Phóng to |
Một nhà văn VN đọc cho Kato nghe những câu thơ "đùa" của nhà thơ Xuân Sách về chân dung các nhà văn VN, thế mà đọc đến câu thơ về nhà văn nào, Kato nói ngay được tên nhà văn đó. Vào học khoa Tiếng Việt Trường đại học Ngoại ngữ Tokyo từ năm 1971, sang VN lần đầu năm 1978, đây là lần thứ 20 Kato đến VN.
* Lý do để chị theo học khoa Tiếng Việt khi học đại học?
- Tôi sinh ra và lớn lên ở một thành phố có căn cứ quân sự Mỹ nên tôi rất nhạy cảm với tình hình thế giới. Khi tôi vào học khoa Tiếng Việt của Trường đại học Ngoại ngữ Tokyo mới thành lập được vài năm. Lúc đó là năm 1971, rất nhiều thanh niên Nhật Bản quan tâm đến cuộc chiến tranh ở VN.
Nhưng kiến thức về VN của tôi lúc mới bước chân vào trường đại học rất nông cạn. Một mặt, tôi cảm động về sự hy sinh và dũng cảm của người VN. Mặt khác, tôi không hiểu nổi họ bởi vì tôi nghĩ rằng người Việt thì cũng là con người như người Nhật Bản thôi.
Lúc này, tài liệu về VN rất thiếu, trong Thư viện Đại học Ngoại ngữ Tokyo chỉ có vài cuốn sách của Tự lực văn đoàn. Nhưng khi tôi đọc được cuốn sách VN đầu tiên là Tập truyện ngắn Thạch Lam thì tôi bắt đầu hiểu về con người VN. Sau đó tôi nhờ mua thêm được các cuốn sách khác.
* Ấn tượng về VN khi chị đến lần đầu tiên, năm 1978 ấy?
- Hồi đấy vợ chồng tôi mới cưới nhau (chồng chị Kato Sakae là Kato Norio - biên tập viên Đài phát thanh NHK chương trình tiếng Việt) và chúng tôi được tham gia một đoàn du lịch đặc biệt đến VN do Hội hữu nghị Nhật - Việt tổ chức.
Tôi không quên nổi hình ảnh VN lúc ấy rất nghèo, hầu như không có ôtô xe máy, các cửa hàng đóng cửa. Mặc dù lúc đó vợ chồng tôi cũng còn nghèo, quần áo xoàng xĩnh, dép rẻ tiền thế mà mọi người cứ khen đẹp.
* Còn bây giờ, thưa chị Kato?
- Bây giờ thì phát triển nhanh quá, cứ một năm tôi sang lại thấy khác rồi.
* Chị bắt đầu dịch văn học VN từ khi nào?
- Năm 1984, chồng tôi sang VN học tiếng Việt và mua đọc những cuốn sách đầu tiên có hơi hướng đổi mới của các nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Mạnh Tuấn, Lưu Quang Vũ. Tôi cảm thấy văn học VN bắt đầu đổi mới rồi và truyện ngắn đầu tiên tôi dịch là của nhà văn Nguyễn Minh Châu.
Sau đó tôi dịch nhiều tác phẩm của các nhà văn VN có xu hướng đổi mới như tiểu thuyết của Ma Văn Kháng, Nguyễn Trí Huân, Nguyễn Nhật Ánh, truyện ngắn của Vũ Bão, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Minh Khuê, Tạ Duy Anh, Võ Thị Giáo, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban...
* Các tác phẩm văn học VN dịch in ở Nhật Bản được độc giả Nhật Bản đón nhận thế nào?
- Tám cuốn mà tôi làm đều có sự tài trợ của các doanh nghiệp Nhật Bản. Ở Nhật Bản nếu sau một tháng không bán hết sách, các hiệu sách sẽ dẹp đi để bày sách khác. Nhưng những cuốn này được để ở thư viện thì người tìm đọc thời gian dài hơn.
Nhà văn VN rất coi trọng bút pháp, khi dịch ra nước ngoài thì tác phẩm vừa phải có tính dân tộc vừa có tính phổ biến mới được bạn đọc chấp nhận.
Tác phẩm văn học VN nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, phát hành được khoảng 8.000 bản. Đây là con số đáng kinh ngạc bởi vì ở Nhật Bản cũng có thực tế là người ta ngày càng ít đọc sách.
Bây giờ ở Nhật Bản đang có một cách làm được hoan nghênh là từ những bộ phim ăn khách người ta viết thành tiểu thuyết (ngược với cách thông thường là tác phẩm văn học chuyển thành phim).
* Chị có dịch các tác phẩm văn học VN trước 1945?
- Tôi tập trung chủ yếu vào văn học hiện đại, nhưng luận án Phó Tiến sĩ của tôi lại về nhà văn Thạch Lam - đó là nhà văn tôi cho là xuất sắc nhất của nhóm Tự lực văn đoàn - người "mở mắt" cho những hiểu biết về VN của tôi.
Tôi cảm thấy mình đã già rồi. Dịch được một cuốn sách mất rất nhiều thời gian. 10 năm qua tôi đã mất cả sức lực và tuổi trẻ. Chồng tôi dịch Thời xa vắng của Lê Lựu cũng phải mất cả năm trời.
* Chị đánh giá thế nào về các tác phẩm văn học VN hiện nay?
- Những năm gần đây chưa có tác phẩm nào tạo được ấn tượng mạnh mẽ. Cá nhân tôi rất quan tâm đến vấn đề gia đình. Gia đình VN đã biến đổi dữ dội sau đổi mới nhưng các nhà văn VN chưa viết trực diện vào vấn đề đó.
* Chị có ý định dịch ngược lại, tức là đưa tác phẩm văn học Nhật Bản đến với bạn đọc VN?
- Đó phải là việc của người VN.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận