Phóng to |
Di tích Phố Hiến |
Các di tích ở thị xã Hưng Yên gắn liền với lịch sử của thương cảng Phố Hiến một thời nhộn nhịp với “thượng chí Tam Đằng, hạ chí Tam Hoa”.
Đầu thế kỷ 13, nơi đây mới xuất hiện làng Hoa Dương (làng người Hoa đời nhà Tống lánh nạn Nguyên - Mông). Đến thế kỷ 17 dưới thời Lê - Trịnh, đã trở thành Phố Hiến với cảng sông Vạn Lai Triều tấp nập tàu thuyền ngoại quốc ra vào buôn bán. Bia chùa Hiến dựng năm Vĩnh Tộ thứ 7 (1625) có ghi “Hiến Nam danh thị tứ phương đô hội tiểu Tràng An dã” (Phố Hiến là tiểu Tràng An bốn phương tụ hội).
Trong tổng số hơn 800 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh, thị xã Hưng Yên có 17 di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng quốc gia và bốn di tích lịch sử được xếp hạng cấp tỉnh. Nơi đây hiện diện của nhiều loại hình kiến trúc, nghệ thuật như: đình, chùa, đền, miếu... được xây dựng hàng trăm năm nay phần lớn còn giữ nguyên vẹn nét kiến trúc hoa văn nghệ thuật cũng như nhiều hiện vật, di vật, những nét điêu khắc, chạm trổ tiêu biểu của niên đại này.
Bên cạnh những đặc điểm chung với nhiều đình làng thuộc vùng châu thổ đồng bằng Bắc bộ, đình, chùa ở thị xã Hưng Yên còn có nhiều nét đặc trưng riêng biệt về diện tích, qui mô và vẻ đẹp độc đáo, đã có nhiều nhà nghiên cứu đến tìm hiểu ở nhiều góc độ: lịch sử, văn hóa, nghệ thuật... Các di tích đền, chùa của thị xã Hưng Yên đã góp phần tạo nên sự phong phú, độc đáo cho hệ thống di tích của tỉnh.
Đại đức Thích Thanh Khuê, trụ trì chùa Chuông - một di tích có kiến trúc đẹp và khá đặc sắc ở phường Hiến Nam, cho biết: “Chùa Chuông có tên chữ là “Kim chung tự”, một trong những di tích tiêu biểu trong quần thể di tích Phố Hiến đã được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa - kiến trúc nghệ thuật năm 1992. Nép đẹp của chùa Chuông chính là ở bố cục cân đối, nhịp nhàng, kiến trúc tổng thể theo kiểu “nội công ngoại quốc liên hoàn”.
Từ ngoài vào là tam quan, kiến trúc chồng diêm hai tầng tám mái. Qua cầu đá và khoảng sân đến nhà tiền đường, thiên hương, thượng điện. Hai bên có hai dãy hành lang, phía cuối là lầu chuông, lầu khánh, nhà tổ và hai dãy tả hữu vu. Trong chùa có hệ thống tượng phật phong phú như bộ Tam thế, Di đà tam tôn, tượng cửu long... Nổi bật là tám tượng kim cương, 18 vị La hán, bốn tượng Bồ tát... Trong chùa có nhiều di vật như: hoành phi, câu đối, đồ thờ, bia đá, trong đó có bia “Kim chung thạch tự bi ký” dựng năm Vĩnh Thịnh thứ 7 (1711) mô tả vị trí, cảnh quan chùa và ghi danh những người công đức tu tạo”.
Đền Mẫu nằm trên địa bàn phường Quang Trung, thị xã Hưng Yên. Đây là một trong những danh lam thắng cảnh đẹp nhất của Phố Hiến. Bên phải đền là hồ Bán Nguyệt: “Bán Nguyệt hồ tiền nguyên thị hải/Nhất Bình Đẩu ngoại cánh vô sơn” (nghĩa là: Ngoài ngọn Đẩu ra không có núi/Xưa hồ Bán Nguyệt vốn là khơi), phía trước là sông Hồng.
Xung quanh đền được bao bọc bởi những tán cây râm mát quanh năm, đặc biệt là ba cây cổ thụ đa - si - xanh có niên đại khoảng hơn 700 năm tạo ra cảnh trí thâm nghiêm huyền bí. Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Quang Trung - trưởng ban quản lý di tích đền Mẫu - cho biết: “Đền Mẫu được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1992. Qua biến cố của thời gian, một số hạng mục của di tích đã bị hư hỏng, xuống cấp, được Bộ Văn hóa - thông tin quan tâm đầu tư cả kinh phí lẫn thợ lành nghề về trùng tu, tôn tạo qua hai đợt và di tích được khôi phục hoàn thiện, khang trang như hiện nay.
Lễ hội đền Mẫu ngày càng được nhân dân trong tỉnh và khách thập phương quan tâm. Trung bình mỗi tháng đền Mẫu đón khoảng 1.500 lượt khách về thăm quan và dâng hương, đặc biệt trong những dịp lễ hội. Khách thập phương chủ yếu ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An... thậm chí có cả du khách nước ngoài và Việt kiều. Ngoài yếu tố về tâm linh, du khách đánh giá rất cao về công tác tổ chức, phong cảnh, tình hình anh ninh trật tự ở đền Mẫu nói riêng và các di tích khác trên địa bàn thị xã Hưng Yên”.
Nhiều năm nay, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, sự đóng góp và hỗ trợ của nhân dân, nhiều di tích của thị xã đã được tập trung đầu tư. Nhiều địa phương trên địa bàn thị xã đã chủ động kêu gọi, huy động nguồn đóng góp từ nhân dân bằng nhiều hình thức vận động khác nhau. Trong năm 2007, thống kê xã hội hóa nguồn vốn đầu tư sửa chữa, trùng tu các di tích trên địa bàn thị xã lên tới hơn 700 triệu đồng cho các di tích đã xếp hạng và chưa xếp hạng, như: đền Mẫu, đền Trần...
Lễ hội dân gian Phố Hiến năm nay là chương trình "khởi động" của hệ thống các hoạt động chào mừng sự kiện thị xã Hưng Yên trở thành thành phố thuộc tỉnh sẽ diễn ra vào khoảng nửa cuối năm 2008 này. Kết quả của hoạt động xã hội hóa các di tích thời gian qua sẽ là tiền đề thực hiện chủ trương phát huy các giá trị của di tích trong tổng thể các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội địa phương. |
Trước mắt là gắn kết các dự án du lịch tour, du lịch sinh thái với hoạt động tham quan di tích, hành hương về các lễ hội của du khách. Đồng thời, đây cũng là dịp đánh giá, khẳng định vai trò của các di tích, lễ hội trong đời sống tinh thần của người dân, trên cơ sở đó các cấp chính quyền, ngành chức năng cũng sẽ có những giải pháp kịp thời, đồng bộ trong việc bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận