp. Nửa giờ sau, tướng Giáp tới nhà đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn đồng ý đề nghị của đại tướng cho cánh quân phía đông nổ súng trước giờ G 12 tiếng. Đêm đó cả tổng hành dinh lại thức trắng. Sáng 30-4, nhà con rồng rạng rỡ trong khí xuân tươi sáng.
Tướng Cao Văn Khánh trực ban hôm ấy chốc chốc lại sang báo cáo tình hình mới. Các mũi tên tiến công của ta phát triển nhanh từng phút về trung tâm Sài Gòn. Mục tiêu cuối cùng chỉ còn tính từng giờ. Tin đến thường cắt ngang cuộc họp, cứ đang phát biểu lại dừng lại nửa chừng, nhưng ai cũng vui. Những công việc cấp thiết trước mắt lập tức được điện vào chiến trường.
10 giờ sáng có tin quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn. Tướng Giáp viết ngay một bức điện lệnh cho các cánh quân tiếp tục tiến công. 10g50 Cục 2 báo cáo quân ta đã vào dinh tổng thống. 11g30 đồng chí Nguyễn Duy Phê, cục phó Cục Cơ yếu, mang vào phòng họp một bức điện của tướng Lê Trọng Tấn: một đơn vị thuộc cánh quân phía đông đã cắm cờ lên dinh Độc Lập.
Có lẽ bức điện cuối cùng của Bộ Chính trị và Quân ủy trung ương chỉ đạo chiến trường miền Nam trong chiến dịch Hồ Chí Minh là việc “có thể dùng Dương Văn Minh để kêu gọi các đơn vị của địch hạ vũ khí, nhưng không phải với tư cách tổng thống mà với tư cách một người đã sang hàng ngũ nhân dân…”.
Bức điện gửi đi lúc 12g25. Hội nghị ngừng họp. Cho đến chiều hôm 30, khi mặt trời khuất bóng sau rặng xà cừ trên đường Hoàng Diệu, đại tướng Võ Nguyên Giáp mới ngồi lại một mình trong phòng làm việc với niềm cảm xúc trào dâng nước mắt.
----------------------
* Kỳ sau: Hà Nội 1884-1885 (Những hình ảnh hiếm hoi về Hà Nội và thành cổ, qua ống kính của một bác sĩ người Pháp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận