11/10/2003 15:42 GMT+7

Đi tìm khuôn mặt cho "cậu bé không có khuôn mặt"...

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTCN - The boy without a face - tên một bộ phim của các nhà làm phim Thụy Điển về một em bé nạn nhân thời hậu chiến đã khiến nhiều người xúc động tại Liên hoan phim châu Âu hồi mùa xuân năm nay. Cậu bé không có khuôn mặt ấy là một em nhỏ người Quảng Trị... Mười năm nay, em thực hiện một hành trình tìm lại khuôn mặt mình từ tấm lòng của bao nhiêu người tốt trên thế giới.

rrZtVkoX.jpgPhóng to
Khuôn mặt em khi bị bom Napal thiêu cháy năm 1994
TTCN - The boy without a face - tên một bộ phim của các nhà làm phim Thụy Điển về một em bé nạn nhân thời hậu chiến đã khiến nhiều người xúc động tại Liên hoan phim châu Âu hồi mùa xuân năm nay. Cậu bé không có khuôn mặt ấy là một em nhỏ người Quảng Trị... Mười năm nay, em thực hiện một hành trình tìm lại khuôn mặt mình từ tấm lòng của bao nhiêu người tốt trên thế giới.

Đất Quảng Trị có hàng trăm em bé như thế. Có nhiều em đã mãi mãi nằm xuống trên đất đai đồng bãi quê nhà mà trên gương mặt thiên thần vẫn chưa kịp hiểu vì sao tuổi thơ mình đã bị cướp mất sau tiếng nổ xé tai của quả bom sót lại. Và nhiều em khác, gương mặt không còn thiên thần như tuổi thơ em. Nguyễn Đức Huynh là một em bé như thế...

10 năm trước. Nguyễn Đức Hòa và Nguyễn Đức Huynh lúc ấy đang học mẫu giáo. Một buổi trưa trên đường đến trường hai em đi ngang qua một đại lý buôn bán phế liệu đúng lúc người chủ vựa phế liệu đang tháo một quả đạn lân tinh.

uH2tK1Ot.jpgPhóng to
Ông Goran Anvinius và Huynh
Đạn phát nổ, anh Nguyễn Đức Tuấn, người tháo đạn, chết tại chỗ, Hòa là em, bị nhẹ hơn, còn Huynh khuôn mặt bị biến dạng hoàn toàn. (Tuy nhiên do sự nhầm lẫn sau này của người đạo diễn, Huynh bị gọi nhầm thành Hòa).

Khi ấy, nhà làm phim người Thụy Điển Fokle Rydén đến Việt Nam để thực hiện một phóng sự về đạn bom thời hậu chiến. Ông lần theo mẫu tin trên một tờ báo và tìm về quê của hai em - cái xóm nghèo thuộc phường 3, thị xã Đông Hà (Quảng Trị) nằm nép mình bên sông Hiếu.

Một bản tin được phát trên Đài truyền hình Stockholm. Những hình ảnh ấy đã đọng lại trong lòng một người Thụy Điển, ông Goran Anvinius. Ông Goran cũng có một cậu con trai trạc tuổi Huynh. Không thể nén nỗi xúc động và ông tìm cách quyên góp trong cộng đồng của mình một khoản tiền để có thể giúp Huynh phẫu thuật tìm lại gương mặt mình.

RAa8mudy.jpgPhóng to
Huynh và các nhà làm phim Thụy Điển - đạo diễn Folke Rydén (trái) và quay phim Dan Jama
Huynh, sau tai họa ấy, đã trở thành một cậu bé nhút nhát luôn bị ám ảnh bởi khuôn mặt không còn là khuôn mặt của mình. Ngoài nỗi đau thể xác, em còn gánh chịu một nỗi đau tinh thần quá lớn. Ông Goran lại quyết định sang VN để gặp Huynh và tìm cách đưa em ra Hà Nội.

Từ Viện Bỏng quốc gia, em được đưa sang Bệnh viện chỉnh hình Hai Bà Trưng, nhưng những cuộc phẫu thuật trong nước không làm cho gương mặt Huynh khá hơn. Ông Goran lại quyết định trở lại VN và tìm cách đưa em đến một nước có khả năng phẫu thuật tốt hơn cho Huynh.

Đầu năm 2000, Huynh được đưa sang Mỹ để phẫu thuật tại một bệnh viện nổi tiếng ở Boston. Huynh trải qua tám tháng ở Mỹ, với bốn lần phẫu thuật bởi đội ngũ y bác sĩ giỏi, phương tiện kỹ thuật hiện đại.

Còn Fokle Rydén, trước khi thực hiện bộ phim Cậu bé không có khuôn mặt, ông đã có 14 năm làm phóng viên thời sự truyền hình, ông đã đưa tin về các loại thảm họa, chiến tranh và sự nghèo đói, khổ cực từ hầu hết mọi nơi trên thế giới với hơn 2.000 bản tin.

e7FWXlax.jpgPhóng to

Huynh và em trai

Từ khi câu chuyện về Huynh được phát sóng trên Đài truyền hình Stockholm, ông đã theo suốt Huynh trên hành trình tìm lại khuôn mặt của em để ghi lại những thước phim chân thực và xúc động nhất: ngôi nhà nhỏ, bến sông, lớp học, những dấu ấn hậu chiến ở Quảng Trị và những tư liệu đầy sức thuyết phục như lượng bom đạn rơi xuống mảnh đất Quảng Trị trong chiến tranh chống Mỹ còn nhiều hơn số bom đạn dùng trong Thế chiến thứ hai.

Điều kinh khủng nhất là con số 1/3 bom đạn trút xuống vùng đất Quảng Trị vẫn còn chưa nổ. Có khá đông người dân sinh sống ở Quảng Trị đang làm công việc dò tìm bom đạn để bán làm phế liệu... Trên cái nền của vùng đất nhọc nhằn khốc liệt và ngột ngạt bởi di chứng hậu chiến ấy, câu chuyện cậu bé đi tìm mặt của Huynh đã như những tự sự đầy chân thực và thuyết phục.

Khuôn mặt của Huynh trải qua nhiều lần phẫu thuật vẫn không thể tìm lại được. Điều này đã khiến Fokle Rydén tự vấn: “Thế nào là một gương mặt bình thường? Khuôn mặt của em phải được phục hồi đến mức nào để thỏa nguyện những người giúp đỡ em, thỏa nguyện gia đình và chính bản thân em? Phải chăng điều có ý nghĩa và bản chất hơn hết của câu chuyện mang đầy tính thực tiễn này đó là những thay đổi đang diễn ra về mặt tinh thần cũng như nhân cách của em?”.

xV67MjXm.jpgPhóng to
Quay phim về Huynh tại lớp học
Và cũng quả quyết: “Nhiều người muốn giúp đỡ, nhưng không phải lúc nào cũng luôn biết rõ ràng rằng ai đang giúp đỡ ai. Bởi lẽ, ngay trên đất Mỹ, chính em đã giúp người dân Mỹ “cảm nhận được tội lỗi của những người phương Tây đối với Thế giới thứ ba” để họ phản tỉnh và thay đổi mọi điều cần thiết với những mong muốn thiện chí nhất”.

Năm nay Huynh đang học lớp 7 Trường THCS phường 3, Đông Hà, chậm mất hai năm do những năm tháng nằm viện. Người em của Huynh đã học lên lớp 9.

Em vẫn còn hi vọng bởi những người tốt tận đất nước Thụy Điển đã hứa đợi em trưởng thành thêm một chút nữa họ lại tiếp tục đưa em đi phẫu thuật thẩm mỹ. Cuộc sống của em đã không còn những mặc cảm. Chính tấm lòng của những người như ông Goran, như Fokle Rydén đã khiến em không mấy nghĩ đến tai họa của tuổi thơ. Em bảo rằng dẫu là tai họa nhưng em vẫn còn may mắn nhận được tấm lòng của nhiều người tốt trên thế giới.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên