16/10/2007 21:17 GMT+7

Dị vật đường thở, SOS!

Theo BS. Nguyên Diễn - Báo Sức khỏe & đời sống
Theo BS. Nguyên Diễn - Báo Sức khỏe & đời sống

Những đồ vật nhỏ như khuy áo, hạt lạc, kẹo cứng, thạch rau câu... sẽ trở thành “sát thủ” nếu rơi vào đường thở, nhất là ở trẻ nhỏ. Dị vật đường thở rất nguy hiểm, nhẹ thì ho sặc tím tái, viêm phổi, nặng sẽ tử vong do ngưng thở.

Nguyên nhân:

Nguyên nhân là khi ăn trẻ thường ngậm trong miệng, hay đùa nghịch, khóc, vớ vật gì cũng cho vào miệng... làm sặc thức ăn và đồ vật, rơi vào đường thở.

Khi bị dị vật đường thở, trẻ sẽ có các biểu hiện sau:

Trẻ đang ăn hoặc chơi tự nhiên bị ho sặc sụa, khó thở, tím tái, ngưng thở, vã mồ hôi, tiểu và đại tiện ra quần. Nếu dị vật vào thanh quản sẽ gây khó thở thanh quản: trẻ khàn tiếng, ho, thở rít, trẻ ráng sức hít vào, bứt rứt, vật vã do đường thở bị bít tắc; vào khí quản sẽ gây khó thở từng cơn vì dị vật di động; vào phế quản gây khó thở, giống như viêm phế quản hay viêm phổi khiến dễ chẩn đoán nhầm nếu người nhà không nói rõ trẻ đã ngậm phải vật gì trước lúc các triệu chứng xuất hiện.

Một số trường hợp dị vật quá lớn sẽ gây ngạt thở và tử vong tức thì.

Xử trí:

Nếu dị vật là chất lỏng: Đặt trẻ nằm sấp trên lòng bàn tay hay trên đùi rồi vỗ mạnh vào lưng 2-3 cái. Nếu trẻ lớn hơn, để trẻ nằm ngửa rồi ấn tay vào thượng vị, nhồi 2-3 cái để trẻ ho bắn dị vật ra và thở trở lại. Nếu trẻ vẫn chưa thở được, phải hà hơi thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực (nếu ngưng tim).

Nếu dị vật là vật cứng:

Trường hợp trẻ không khó thở thì đưa ngay đến bệnh viện để kiểm tra có thể tiến hành soi gắp dị vật.

Nếu trẻ lờ đờ, vật vã, phải thọc tay móc ngay dị vật ra vì thường đây là dị vật to gây bít tắc thanh môn. Còn với vật nhỏ hơn, có thể thổi miệng đẩy luôn dị vật xuống sâu để trẻ có thể thở được, sau đó chuyển đến bệnh viện.

Với trẻ bị khó thở tím tái, trước tiên cần giữ trẻ trong tư thế mặt úp, đầu chúc xuống thấp hơn thân, sau đó vỗ mạnh nhiều lần vào giữa hai xương bả vai của trẻ. Trường hợp trẻ còn nhỏ có thể nắm lấy hai cổ chân nơi mắt cá chân của bé để bé chúc đầu xuống đất. Nếu trẻ vẫn còn bị sặc, hãy đặt nằm nghiêng và hơi ngửa đầu ra sau, một tay bạn đỡ lấy lưng trẻ, dùng hai ngón tay kia ấn vào khoảng giữa rốn và phần cuối của xương sườn (chú ý ấn vào trong, lên phía trên) một cách nhanh và mạnh.

Với những trẻ lớn hơn có thể đặt trẻ nằm sấp trên đầu gối của bạn, dùng biện pháp vỗ mạnh vào giữa hai xương bả vai. Hoặc đặt trẻ ngồi vào lòng bạn, lưng áp vào ngực bạn, một tay bạn đỡ lấy lưng trẻ, tay kia nắm lại thành quả đấm (ngón cái nằm trong) rồi cũng ấn mạnh vào khoảng giữa rốn và phần cuối xương sườn của trẻ, hướng lên trên. Hoặc cũng có thể áp dụng nghiệm pháp Heimlic: để trẻ đứng, người cúi ra trước, bạn đứng phía sau, hai tay bắt vào nhau thành một nắm đấm để vào vùng thượng vị của trẻ, sau đó giật mạnh từ trước ra sau và từ dưới lên trên để làm tăng áp lực trong lồng ngực nhằm tống dị vật ra.

Trường hợp sau khi lấy dị vật, trẻ không thở lại được bình thường thì cần làm hô hấp nhân tạo. Còn nếu sau khi đã sơ cứu vẫn không thể lấy được dị vật ra, trẻ ngưng thở... thì cần nhanh chóng chuyển trẻ tới cơ sở y tế để soi gắp dị vật. Tuyệt đối không được la, mắng trẻ. Khi đến bệnh viện phải nói rõ trẻ ăn gì để các bác sĩ xử lý, vì mỗi dị vật vào đường thở có một đặc thù riêng.

Phòng ngừa:

Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Thường bị sặc trong khi bú sữa, ăn bột hoặc uống thuốc, vì thế: đặt bé tư thế ngồi khi cho bé bú. Không được để bé nằm ôm bình bú một mình. Không được dỗ trẻ đang khóc bằng việc ấn bình sữa vào miệng bé, rất dễ gây sặc. Khi trẻ đang la khóc hoặc cười không được đút bột, cháo. Khi cho trẻ uống thuốc, đừng đổ vội vào miệng đứa bé đang giẫy khóc.

Trẻ trên 6 tháng tuổi: Nguyên nhân gây sặc là do trẻ tự bỏ vào miệng các loại thức ăn, đồ vật... Vì thế, người lớn nên tránh để các loại đồ chơi, các vật nhỏ trong tầm tay bé. Tập cho trẻ thói quen không được ngậm bất cứ thứ gì trong miệng. Nếu thấy trẻ ngậm phải nhẹ nhàng lấy ra, không được làm trẻ sợ hít mạnh vào đường thở. Không cho ăn những thức ăn dễ rơi vào đường thở như các hạt, xương mà nên lọc bỏ.

Với những trẻ lớn hơn, không để trẻ nô nghịch, cười đùa khi ăn

Theo BS. Nguyên Diễn - Báo Sức khỏe & đời sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên