27/07/2006 04:11 GMT+7

Đi tìm đồng đội

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

TT - Đó là một câu chuyện dài với những dấu vết mờ nhạt, những dấu nối có khi đứt quãng trong suốt 38 năm. Đó là tấm lòng thủy chung son sắt của những người lính đi tìm đồng đội khắp núi rừng, có lúc tưởng chừng vô vọng...

JIwuHwnQ.jpgPhóng to

Sau năm 1975, những chiếc IL-14 được trở lại mục đích vận tải dân sự của nó. Ngày 1-1-1977, tại sân bay Gia Lâm đã khai thông chuyến bay chở khách đầu tiên đi Điện Biên Phủ sau hàng chục năm bị đình chỉ vì chiến tranh. Trong ảnh: ông Trần Hữu Thọ - người xách cặp - một trong những sĩ quan dẫn đường trong chiến dịch cầu hàng không - Ảnh tư liệu (chụp lại)

TT - Đó là một câu chuyện dài với những dấu vết mờ nhạt, những dấu nối có khi đứt quãng trong suốt 38 năm. Đó là tấm lòng thủy chung son sắt của những người lính đi tìm đồng đội khắp núi rừng, có lúc tưởng chừng vô vọng...

Kỳ 1: Những chiến đấu cơ kỳ lạ Kỳ 2: Lực lượng đặc biệt, nhiệm vụ tuyệt mật Kỳ 3: Hồi ức dưới tầm lửa đạn

Những “sợi chỉ” mong manh

Sau ngày thống nhất đất nước, những người lính còn sống sót trong lực lượng tham gia “cầu hàng không” Tết Mậu Thân đã tổ chức rất nhiều cuộc kiếm tìm những đồng đội đã hi sinh.

Đã có những chuyến đi dài và trở về trắng tay, đã có lúc họ phải nghĩ đến phương án lập những ngôi mộ tượng trưng nằm rải rác ở những nơi mà họ có được tin tức về những chiếc máy bay rơi trong thời điểm Tết Mậu Thân. Mười năm, 20 năm, 30 năm trôi qua, những thông tin trở nên nhạt nhòa, mong manh.

Rồi mọi việc lại bắt đầu nhen nhóm hi vọng trở lại khi quân chủng phòng không - không quân nhận được bức thư của một cựu chiến binh, ông Lại Văn Vượng, hiện đang sống ở quận Lê Chân (Hải Phòng), báo tin: trong một lần đi du lịch, ông đã trở lại chiến trường xưa ở vùng A Sầu - A Lưới (Thừa Thiên - Huế), đã nghe đồng bào người dân tộc Pakô kể lại rằng vào năm Mậu Thân 1968, có một chiếc máy bay rơi trên đỉnh núi A Sầu.

Nhiều vật dụng, quân trang, súng ống và cả những dòng chữ còn sót lại trên máy bay gợi cho họ biết đây là máy bay của quân giải phóng. Từ thông tin này, những cuộc tìm kiếm đã nhanh chóng được đoàn 919 tổ chức diễn ra trên vùng rừng núi A Sầu.

“Lúc đó chúng tôi thấy vương vãi những mảnh vụn của những chiếc dù, những mảnh xác máy bay và những thân thể đồng đội. Chúng tôi tìm được sáu chiếc dù, gom những phần thân thể ấy chôn vào sáu nấm mồ cạnh một gốc cây to. Tôi còn nhớ sau khi chôn xong, rút những khẩu súng của các anh bắn lên trời như một nghi thức tiễn biệt” - ông Phạm Thế Lập kể.

Cùng lúc đó, một cựu chiến binh đã từng chiến đấu ở chiến trường Thừa Thiên - Huế viết thư cho quân chủng cho biết ông chính là người tham gia tìm kiếm và chôn cất những phi công đã hi sinh trong những ngày diễn ra chiến dịch Tết Mậu Thân.

Người đó là ông Phạm Thế Lập, nguyên là lính bộ binh của tiểu đoàn 6, binh trạm 7, đoàn 559 (tức binh đoàn Trường Sơn).

38 năm sau sự kiện oai hùng ngày ấy, chúng tôi tìm về ngôi nhà với mảnh vườn nhỏ của cựu binh Phạm Thế Lập ở thôn Đạm Trai, xã Minh Tân, huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh).

Ông Lập nói: “Tôi thấy lòng mình thật sự nhẹ nhàng và thanh thản khi đã làm xong nghĩa vụ với những đồng đội mà tôi chưa từng biết mặt. Họ là lính không quân, còn tôi là lính bộ binh”. Giữa những người lính này chỉ có một mối liên hệ duy nhất là đã chiến đấu cùng một mặt trận vào thời điểm tháng 2-1968.

Ngày ấy đơn vị ông Lập nhận được lệnh phải đốt lửa làm tín hiệu đón nhận hàng từ máy bay của quân giải phóng thả xuống chi viện cho mặt trận Huế. Đó là thời khắc hiểm nguy không kém so với những phi công trên bầu trời: những đốm lửa đốt lên làm tín hiệu nhận hàng, nhưng đồng thời cũng sẽ là tâm điểm để máy bay địch tập trung tiêu diệt mục tiêu.

“Những ai nhận nhiệm vụ đốt lửa thì trong buổi cơm cuối thường xem như buổi tiễn biệt nhau”. Lửa được đốt lên trong nhiều đêm, có lúc đã nghe tiếng máy bay xa gần, nhưng hi vọng hàng, vũ khí sẽ đến trong nhiều đêm trở nên vô vọng đối với đơn vị của ông.

Vài ngày sau, đơn vị ông Lập lại được phân công một nhiệm vụ khác: đi tìm xác máy bay của quân giải phóng rơi trên vùng núi A Sầu - A Lưới.

Tổ ông có ba người gồm ông Lập, ông Thư (hiện ở Thọ Xuân, Thanh Hóa) và một người nữa (đã hi sinh). Mất nửa tháng vạch rừng, lội suối tìm kiếm khắp vùng núi cao, rừng sâu hẻo lánh này mà vẫn không tìm được dấu vết chiếc máy bay rơi. Rồi tình cờ những người dân tộc đi rừng báo là có một chiếc máy bay rơi trên sườn núi. Họ tìm đến.

UMFajhQi.jpgPhóng to

Những người lính của trung đoàn 919 xưa lặn lội trở về vùng A Sầu - A Lưới tìm lại hài cốt đồng đội trong những chuyến bay năm 1968 - Ảnh tư liệu

Những giả thuyết giờ phút cuối cùng

Ngày càng có thêm nhiều đầu mối để những người lính năm xưa cảm nhận được về giờ phút cuối cùng của đồng đội mình.

Ông Nguyễn Xuân Toàn, người dân tộc Pakô ở xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, kể lại: “Tối hôm đó, tôi nghe tiếng máy bay từ hướng thành phố Huế bay lên và sau đó có một tiếng nổ rất lớn, rất gần. Mảnh xác máy bay văng đến tận nhà tôi. Tôi cùng người trong làng tìm đến thì thấy xác máy bay tung tóe và nhiều súng K54, AK và lựu đạn còn nguyên cả hòm”.

Sau khi an táng các phi công, ông Toàn và một số dân địa phương đã nhặt một số hiện vật từ xác máy bay về, trong đó có khẩu K54 được cho là súng của tổ bay. Khẩu súng này đã thất lạc sau khi ông Toàn bàn giao cho chính quyền khi nghỉ hưu.

Địa điểm máy bay rơi là một sườn núi cao. 38 năm qua, mọi thứ đã nhạt nhòa... Một thanh niên ở xã Phú Vinh cho biết mới đây anh đã đào thấy chiếc tuôcbin máy bay cùng với mấy chục quả đạn và đã mang đi bán ve chai được hơn 200.000 đồng.

Theo chỉ dẫn của anh thanh niên, đoàn tìm kiếm đã tìm đến tiệm bán phế liệu ở trị trấn A Lưới và nhận ra một số phế liệu là những phần còn lại của một động cơ, bộ điều tốc của máy bay IL-14.

Từ những thông tin do các nhân chứng kể lại, những người lính năm nào xác định nguyên nhân máy bay rơi là trúng đạn, bởi theo những người chứng kiến tại chỗ khi họ phát hiện xác máy bay, trên chiếc cánh dài được tìm thấy có đến 13 vết đạn.

Tuy nhiên, đoàn tìm kiếm khó xác định đây là tổ bay nào, nhưng dựa vào lời kể thì rất có thể đây là chiếc máy bay IL-14 do phi công Phạm Kế lái chính, bay chuyến đầu tiên ngày 7-2-1968.

Theo lời kể, khu vực máy bay rơi lúc đó có rất nhiều dù lớn để thả hàng, khớp với chi tiết tổ bay của phi công Phạm Kế làm nhiệm vụ thả dù hàng hóa, vũ khí chứ không làm nhiệm vụ chiến đấu.

Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, khi ông tiếp cận khu vực máy bay rơi, tìm ra xác những người lính, ông đã phát hiện một mảng tóc dài màu hung. Trong khi những đồng đội còn sống sót cho biết tổ bay của Phạm Kế có anh Nguyễn Văn Tê bị hói đầu nên anh thường để tóc dài rồi vuốt kéo sang một bên che phần hói lại.

Đoàn tìm kiếm còn được biết thêm thông tin mới: cách địa điểm chiếc máy bay rơi 3km còn có một chiếc khác cũng bị rơi trong những ngày Tết Mậu Thân. Họ đến hiện trường và tìm được một số đạn cối, các mảnh nhựa, gỗ..., nhưng không tìm được hài cốt, bước đầu xác định đây chính là hiện trường của chiếc IL-14 thứ hai bị rơi trong chiến dịch Tết Mậu Thân.

Khi hay tin đã tìm được một số hài cốt những đồng đội đã hi sinh trong chiến dịch đặc biệt ngày ấy, cho dù chưa đầy đủ, nhưng vị tướng về hưu Phan Khắc Hy - nguyên chính ủy trung đoàn 919, đơn vị được giao nhiệm vụ tuyệt mật - cảm thấy lòng mình dường như thanh thản hơn. Một cảm giác đọng lại rất lâu...

Kỳ tới:Chuyện về người anh hùng

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên