02/01/2021 08:27 GMT+7

Đi Vũng Tàu, Đà Lạt vẫn phải xếp hàng trả phí

ĐÔNG HÀ - TUẤN PHÙNG
ĐÔNG HÀ - TUẤN PHÙNG

TTO - Người dân TP.HCM đi Vũng Tàu, Bình Thuận hay Đà Lạt... qua quốc lộ 51 hay đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây dù dán thẻ không dừng vẫn không được hưởng cảm giác bon bon qua trạm thu phí chỉ vì bất cập trong triển khai thu phí ở đây.

Đi Vũng Tàu, Đà Lạt vẫn phải xếp hàng trả phí - Ảnh 1.

Do hệ thống của trạm thu phí quốc lộ 51 (đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) không tương thích nên người có thẻ ETAG vẫn phải dừng để trả phí bằng tiền mặt - Ảnh: A LỘC

Chuyện này xảy ra, bất kể từ 1-1-2021 các trạm thu phí đều phải áp dụng các làn thu phí không dừng

Thêm vất vả cho người đi Vũng Tàu

Lượng xe qua lại trên quốc lộ (QL) 51 ngày càng tăng và đến nay đã quá tải. Tuy nhiên, ba trạm thu phí trên QL này lại được Bộ GTVT cho phép không lắp đặt thu phí không dừng, dẫn đến tình trạng ùn ứ và kẹt xe liên tục, nhất là vào những ngày lễ tết, cuối tuần. 

Ngày 1-1, theo ghi nhận của chúng tôi, càng về trưa lượng xe trên QL51 đổ về Vũng Tàu tăng dần lên. Và đến khoảng 11h, tại trạm thu phí T3 (xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã xảy ra hiện tượng ùn ứ xe. 

Đây cũng là tình cảnh thường xảy ra vào những dịp lễ tết, ngày cuối tuần trên QL 51, nhất là ở các trạm thu phí, các ngã ba, các nút giao cắt lớn giữa QL này với các con đường lớn, các lối ra vào khu công nghiệp.

Sau khi trạm này tổ chức phân thêm luồng giao thông cho chiều đi Vũng Tàu và bán vé phụ ngoài cabin, hơn 30 phút sau giao thông ở đây mới trở lại bình thường. Ông Đinh Hồng Hà, tổng giám đốc Công ty CP phát triển cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC), chủ đầu tư BOT QL 51 mở rộng, cho biết vào khoảng 9h sáng cùng ngày, trạm thu phí T2 (huyện Long Thành, Đồng Nai) phải xả trạm để đảm bảo lưu thông.

Theo các tài xế, nếu các trạm thu phí trên QL 51 triển khai thu phí không dừng sẽ có tác dụng rất lớn trong việc giải tỏa ùn ứ, kẹt xe trên QL này bấy lâu nay. Bởi vì thời gian để máy đọc thẻ thu phí không dừng rất nhanh, "như cái chớp mắt" là xe có thể qua trạm. Trong khi việc thu phí thủ công như hiện nay tại các trạm trên QL 51 mất khá nhiều thời gian - trả tiền, lấy vé, trả lại tiền thừa, xé cuống vé.

Anh Vũ Hồng Quân - một người dân ở Vũng Tàu thường xuyên đi TP.HCM - cho rằng nếu các trạm trên tuyến QL 51 tổ chức thu phí tự động chắc chắn sẽ hạn chế được tình trạng thường xuyên kẹt xe, ùn ứ như hiện nay. 

"QL 51 vốn kẹt xe thường xuyên. Lẽ ra các trạm thu phí trên tuyến đường này tranh thủ chuyển sang tự động sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng, thay vì vẫn tổ chức thu phí thủ công như hiện nay", anh Quân nói.

Xếp hàng và xếp hàng!

Cùng ngày, khi chạy xe vào làn thu phí không dừng trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, anh Nguyễn Nhựt Minh (quận 2, TP.HCM) mới phát hiện thẻ ETAG trên xe anh không thể sử dụng dù tiền đã nạp vào tài khoản đầy đủ. Do đó, anh Minh phải lùi xe chuyển qua làn thu phí trực tiếp theo yêu cầu của nhân viên tại trạm này.

Do vậy, nhiều xe ôtô khác phải xếp hàng dài chờ đợi. "Chỉ đến khi đó tôi mới biết là có 2 hệ thống thẻ khác nhau, chứ không phải 1 thẻ tích hợp thanh toán ở tất cả các trạm thu phí. Từ TP.HCM đi các tỉnh miền Đông và miền Tây hầu như không sử dụng được thẻ này", anh Minh bức xúc.

Trong khi đó, anh Lê Trường An, một tài xế xe du lịch thường xuyên qua lại trạm thu phí An Sương - An Lạc, cho biết từng kỳ vọng việc gắn thẻ ETAG sẽ giúp anh tiết kiệm thời gian qua trạm, xe di chuyển nhanh hơn, không còn cảnh nhích từng chút một qua trạm thu phí này. Thế nhưng, trong ngày 1-1, anh vẫn phải dừng xe để chờ đợi khi qua trạm bởi nhiều xe khác chưa dán thẻ, trong khi trạm này cho phép xe đã gắn thẻ ETAG và chưa gắn thẻ đi cùng làn với nhau.

Ông Nguyễn Văn Đạt, tổng giám đốc IDICO - nhà đầu tư trạm thu phí An Sương - An Lạc, cho biết trạm này không còn tổ chức làn riêng cho thu phí không dừng mà tổ chức thu phí hỗn hợp (có thể thanh toán tự động và thanh toán thủ công), do việc tổ chức làn riêng cho thu phí tự động thậm chí khiến tình trạng ùn ứ xe trầm trọng hơn.

Nguyên nhân là do làn thu phí không dừng vắng hoe trong khi các làn khác chật cứng, xe xếp hàng dài cả cây số chờ đợi bởi chỉ khoảng 5% lượng xe có gắn thẻ, các xe vẫn chọn phương thức thanh toán trực tiếp. "Trong thời gian tới, khi hệ thống thẻ ETAG được đồng bộ, số lượng xe gắn thẻ tăng lên, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp", ông Đạt nói.

Theo TS Trần Quang Thắng - Viện Kinh tế quản lý TP, lẽ ra phải áp dụng đồng bộ, có quy định bắt buộc dán đối với tất cả chủ xe. Các trạm thu phí sử dụng cùng một hệ thống thẻ thu phí không dừng. 

"Đơn vị quản lý cũng cần xem xét đơn giản hóa các thủ tục, tạo điều kiện gắn thẻ dễ dàng, nhanh chóng hơn. Ngay cả tiền thanh toán phí qua trạm cũng có thể tích hợp trực tiếp với thẻ ngân hàng của chủ xe", ông Thắng gợi ý.

Đi Vũng Tàu, Đà Lạt vẫn phải xếp hàng trả phí - Ảnh 2.

Thu phí giao thông tại trạm thu phí quốc lộ 51 - Ảnh: ĐÔNG HÀ

Năm 2021 ngưng thu phí quốc lộ 51?

Ông Đinh Hồng Hà cho hay BVEC đã ký hợp đồng với nhà cung cấp thiết bị để triển khai thu phí không dừng nhưng Bộ GTVT không cho nên không triển khai. "Chúng tôi ủng hộ thu phí không dừng để giảm bớt nạn kẹt xe tại các trạm trên QL51 và để minh bạch khoản thu. Khi bộ yêu cầu, chúng tôi sẽ triển khai ngay", ông Hà khẳng định.

Trước đó, trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ liên quan đến việc tổ chức triển khai thu phí không dừng (ETC), Bộ GTVT kiến nghị không thực hiện ETC ở 3 trạm thu phí trên QL51 với lý do dự án này dự kiến sẽ kết thúc thu phí trong năm 2021, nên việc đầu tư ETC sẽ lãng phí bởi tổng chi phí đầu tư ETC ở 3 trạm thu phí này lên tới khoảng 83 tỉ đồng. Hơn nữa, theo quy định, dự án BOT còn thời hạn thu phí dưới 3 năm sẽ không thực hiện ETC.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ, Bộ GTVT - cho biết hợp đồng dự án BOT thời gian qua là hợp đồng mở, có điều chỉnh thời hạn thu phí khi doanh thu tăng hoặc giảm. 

Do vậy, khi đã xác định doanh thu thu phí đủ hoàn vốn và có lợi nhuận theo quy định hợp đồng sẽ dừng thu phí chứ không tiếp tục thu với thời hạn ban đầu trong hợp đồng. Nhiều dự án BOT đã dừng thu phí trước thời hạn hợp đồng do đã đạt doanh thu hoàn vốn và lợi nhuận.

"Với dự án BOT QL51, qua đối soát doanh thu thực tế hằng năm với hợp đồng và tốc độ tăng trưởng doanh thu, chắc chắn thu phí sẽ không còn quá 3 năm. Do đó, Tổng cục Đường bộ đang đàm phán với BVEC để thống nhất thời gian dừng thu phí. Trước thời điểm dừng thu phí sẽ công khai doanh thu và lợi nhuận", ông Huyện nói.

"Ông nói gà, bà nói vịt"!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, dự án đầu tư mở rộng QL51 do Công ty CP phát triển cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (BVEC) làm chủ đầu tư, có chiều dài 73km với quy mô 6 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 3.970 tỉ đồng. Theo hợp đồng BOT đã ký giữa Tổng cục Đường bộ và BVEC, thời gian bắt đầu thu phí từ năm 2009 và dự kiến kết thúc hoàn vốn vào năm 2034.

Tuy nhiên, ông Đinh Hồng Hà cho rằng theo hợp đồng đến 2030 BOT này mới kết thúc thu phí, trong đó có "4 năm tạo lợi nhuận" cho nhà đầu tư. Và nếu tính lưu lượng xe tăng hơn so với phương án tài chính, theo ông Hà,

BOT này còn khoảng 6 năm nữa chứ không ngừng thu phí trong năm 2021 như Bộ GTVT thông tin.

Trả phí không dừng phải hấp dẫn hơn

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hoạt động thu phí không dừng chưa diễn ra như kỳ vọng do nhiều nguyên nhân như số lượng xe gắn thẻ ETAG (với hệ thống ETC do Công ty VETC cung cấp) hoặc thẻ ePass (với hệ thống ETC do Công ty VDTC của Viettel cung cấp) chiếm tỉ lệ thấp trong tổng lượng xe lưu thông, hai hệ thống ETC này chưa liên thông, việc tổ chức các làn ETC chưa hợp lý...

cao toc hn hp 2aa 2(read-only)

Làn thu phí không dừng ở đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vắng xe, ngược lại làn thu thủ công xe luôn xếp hàng dài - Ảnh: NGUYỄN HUY

Vào làn không dừng vẫn phải dừng

Sáng 1-1, từng dòng xe nối đuôi rời các cửa ngõ Hà Nội đưa người đi nghỉ Tết dương lịch. Tại trạm thu phí đầu đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (địa phận tỉnh Hưng Yên), xe xếp hàng cả kilômet trước các làn thu phí thủ công.

Trong khi đó, làn thu phí ETC ít xe chạy qua do lượng xe dán thẻ để nộp phí ETC vẫn còn ít. Cũng có thời điểm nhiều xe không dán thẻ nộp phí ETC vẫn đi vào làn ETC nên phải dừng lại trả tiền mặt khiến dòng xe ùn ứ tại làn này.

"Theo quy định, xe không dán thẻ hoặc dán nhưng tài khoản hết tiền mà đi vào làn thu phí không dừng sẽ bị buộc phải lùi lại để chuyển sang làn thu phí thủ công. Tuy nhiên, nhiều khi lượng xe phía sau nhiều, tài xế không thể lùi xe và được giải quyết cho trả tiền mặt để không ảnh hưởng xe khác" - ông Nguyễn Huy Thiêm, phụ trách CNTT của Công ty Quản lý và khai thác đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cho biết.

Theo ông Thiêm, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng triển khai ETC từ 11-8-2020 nhưng lượng xe sử dụng ETC chưa nhiều, doanh thu ETC thời gian đầu là 5 - 7% tổng doanh thu và đến nay chỉ mới tăng lên 13% trên tổng doanh thu thu phí toàn tuyến, chưa được như mong muốn.

Chưa hết, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng sử dụng hệ thống ETC do Công ty VETC cung cấp, xe được dán thẻ ETAG. Và từ ngày 29-12, hệ thống ETC do Công ty VDTC của Viettel cung cấp lại dán thẻ ePass lên xe. Do hai nhà cung cấp ETC đã kết nối liên thông hệ thống nên về nguyên tắc xe dán thẻ ETAG hay ePass đều liên thông qua 91 trạm thu phí có ECT hiện nay, bất kể VETC hay VDTC cung cấp dịch vụ.

Tuy nhiên, khi xe dán thẻ ePass vào làn ETC do VETC đầu tư tại trạm thu phí trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn bị trục trặc trong xử lý giao dịch thanh toán do hệ thống chưa nhận diện được phương thức thu phí theo kilômet (thu phí kín) của đường cao tốc với thu phí lượt trên quốc lộ. Việc này khiến tài xế không hài lòng, khi tài khoản thu phí có đủ tiền vẫn phải trả tiền mặt.

"Cũng có trường họp xe đã dán thẻ ETAG rồi lại dán thêm thẻ ePass nên khi vào làn ETC đã xảy ra tình trạng hệ thống thông báo tài khoản ETAG hết tiền nên không được đi qua, còn tài khoản ePass có tiền nhưng chưa được liên thông" - ông Thiêm nói.

Sao không thấy khuyến mãi, giảm phí?

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, những trục trặc nhỏ, phát sinh khi kết nối hai hệ thống ETC của công ty VETC và VDTC đã được lường trước và Bộ GTVT đề nghị hai nhà cung cấp dịch vụ ETC là VETC và VDTC tiếp tục phối hợp xử lý, đồng thời đẩy mạnh việc tuyên truyền dán thẻ trên ôtô để có nhiều xe tham gia ETC hơn.

"Tuyên truyền để người dân hiểu và chia sẻ, đồng hành thực hiện ETC là hết sức quan trọng. Khi dán thẻ đi qua làn ETC rồi mới thấy tiện ích, mùa hè nóng, mùa đông lạnh cũng không phải hạ kính mua vé, cứ ngồi yên trong xe chạy. Dùng ETC tạo sự minh bạch, công khai trong sử dụng tiền thu phí và không mất thời gian dừng mua vé. Tôi đứng theo dõi ở nhiều trạm thu phí thấy một xe dừng trả phí bằng tiền mặt thì trong thời gian đó có 15 xe đã đi qua làn ETC" - ông Thọ nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Huy Thiêm đề xuất Nhà nước nên coi ETC là dịch vụ công vì mang lại nhiều lợi ích chung cho xã hội. Và nếu là dịch vụ công, Chính phủ cần cho phép Bộ Tài chính và Bộ GTVT thực hiện cơ chế khuyến khích như giảm 5 - 10% phí đường bộ cho xe sử dụng ETC để tăng người sử dụng dịch vụ này. Vì dùng ETC tiết kiệm được chi phí in vé giấy, thời gian, nhiên liệu, chi phí.

Ngoài ra, cần tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu hai loại thẻ định danh đều cùng một công nghệ FRID nên chỉ cần dán một thẻ thì đi được mọi trạm ETC mà không quan tâm hệ thống ETC ở trạm đó do VETC hay VDTC cung cấp. Người dân không hiểu nhầm sẽ tránh lãng phí khi dán thẻ và khó khăn cho xử lý giao dịch tại trạm thu phí.

"Nếu coi ETC là dịch vụ công thuộc chương trình chuyển đổi số, Chính phủ và các bộ liên quan nên cho phép nhà cung cấp dịch vụ gửi tin nhắn miễn phí để tuyên truyền, thông báo giao dịch ETC cho khách hàng. Hệ thống ETC là thiết bị điện tử nên thời gian khấu hao nhanh, chi phí bảo trì lớn nhưng mang lại những lợi ích chung cho cả xã hội" - ông Thiêm đề xuất.

Từ ngày 1-1, hầu hết các trạm thu phí trên cả nước đều đã triển khai thu phí không dừng (ETC), nhưng thực tế trên các tuyến đường huyết mạch vẫn diễn ra cảnh dòng xe xếp hàng chờ nộp phí bằng tiền mặt thay vì trả phí không dừng.

TUẤN PHÙNG - THU DUNG

Có trạm thu phí không dừng, xe vẫn phải mua vé

Ghi nhận tại một số trạm thu phí ở miền Tây Nam Bộ cho thấy hầu hết tài xế vẫn phải dừng để mua vé như cũ dù các trạm đều tổ chức thu phí không dừng. Chẳng hạn, cả 6 làn thu phí tại trạm thu phí BOT cầu Rạch Miễu (Bến Tre) đều có nhân viên túc trực, xé vé cho tài xế do nhiều xe chưa được dán thẻ tự động.

Theo ông Hà Ngọc Nam - phó giám đốc Công ty TNHH BOT Cầu Rạch Miễu, nguyên nhân của tình trạng này là do các tài xế và chủ xe chưa... dán thẻ tự động cho xe. Do đó, các đơn vị đã mở các điểm dán thẻ tự động tại trạm thu phí để dán cho những xe có nhu cầu.

Trạm thu phí BOT T1 (quốc lộ 91, Cần Thơ - An Giang) cũng bắt đầu tổ chức thu phí không dừng từ tối 31-12-2020, nhưng mỗi chiều chỉ có một làn thu phí tự động, các làn còn lại (đã lắp đặt thu phí không dừng) vẫn phải thu phí trực tiếp vì lượng phương tiện có gắn thiết bị thu phí không dừng còn ít.

M.TRƯỜNG - L.DÂN

hinhanh  aaa 1(read-only)

Trong ngày 1-1 trạm thu phí cầu Rạch Miễu đã liên tục xả trạm để giải tỏa dòng xe bị ùn ứ - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Bình Dương: dán thẻ miễn phí lần đầu

Ghi nhận tại các trạm thu phí BOT ở Bình Dương và Bình Phước cho thấy trong những ngày đầu triển khai thu phí không dừng, các trạm đều tăng cường nhân viên đứng tại các làn thu phí để hướng dẫn các tài xế qua trạm. Để giảm tình trạng kẹt xe, trạm thu phí Lái Thiêu (quốc lộ 13) cho phép xe dán thẻ thu phí không dừng được đi qua tất cả các làn.

Chủ đầu tư dự án BOT quốc lộ 13 tỉnh Bình Dương cho biết với các xe lần đầu áp dụng thu phí không dừng, thủ tục triển khai rất thuận lợi. Các tài xế chỉ cần mang theo giấy tờ xe, giấy phép lái xe tới ngay các điểm dán thẻ kế bên các trạm thu phí để dán thẻ miễn phí lần đầu, nạp tiền vào tài khoản là có thể sử dụng.

BÁ SƠN

Trạm BOT Sông Phan dời thời gian thu phí không dừng

Ông Bùi Trình - giám đốc Công ty CP giao thông số Việt Nam (VDTC) - cho biết đúng 22h30 tối 1-1, việc triển khai thu phí điện tử không dừng (ETC) mới hoàn tất tại trạm BOT Sông Phan (Bình Thuận), điểm cuối cùng trong số 35 trạm mà VDTC triển khai theo hình thức thu phí dịch vụ ETC giai đoạn 2 trên cả nước.

Giải thích lý do chậm tiến độ tại trạm này, ông Trình cho rằng do trùng với dịp nghỉ lễ nên lưu lượng xe đông đúc, nếu triển khai có thể gây ra cảnh kẹt xe do đoạn đường qua đây chật hẹp, dịch vụ còn mới.

Ông Nguyễn Thanh Quang - giám đốc chi nhánh BOT 319 Sông Phan - cũng cho biết kế hoạch tổ chức thu phí không dừng từ tối 31-12-2020 đã phải tạm hoãn do lượng xe cộ qua lại tăng đột biến, đơn vị phải bố trí thêm nhân viên phân luồng, điều tiết, bán vé cho tài xế để tránh ùn ứ.

ĐỨC TRONG

Nhà cung cấp ETC "ngồi mát ăn bát vàng"?

Ông Đặng Tiến Thắng (phó tổng giám đốc Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn) khẳng định thu phí không dừng là cần thiết, chủ đầu tư dự án BOT cũng muốn tổ chức thực hiện tốt và cần hoàn thiện dần. Như nhà cung cấp ETC phải tăng cường tuyên truyền, có giải pháp để tỉ lệ dán thẻ tăng.

Thực tế, dự án BOT phải trích 2% doanh thu để trả cho nhà cung cấp ETC thay vì theo tỉ lệ xe nộp phí ETC. Nếu lượng xe thực hiện ETC ít sẽ là gánh nặng cho nhà đầu tư BOT mà không gây áp lực cho nhà cung cấp ETC. "Vì xe dùng ETC nhiều hay ít, nhà cung cấp vẫn được trích 2% tổng doanh thu. Nếu nhiều người dùng ETC sẽ giảm chi phí cho nhà đầu tư ETC lẫn BOT" - ông Thắng nói.

Vì sao không Vì sao không 'thu phí không dừng' ở BOT quốc lộ 51?

TTO - Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng về việc không triển khai 'thu phí không dừng' tại ba trạm của dự án BOT quốc lộ 51. Theo báo cáo này, đến 2021, BOT này sẽ kết thúc thu phí nhưng theo tính toán của chủ đầu tư, dự án này còn khoảng 6 năm thu phí.

ĐÔNG HÀ - TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên