![]() |
Bác sĩ Trần Văn Bình (sinh năm 1938) nguyên là trưởng khoa huyết - sinh học Bệnh viện Truyền máu và huyết học TP.HCM. Tốt nghiệp Đại học Y khoa Sài Gòn năm 1964, ông sang Pháp học Đại học Y Paris (1968 - 1972), tốt nghiệp văn bằng chuyên khoa huyết học và văn bằng miễn dịch học. Ông được phong học hàm phó giáo sư năm 1992, thầy thuốc ưu tú năm 1999, nghỉ hưu năm 2004. |
* Thưa phó giáo sư, có phải ông đã đến với nghề y bằng một tình yêu mà đến nay vẫn không phai nhạt?
- PGS TRẦN VĂN BÌNH: Tôi chọn nghề y khi tôi là một học trò nghèo muốn vươn lên. Thuở nhỏ, bạn bè gắn cho tôi cái biệt danh Trần Minh chứ không gọi tôi là Trần Bình, vì tôi nghèo chẳng khác gì “Trần Minh khố chuối”. Không có tiền mua sách, dịp nghỉ hè tôi mượn sách bạn bè về chép, chép riết mà thuộc lòng, vì thế nắm bài vở hơn chúng bạn. Khi vào đại học, tôi chọn nghề y vì thấy nó hợp với mình.
* Ông thấy nghề y hợp với mình như thế nào?
- Nghề y là nghề nâng niu sự sống. Nghề y hiện đại còn hơn thế nữa, mang lại cho đời một cuộc sống chất lượng - đó là cuộc sống hạnh phúc. Nếu xã hội thiếu vắng ngành y, dù kinh tế có phát triển đến đâu, con người cũng không thể có hạnh phúc trọn vẹn khi không thể kéo dài thêm cuộc sống để hoàn tất một công trình cho đời, hay có được một đứa con không thể sinh từ bụng mẹ. Tôi đi tìm hạnh phúc và tìm được cái “đạo” đó ở ngành y.
* Ngày xưa thầy thuốc không chữa hết bệnh thì đổ cho số trời, còn ngày nay có thể đổ cho hạn chế của y học chăng, thưa ông?
- Y học cổ dạy thầy thuốc nên tránh thất bại, đừng nhận chữa những căn bệnh nan y. Y học thời nay dạy cho người thầy thuốc phải còn nước còn tát, cho dù biết tần suất thất bại gần 100% song phải luôn nghiên cứu tìm tòi để giảm dần những thất bại đó cho những ca bệnh tương tự. Chuyên ngành của tôi là huyết học, luôn phải chứng kiến những thất bại khi những căn bệnh ung thư máu kéo bệnh nhân ra khỏi bàn tay thầy thuốc.
![]() |
Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan, phó trưởng khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ, đang dõi mắt vào màn hình siêu âm chọc hút trứng để tiến hành thụ tinh nhân tạo, đem lại niềm vui cho nhiều cặp vợ chồng chưa có con.Các bác sĩ khoa hiếm muộn đang chuẩn bị áp dụng kỹ thuật nuôi trứng trưởng thành trong ống nghiệm. Đây là phương pháp điều trị rất hiệu quả, tỉ lệ thành công cao, chỉ mới có một vài trung tâm trên thế giới đang áp dụng - Ảnh: LÊ HỒNG LINH |
- Không phải lúc nào cũng thế. Tôi đã từng kéo dài cuộc đời của một bệnh nhân ung thư máu thêm được chín năm, song lần nhập viện cuối cùng của đời người cũng đến. Đứng ở đầu giường người bệnh, tôi nghẹn lời, anh ta nói với tôi bằng giọng yếu ớt: “Bác sĩ đừng buồn. Bác sĩ đã giúp em thêm được chín năm để vui buồn cùng gia đình là đã tặng em một món quà ý nghĩa nhất của đời em”. Chính người bệnh đã an ủi tôi, làm tôi càng thẹn với lòng vì chính mình mới là người thất bại.
* Ông nghĩ gì khi có nhiều nhà khoa học nói chung và y học nói riêng không muốn dành thời gian cho nghiên cứu khoa học do cân đo sự chênh lệch thu nhập giữa thù lao công trình khoa học và làm thêm ngoài giờ?
- Nghiên cứu khoa học tạo nên con người nhà khoa học, giúp mở ra những ẩn số của khoa học, để chính mình vượt qua những thất bại trước đây. Hơn thế nữa, nghiên cứu khoa học còn mang đến cho nhà khoa học điều kiện giúp các nhà khoa học đồng nghiệp cùng vượt qua hạn chế của y học.
* Công trình y học nào ông luôn giữ như một kỷ niệm hơn là một thành công?
- Đó là công trình chống trận dịch ngộ độc phấn rôm ở trẻ em năm 1980 khi chỉ trong ba tuần có hơn 3.000 trẻ em đã tử vong. Tôi được bệnh viện yêu cầu nghiên cứu và xây dựng phác đồ xét nghiệm để xác định nguyên nhân ngộ độc nhằm cắt trận dịch. Những năm tháng ấy y học nước nhà còn thiếu thốn, phương tiện điều chế phải tự tìm, tôi cảm thấy không đủ nghị lực và niềm tin để theo đuổi công trình.
Đêm đó, tôi đã đến bệnh viện như để giã từ hơn 3.000 hồ sơ tử vong mà các khoa nhi trong thành phố đưa về, song bước chân tôi đã dừng trước khoa nhi khi nghe tiếng khóc gần không thành tiếng của những đứa trẻ đang hấp hối. Cô y tá lấy máu một em để xét nghiệm, em không còn biết đau để khóc. Đứng trước em, tôi thầm nguyện với em: “Cho tôi mượn syringe máu sau cùng của em, và hứa sẽ trả lại những dòng máu khỏe mạnh cho những em khác. Hãy giúp tôi, em nhé!”.
* Được biết công trình y học đó của ông đã thành công, góp phần dập tắt ngay trận dịch ngộ độc phấn rôm năm ấy. Và với công trình được giới y học đánh giá cao này, ông đã được Nhà nước phong tặng học hàm phó giáo sư vào năm 1992?
- Làm thầy thuốc là thế. Nghề y không phụ bạn nếu bạn sống tâm nguyện vì nghề. Đôi khi niềm vui đơn giản như mỗi năm tết đến, tôi vẫn mong được gặp lại anh Quân, bệnh nhân đầu tiên trong công trình ghép tủy của tôi từ năm 1996 để được biết anh vẫn còn khỏe mạnh.
* Là nhà khoa học và cũng là người thầy trên bục giảng, ông nghĩ gì khi có không ít sinh viên y khoa không mang tình yêu y học lên giảng đường hay vào bệnh viện?
- Trò hư là tại thầy, chưa đáng làm thầy. Người thầy cũng tranh danh đoạt lợi ngay trong khoa thì sinh viên lấy gương đâu để soi? Người thầy không chờ được câu hỏi của sinh viên ở giảng đường vì phải phóng nhanh về phòng mạch, thì sinh viên cũng học được cách tính thiệt hơn một mai khởi sự hành nghề.
* Có không ít bác sĩ tu nghiệp ở các nước chọn ở lại nước ấy hay bác sĩ trong nước chọn điều trị cho bệnh nhân nước ngoài hơn người Việt vì thu nhập cao hơn. Ông nghĩ gì về sự lựa chọn ấy?
- Tôi đã từng học ở Pháp vào cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, song một tai họa xảy đến trên đất Pháp không làm tôi xao lòng bằng một tai nạn nhỏ xảy ra ở quê nhà. Trở về quê Việt vào năm 1972, tôi đã ở lại đây bên những người bệnh quê nghèo chính vì “cuống rốn chưa lìa”. Khi chữa bệnh, tôi không phân biệt màu da hay túi tiền của người bệnh, bởi lẽ tôi chỉ nhìn vào một thứ thù lao: nhân nghĩa tựa thiên kim.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận