Phóng to |
Bưu phẩm rỗng ruột, kêu ai?
Anh Trần Bình Sơn, Trung tâm Điện thoại di động (ĐTDĐ) CDMA, địa chỉ 97 Nguyễn Thị Minh Khai, Q.1, TP.HCM gửi cho bạn mình là Lê Thanh Hùng, khoa Cơ khí, Trường Dạy nghề số 5 Bộ Quốc phòng (số 9 Duy Tân - Đà Nẵng) một chiếc ĐTDĐ hiệu Nokia 6610, số máy 0983010232 và tài khoản trong máy 200.000đ bằng dịch vụ EMS (phiếu số EE 70 938694 của Bưu điện Trung tâm Sài Gòn).
Anh Hùng tường thuật lại sự việc như sau: "Vào 15 giờ 15 ngày 30.3.2005, nhận được tin báo của bảo vệ cơ quan, tôi ra cổng và nhận được một hộp bưu phẩm, trong phiếu có ký tên người nhận là Thơ (bảo vệ), nhận lúc 15 giờ, tức là chỉ sau 15 phút là đến tay tôi. Nhưng khi mở ra, trong hộp không còn chiếc ĐTDĐ, chỉ có quyển hướng dẫn sử dụng, phiếu bảo hành, tai nghe và bộ sạc. Lúc ấy có 4 người trong trường chứng kiến sự việc nói trên. Quá bức xúc, tôi gọi điện thoại cho bạn tôi (người gửi) và được trả lời, Bưu điện TP.HCM đã kiểm tra, gói lại và niêm phong bằng băng keo nghiệp vụ. Tôi đến Trung tâm Dịch vụ EMS tại 68 Đỗ Cung, TP Đà Nẵng trình bày sự việc thì được nhân viên giải thích là đã có bảo vệ cơ quan ký nhận nên cũng không còn biết trả lời sao. Tôi nghĩ, tại sao bạn tôi gửi cho tôi mà bưu điện lại chuyển cho ông bảo vệ? Ông bảo vệ có phải là người có tên được nhận đâu?".
Anh Hùng làm đơn khiếu nại gửi Bưu điện và Trung tâm EMS ở Đà Nẵng, nhưng đã 3 tháng trôi qua vụ việc vẫn không được giải quyết.
Đây không phải là lần đầu khách hàng khiếu nại chuyện bưu phẩm gửi EMS bị... rỗng ruột. Chị Lê Thị Quý Hương, ở 108 Trần Cao Vân, TP Đà Nẵng nhận được một gói bưu phẩm và một biên bản của Bưu cục 14 HCM ND7510 xác nhận gói bưu phẩm đã bị rạch, chiếc ĐTDĐ không còn, nhưng ai rạch, trách nhiệm bưu điện đến đâu thì không có câu trả lời. Cần nhắc lại rằng, trên mỗi bì thư EMS, mặt sau đều có ghi câu: "Quý khách sẽ được bồi thường trong trường hợp bưu phẩm gửi bị suy suyển hoặc thất lạc trong khi vận chuyển".
Ai ký cũng được!?
Một bạn đọc, là cán bộ hưu trí phản ánh: đang ngồi đọc báo thì nhân viên bưu điện vừa ngồi trên xe máy cùng một chồng thư báo vẫy tay: "Ê, ê... ký nhận thư!". Cụ hưu trí vừa ngạc nhiên, vừa giận anh nhân viên bưu điện đáng tuổi con cháu mình lại ngồi gác chân trên xe và gọi cụ "ê, ê", vừa lấy làm lạ tại sao cụ lại được ký nhận?
Trả lời câu hỏi về việc "người ký nhận không phải là người được nhận", ông Hoàng Thọ Thái, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông cho biết: "Về mặt nguyên tắc thì người nhận bưu phẩm chuyển phát nhanh phải trực tiếp ký nhận với nhân viên bưu điện, nhưng điều này thực tế khó thực hiện do khi phát bưu phẩm thì người nhận đi vắng và bưu phẩm phải chuyển ngay lúc đó. Thông thường, các bưu phẩm chuyển phát nhanh được nhân viên bưu điện chuyển đến đúng địa chỉ người nhận và có người ở địa chỉ đó ký nhận là đủ. Việc ký nhận đích danh chỉ xảy ra với dịch vụ gửi bảo đảm. Trong trường hợp, người ký nhận không phải là người ở cơ quan hoặc địa chỉ đó nhưng lại có mặt và ký thay vào thời điểm phát bưu phẩm dẫn tới thất lạc thì nhân viên bưu điện cũng có lỗi. Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận một thực tế là họ rất khó phân biệt ai là người cơ quan, ai không phải. Đối với việc xem xét trách nhiệm của nhân viên bưu điện, người nhận bị thất lạc bưu phẩm như thế nào thì cần căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để xác định".
Rõ ràng, cách trả lời trên rất mập mờ và đầy mâu thuẫn, vậy thì ngành bưu điện nghĩ sao khi đưa ra câu slogan cho dịch vụ này: "Nhanh chóng - chính xác - an toàn - tiện lợi"?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận