21/11/2004 20:51 GMT+7

Dịch giả Trịnh Lữ: "Nên in sách dịch song ngữ"

Theo Thể thao và Văn hóa
Theo Thể thao và Văn hóa

Với bản dịch cuốn Cuộc đời của Pi, dịch giả Trịnh Lữ vừa đoạt giải văn học dịch 2004 của Hội Nhà văn Hà Nội, cũng là đồng dịch giả và là người hiệu đính Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX vừa ra mắt. Sau đây là những suy nghĩ của ông về công việc dịch thuật.

diwcftgd.jpgPhóng to
Dịch giả Trịnh Lữ
Với bản dịch cuốn Cuộc đời của Pi, dịch giả Trịnh Lữ vừa đoạt giải văn học dịch 2004 của Hội Nhà văn Hà Nội, cũng là đồng dịch giả và là người hiệu đính Tuyển tập 15 nhà thơ Mỹ thế kỷ XX vừa ra mắt. Sau đây là những suy nghĩ của ông về công việc dịch thuật.

* Tài "Việt hóa" nguyên bản - đó là lời khen của Ban chung khảo dành cho Cuộc đời của Pi và cũng là điểm vượt trội ở cuốn sách so với một đề cử nặng ký khác là Balzac và cô thợ may Trung Hoa. Thật khó tin rằng hơn 15 năm qua người dịch chủ yếu sống nơi đất khách!

- Như một lẽ tự nhiên, trong gia đình tôi, tiếng Việt đã luôn là một cây cầu vui vẻ nối bốn thành viên trong nhà, một khi đã bỏ lại bên ngoài cánh cửa cái thế giới tiếng Anh mà trước đó, chúng tôi vừa nỗ lực hòa nhập. May mắn nữa cho tôi là thi thoảng còn có dịp đi về, và vẫn giữ được thói quen tìm đọc "sách nhà", "báo nhà".

* Việc Luật xuất bản (sửa đổi) mới đây ở VN chấp nhận cho phép các NXB được trùng lắp đầu sách - theo ông - là cần thiết?

- Ở Mỹ, một Truyện cổ Grim mà có tới hàng chục bản dịch tiếng Anh là một chuyện hết sức bình thường. Theo tôi, tốt nhất, hãy khuyến khích mọi nhiệt tình lao động. Còn nếu để giúp độc giả cũng như giúp đem lại sự công bằng cho các dịch giả nghiêm túc, trong một số trường hợp chúng ta nên cho in sách dịch ở dạng song ngữ để dư luận có thể dễ dàng đối chiếu.

* Ông quên là điều đó sẽ làm đội giá thành và làm đội số trang- điều sẽ gây ngại cho độc giả?

- Cái thiệt theo tôi chẳng đáng bao nhiêu so với cái lợi của nó: đó là sẽ giúp mở rộng thị trường (với các độc giả có nhu cầu đọc nguyên bản hay song ngữ) cũng như buộc các dịch giả phải làm việc có trách nhiệm hơn vì nếu như anh làm ẩu, ngay lập tức, nguyên bản chính là kẻ sẽ tố giác anh.

* Một người dịch giả trẻ ở VN mới đây đã nói rằng: hiện tại, có 100 cuốn sách đáng giá của thế giới mà nếu VN dịch được thì sẽ có thể giúp tạo ra những bước chuyển lớn trong nhận thức. Anh có tin và có thể góp sức?

- Có những tiếng nói nghiêm túc và tâm huyết nhưng tôi nghĩ có thể khó tránh khỏi những áp đặt chủ quan. Hiện tại, điều làm tôi tâm đắc là một số đại biểu xuất sắc của trào lưu văn học hậu hiện đại mà trong đó, điều đáng nói nhất ở họ là những cố gắng phá bỏ các hình thức truyền thống, các mối quan hệ cổ điển, một chiều giữa người kể chuyện- nhân vật và độc giả để trên hết là đề cao vai trò và vấn đề của người đọc.

Những tác giả tiêu biểu trong số đó nên được giới thiệu ở VN. Ngoài ra, còn có những cuốn bàn về tâm lý học sáng tác (nhiều cuốn trong số này có tầm ảnh hưởng rất lớn tới đời sống sáng tác ở phương Tây cũng như nhiều tên tuổi lớn trên thế giới) - mảng sách mà tôi cho là hết sức cần thiết với người đọc và người viết ở VN nhưng đang gần như bị bỏ trống.

* Những ấn tượng của anh khi đọc các loại "sách nhà"?

Trịnh Lữ (Trịnh Hữu Tuấn) sinh năm 1948 tại Hà Nội, nguyên phát thanh viên và biên tập viên tiếng Anh, Ban biên tập Đối ngoại Đài Tiếng nói VN (là người dịch và thuyết minh bộ phim tài liệu nổi tiếng 13 tập VN - một thiên lịch sử bằng truyền hình, phát năm 1984), từ 1987 sang Mỹ làm việc cho LHQ, phụ trách dự án truyền thông giáo dục và lấy bằng thạc sĩ về truyền thông tại ĐH Cornell.

Ngay sau khi Mỹ bỏ lệnh cấm vận, ông ra tờ báo 16 trang Việt Nam Opportunlties giúp quảng bá các cơ hội đầu tư tại Việt Nam; ông còn làm chương trình truyền hình tiếng Việt phục vụ cộng đồng người Việt tại Mỹ trước khi có VTV4..., từng triển lãm tranh nhiều lần tại Mỹ và được tờ Ithaca Journal bình chọn là Nghệ sĩ của năm tại Ithaca, New York (1993).

- Có vẻ như tâm lý "ôn nghèo, kể khổ" vẫn còn quán xuyến cảm hứng của người viết. Ngôn từ của người viết hiện nay rất giỏi, lối viết cũng rất hay, làm nên những giai thoại có vẻ rất thú vị, nhưng hình như vẫn chưa ra một "câu chuyện".

Văn chương cần mang lại cho người đọc những vỡ nhẽ mới mẻ nào đó, con con thôi cũng được. Cuộc đời của Pi được bạn đọc VN hoan nghênh, có lẽ vì nó làm được điều đó. Thành công của cuốn sách Pi khiến tôi tin rằng chúng ta chỉ thiếu sách hay, chứ không phải thiếu văn hóa đọc như nhiều người vẫn phàn nàn.

* Nhiều cuốn tiểu thuyết của văn chương Trung Quốc hiện đại cũng "ôn nghèo kể khổ" thời Cách mạng văn hóa mà vẫn nổi đình đám đấy thôi!

- Quả vậy! Nhưng những văn tài ấy khi cần thiết đã biết thoát ra một cách khôn ngoan ngay trên chính cái hiện thực nặng nề kia để tìm đến những giá trị phổ quát hơn, từ đó đưa ra những bức thông điệp có thể đến được với tất cả mỗi con người ở mọi nền văn hóa khác nhau trên thế giới.

Chẳng hạn như trong Balzac và cô thợ may Trung Hoa, đó là thái độ đề cao giá trị của văn chương nghệ thuật (mà ở đây là ánh sáng văn hóa Pháp), của giao lưu văn hóa, trong việc giúp con người ta tự giải phóng trên phương diện nhận thức và phát hiện được mình. Hay tuyệt vời hơn như Linh Sơn, khi đi sâu vào khát vọng bản năng nhất của con người: đó là khát vọng đi tìm cội rễ sâu xa trong chính mình tức cũng là đi tìm "ngọn núi thiêng" trong cái đời sống vốn quá đỗi mênh mông mà cũng quá nhỏ hẹp này.

* Xin cảm ơn ông.

Theo Thể thao và Văn hóa
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên