21/12/2007 09:34 GMT+7

"Điện Biên Phủ trên không" – chuyện bây giờ mới kể (Kỳ 6): Nữ pháo thủ

NGỌC TUẤN - THÀNH TRUNG
NGỌC TUẤN - THÀNH TRUNG

TT - Trong số những thanh niên tự vệ ở lại bảo vệ thủ đô và tham gia chiến đấu ngày ấy, có một nữ pháo thủ của Nhà máy cơ khí Mai Động đã từng tham gia bắn rơi chiếc máy bay F-111A “cánh cụp cánh xòe” vào đêm 22-12-1972.

fmz7SEyS.jpgPhóng to
Bà Phạm Thị Viễn - Ảnh: Ng.Tuấn
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Đất rải bom có xương thịt bố mẹ

Con đường đến với thanh niên tự vệ của Phạm Thị Viễn - nữ pháo thủ của trung đội tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động - cũng như bao thanh niên Hà Nội trong cơn bão tố dân tộc: muốn trả thù những kẻ đã ném bom nhà mình.

“Năm 1966, khi xin vào học nghề tại nhà máy, tôi đã phải khai tăng số tuổi của mình lên 16 tuổi để được tiếp nhận vào học (khi đó 15 tuổi). Được phân công vào phân xưởng thợ nguội, giữa lúc đất nước đang chiến tranh, phân xưởng của tôi vừa sản xuất vừa phải tham gia chiến đấu” - bà Viễn kể.

Năm 1967, Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, trong một lần đem rau ra chợ bán, mẹ bà vì nhường hầm cho mấy cháu nhỏ nên bị trúng bom B-52. Vệt bom giết chết người mẹ thân yêu của bà cũng chính là vệt bom đã làm bà bị thương khi đang cùng đồng đội sửa nhà giúp một anh cùng tổ.

Được đưa vào viện cấp cứu giữa lúc bom đạn ùng oàng, gia đình không tìm được bà. Mãi đến hôm sau bà mới nhận được tin mẹ mất, mang cả vòng băng quấn to sụ trên cổ, vừa chạy bà vừa khóc, quá trưa mới về được đến nhà. Trước mắt bà là cảnh đổ nát hoang tàn, bà đã không kịp gặp mẹ và cũng không còn nước mắt để khóc mẹ, chỉ biết ôm chặt cậu em trai út lúc ấy mới 4 tuổi vào lòng.

Khi không quân Mỹ đem bom giội xuống Hà Nội, bố bà vội vàng đưa ba con trai đi sơ tán. Bà Viễn nhớ lại: “Lúc này tôi đã là tự vệ của nhà máy nên phải trực chiến trên trận địa cả ngày lẫn đêm, mỗi lần về nhà lấy gạo mang đi bố thường dặn dò tôi rất kỹ. Từ việc ăn ở nơi tập thể khi tôi xa gia đình đến việc qua lại trông nom nhà cửa. Ông còn tin cậy chỉ cho tôi nơi ông cất giấu tiền, dành để mua xe đạp cho tôi”.

Ngày 26-12-1972, Hà Nội ngập trong khói bom, những chùm bom ác nghiệt đã gieo tai ương thảm khốc xuống các khu dân cư an lành như dãy phố Khâm Thiên, Yên Viên, Uy Nỗ... Đêm ấy, cả thành phố thấp thỏm trong tiếng còi báo động chốc chốc lại rú lên kinh hoàng. Một loạt B-52 bất ngờ giội bom xuống làng Tương Mai (nơi có ngôi nhà thân thương của bà).

Hôm sau là một cảnh tượng hãi hùng: “Rạng sáng hôm sau, khi đang trực chiến trên trận địa thì hai cô em gái hốt hoảng chạy lên mang theo một tin sét đánh: Chị ơi, bố bị bom thả chết rồi! Ba chị em ôm nhau trong nước mắt. Đưa hai em về nhà, tôi không sao tìm được thi thể bố. Căn hầm nơi ông thường ẩn nấp đã thành một hố bom sâu hoắm, mãi ba ngày sau tôi mới tìm thấy bố nhưng chỉ còn một phần thân thể rách nát, chỉ nhận ra ông qua vạt bông đẫm máu. Vừa khóc tôi vừa nhặt từng phần xương thịt của bố gom lại. Nhiều ngày sau, tôi mới lại tìm thấy bàn tay của bố. Mỗi lần nhặt được chút xương thịt nào, ba chị em lại gói vào tấm nilông rồi vùi xuống mộ bố”.

3oJOx16j.jpgPhóng to
Người dân Hà Nội chia sẻ nỗi đau mất người thân sau một trận bom của Mỹ tháng 12-1972 - Ảnh: Chu Chí Thành
Bài thơ trên mâm pháo

Tháng 12-1972, trước ngày không quân Mỹ thực hiện chiến dịch Linebacker II 12 ngày đêm đánh phá miền Bắc, bà Viễn lúc đó tròn 21 tuổi, được phân công là pháo thủ số 1 trong khẩu đội 14,5 li Nhà máy cơ khí Mai Động.

Kể về chiến công đêm 22-12-1972, bà Viễn nói: “Đó là chiến công của cả tập thể, trung đội tôi có 11 người, trong đó có ba nữ, tôi là pháo thủ số 1, Ngô Thị Hiến xạ thủ 1 và Đỗ Thị Dần xạ thủ 2. Được trang bị hai súng máy cao xạ, trận địa được đặt ngay sau nhà máy. Cả khẩu đội được cấp trên thông báo rất có thể đêm nay máy bay sẽ đánh vào thành phố nên cả trận địa chuẩn bị sẵn sàng”.

21g30 đêm 22-12, còi báo động rú lên, toàn thành phố tắt điện. Máy bay Mỹ xuất hiện, bay thấp dọc sông Hồng. Tiếng người chỉ huy dõng dạc vang lên: “Tất cả nòng súng quay về hướng 14. Sẵn sàng!”.

Mọi thông số đã chuẩn bị xong, chỉ còn chờ máy bay đến đúng tầm ngắm. Khi nghe dứt hiệu lệnh: “Một điểm xạ ngắm, bắn!”, năm khẩu pháo đồng loạt đạp cò. Ở vị trí pháo thủ số 1, Phạm Thị Viễn nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay rẹt qua đầu, phần đuôi của nó lóe sáng.

30 phút sau có một chiếc xe quân sự của quận Hai Bà Trưng chạy vào thông báo với cả trận địa một tin vui: trận địa vừa hạ được chiếc máy bay F-111A “cánh cụp cánh xòe”. Cả khẩu đội ôm nhau hò reo vui mừng.

Bà Viễn là trung đội phó trung đội tự vệ vừa sản xuất vừa trực chiến, đến năm 1989 bà trở lại nhà máy làm việc. Cuối năm 1991, bà nghỉ hưu. Nữ pháo thủ Phạm Thị Viễn của 35 năm về trước bây giờ đang là một cán bộ phường năng động, xông xáo.

Hiện bà sống tại số 8, tổ 49 phố Tương Mai, Hà Nội. Bà Viễn nói: “Nơi này xưa kia chính là cánh đồng Tương Mai, tôi đã cất nhà trên thửa ruộng của gia đình, kề bên hố bom đã từng vùi xác bố tôi trong đêm 26-12-1972”.

Trong chiến dịch 12 ngày đêm máu lửa ấy, một lần nhà thơ Tố Hữu đến thăm khẩu đội của bà Viễn lúc đó đang trực chiến trên mâm pháo. Vành khăn tang trắng trên đầu của nữ pháo thủ Phạm Thị Viễn đã khiến nhà thơ hết sức xúc động. Ông ân cần thăm hỏi và động viên cả khẩu đội rồi nói chuyện với bà hồi lâu.

Vài ngày sau, khi đang trực chiến trên trận địa, bà được một đồng đội mang đến tặng bài thơ Việt Nam máu và hoa của nhà thơ Tố Hữu. Bài thơ ấy có bốn câu:

Trắng khăn tang em chẳng khóc đâu Hỡi em gái mất cha mất mẹNước mắt em làm nhòa mặt quân thùEm phải bắn trúng đầu giặc Mỹ.

Bài thơ ấy đến nay vẫn được bà Viễn cất giữ và bà coi đó như là một báu vật trong suốt 35 năm qua.

Kỳ 1: Đi trước, đón đầu B-52 Kỳ 2: Báo động B-52 sớm 35 phút Kỳ 3: Đọ sức Kỳ 4: Săn lùng "ngáo ộp" Kỳ 5: Tiếp cận xác B-52

_______________

Sau vài hôm chiến đấu, tình trạng thiếu quả đạn tên lửa đã trở nên phổ biến ở các tiểu đoàn hỏa lực tên lửa. Để đảm bảo đủ tên lửa cho các đơn vị, máu của các chiến sĩ phải đổ nhiều hơn...

Kỳ tới: Lặng lẽ phía sau

NGỌC TUẤN - THÀNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên