16/07/2015 08:09 GMT+7

Di tích...bơ vơ: Bộ sẽ làm việc với các tỉnh để giải quyết

THÁI LỘC ghi
THÁI LỘC ghi

TT - Ông Trần Đình Thành - phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, Bộ VH-TT&DL - phản hồi với Tuổi Trẻ về những trường hợp trong loạt bài Di tích...   bơ vơ (xem Tuổi Trẻ các ngày 13, 14 và 15-7).

Cụm kiến trúc Hải Vân quan trên đèo Hải Vân trong tình trạng lộn xộn, hoang phế   Ảnh: THÁI LỘC
Cụm kiến trúc Hải Vân quan trên đèo Hải Vân trong tình trạng lộn xộn, hoang phế - Ảnh: Thái Lộc
Quan điểm của Bộ VH-TT&DL là nếu tỉnh nào có đủ tài liệu chứng minh trong lịch sử di tích đấy thuộc về tỉnh của mình thì bộ sẽ nghiêng về để xếp hạng cho tỉnh đấy

Ông Thành cho biết:

“Quan điểm của Bộ VH-TT&DL là nếu tỉnh nào có đủ tài liệu chứng minh trong lịch sử di tích đấy thuộc về tỉnh của mình thì bộ sẽ nghiêng về để xếp hạng cho tỉnh đấy. Quan trọng nhất là các tư liệu lịch sử gắn kết với các tư liệu, nhân vật lịch sử liên quan đến tỉnh nào là chính. Điều đó quyết định việc xếp hạng di tích thuộc tỉnh đó quản lý. Còn địa giới hành chính là bước xử lý cuối cùng.

Đối với Hoành Sơn quan thì cả hai tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh đến nay vẫn đang sưu tầm các tài liệu để chứng minh trong lịch sử do tỉnh mình quản lý. Còn Hải Vân quan thì tôi được biết hồ sơ di tích sẽ được trình UBND tỉnh trong vài ngày tới, và tỉnh sẽ trình bộ đề nghị xếp hạng di tích.

Ở đây, nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế chứng minh được Hải Vân quan là tiền đồn kinh đô triều Nguyễn tại Huế, kể cả di tích nằm một phần trên địa phận Đà Nẵng đi nữa, thì bộ cũng sẽ xếp hạng cho tỉnh Thừa Thiên - Huế. Vấn đề đất đai thì bộ sẽ làm việc với hai tỉnh, thành để giải quyết.

Trường hợp của Trường CĐ Sư phạm Đà Lạt, bộ đã công nhận di tích quốc gia và nguồn tin cho biết đang xuống cấp. Từ trước đến nay, di tích của địa phương nào thì trách nhiệm quản lý là của địa phương đấy. Điều này định rõ trong Luật di sản văn hóa.

Trong quyết định xếp hạng di tích bao giờ cũng ghi rõ: UBND tỉnh và địa phương nơi có di tích chịu trách nhiệm quản lý di tích này. Cho nên về mặt kinh phí thì địa phương nào có di tích thì địa phương đó phải bỏ ra.

Trước đây, Bộ VH-TT&DL thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa của Chính phủ, có hỗ trợ kinh phí cho các địa phương tu bổ di tích. Nhưng đến năm 2015 chương trình kết thúc nên nguồn ngân sách để tu bổ di tích là thuộc địa phương.

Bộ VH-TT&DL chỉ quản lý về mặt nhà nước, còn kinh phí để tu bổ di tích do địa phương chịu trách nhiệm chính. Chứ không phải Bộ VH-TT&DL xếp hạng thì trở thành di tích của bộ và bộ phải cấp tiền.

Có ý kiến cho rằng có sự nhập nhằng trong công tác quản lý di tích, tôi cho rằng ý kiến đó không hợp lý. Trách nhiệm của Bộ VH-TT&DL quản lý chung các di sản văn hóa. Còn quản lý trực tiếp các di tích ấy phải là chính quyền địa phương.

Ở các địa phương đều có bộ máy quản lý di tích và hằng năm bộ máy này sẽ đi kiểm tra tất cả di tích xuống cấp của tỉnh mình để đề xuất UBND tỉnh nguồn kinh phí và kế hoạch đầu tư tu bổ, chống xuống cấp các di tích đấy.

Tôi lấy ví dụ, di tích quốc gia làng Phước Tích (Thừa Thiên - Huế) có hai ngôi nhà cổ nằm trong danh mục được xếp hạng bị sụp đổ chẳng hạn, thì trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Song, tôi cũng được biết các tỉnh và thành phố bao giờ cũng quản lý chặt chẽ những đối tượng của mình, có kế hoạch cấp kinh phí hoặc hỗ trợ kinh phí trong việc tu bổ di tích.

Thực tế trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay, kinh phí để phục vụ đầy đủ cho hoạt động bảo vệ và tu bổ di tích là không đủ. Cho nên hằng năm các tỉnh đều xây dựng kế hoạch, di tích nào đang xuống cấp nặng nề cần phải ưu tiên đầu tư bảo tồn trong năm đấy, di tích nào thì năm tiếp theo...”.

THÁI LỘC ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Di tích bơ vơ di tích