![]() |
Mối hận mất nước từ bao thế hệ cha ông giờ đây đã thành sức mạnh vô biên, kết hợp thành lực lượng, góp phần quan trọng cho sự nghiệp cứu quốc.
Đây là bằng chứng hùng hồn về tinh thần yêu nước của dân tộc ta, trong đó có những người Việt tha hương và có lẽ từ đó nội hàm ngữ nghĩa của danh xưng Việt kiều yêu nước đã được xác lập.
Cách mạng Tháng Tám thành công, chưa đầy một tháng, thực dân Pháp đã nổ súng gây hấn ở Sài Gòn, tập trung đánh chiếm Nam bộ để làm bàn đạp đánh ra Trung Bắc như hồi cuối thế kỷ 19. Nam bộ trở thành tiền tuyến của cả nước. Trước tình hình đó, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi hi sinh tất cả vì mặt trận miền Nam.
Các tỉnh miền Bắc và Bắc Trung bộ, trong một thời gian ngắn, đã tổ chức các đơn vị bộ đội Nam tiến. Và đông đảo Việt kiều từ Lào, Thái Lan cũng đã tập họp thành đội ngũ băng núi vượt sông trở về nước tham gia kháng Pháp. Đây là sự kiện đặc biệt, chưa từng có trong lịch sử của cộng đồng Việt kiều hải ngoại.
1. Cộng đồng Việt kiều ở Lào và Thái Lan hình thành từ các đợt di dân khác nhau. Đầu tiên là lực lượng quan binh của Nguyễn Ánh bị Tây Sơn truy kích chạy sang lập bản ở ngoại ô Bangkok vào cuối thế kỷ 18. Sau đó, dưới thời nhà Nguyễn, một số giáo dân công giáo do chính sách cấm đạo đã di cư sang Lào rồi sang lập nghiệp ở vùng đông bắc Thái Lan.
![]() |
Khu lưu niệm Bác Hồ ở Nakhon Phanom, Thái Lan |
Đợt thứ ba, sau khi các cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Việt Nam Quang Phục Hội thất bại, các chiến sĩ phải trốn sang Thái Lan để tránh sự bắt bớ của thực dân Pháp.
Đợt thứ tư là vào năm 1930-1931, sau khi Xô Viết Nghệ Tĩnh bị dìm trong bể máu. Nhóm Việt kiều này là đảng viên, quần chúng cách mạng.
2. Do các đợt ly hương khác nhau nên mức độ hội nhập cộng đồng văn - xã bản xứ có khác nhau. Cách mạng Tháng Tám ở VN thành công, cách mạng Lào thắng lợi đã làm sống dậy phong trào yêu nước vốn tiềm ẩn trong cộng đồng lưu dân Việt ở đây, những cơ sở Việt kiều đã đưa các thanh niên yêu nước ra nước ngoài và rước các nhà ái quốc về nước.
Lớp đầu, nổi bật là cụ Đặng Thúc Hứa (Cố Đi) - người có công xây dựng những tổ chức cách mạng đầu tiên trong cộng đồng Việt kiều ở Thái Lan. Đây là những cơ sở quan trọng trong việc tiếp đón, đưa đường, nuôi dưỡng và đào tạo cán bộ cho phong trào cách mạng trong nước như Duy Tân Hội, VN Quang Phục Hội. Sau năm 1909, tổ chức Đông Du bị giải tán, Phan Bội Châu bị Nhật trục xuất đã sang Thái Lan hoạt động.
![]() |
Ở Lào, phong trào Việt kiều cũng phát triển song song với phong trào Việt kiều ở Thái Lan. Từ sau 1930, Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, các đảng viên Lào - Việt cùng sát cánh bên nhau, lãnh đạo nhân dân đấu tranh cách mạng.
3. Tháng 5-1941, ở trong nước Đảng chủ trương thành lập Việt Nam Độc lập đồng minh, ở Lào lập Ai Lao Độc lập đồng minh, ở Campuchia lập Cao Miên Độc lập và Thái Lan hình thành các hội Việt kiều kháng Pháp - chống Nhật dưới sự lãnh đạo chung của Tổng hội Việt kiều. Điều thuận lợi là năm 1944, những người yêu nước Thái Lan thành lập Đảng Thái tự do (Serithay) chủ trương chống Nhật, lập chiến khu ở Sakon. Giờ đây, phong trào yêu nước của Việt kiều và của nhân dân Thái Lan cùng chung mục đích đánh đuổi phát xít Nhật.
Các nhà lãnh đạo Serithay rất gắn bó và ủng hộ hoạt động của Việt kiều. Nhờ đó, Việt kiều đã thành lập chiến khu Sakon (nằm ở chân núi Phuphan, tỉnh Sakon), tổ chức lực lượng vũ trang lấy tên là “Việt Nam độc lập quân”. “Việt Nam độc lập quân” đã phối hợp với nhân dân Lào làm tổng khởi nghĩa giành độc lập cho đất nước Lào. Sau Cách mạng Tháng Tám, lực lượng vũ trang của Việt kiều lấy tên “Việt kiều giải phóng quân”.
Đầu tháng 9-1945, thực dân Pháp quay trở lại cướp nước Lào lần nữa, đánh vào Savannakhẹt và tiến chiếm Thakhẹt rồi Viêng Chăn. Đến giữa năm 1946, có đến 6 vạn Việt kiều của ba tỉnh Viêng Chăn, Thakhẹt và Savanakhẹt đã tản cư sang Thái Lan.
4. Chính phủ Thái Lan do Pridi Phanom Yông, thuộc phong trào Serithay (Thái tự do) lãnh đạo, đã giúp đỡ tích cực cho Việt kiều được làm ăn sinh sống. Lúc thực dân Pháp được Anh tiếp sức, tái chiếm Đông Dương, đại diện Tổng hội Việt kiều xin phép nhà cầm quyền Thái Lan mở những khu huấn luyện, xây dựng bộ đội.
Bộ đội độc lập (Hải ngoại I) lập chiến khu ở Battambang vào cuối năm 1945 (lúc đó Battambang còn thuộc Thái Lan); tháng 8-1946 về nước chiến đấu ở Quân khu 7.
Bộ đội Quang Trung (Hải ngoại II) lập chiến khu ở Tippoday (Battambang) vào tháng 10-1946; về đến kênh Vĩnh Tế (An Giang) ngày 5-1-1947.
Tiểu đoàn hải ngoại Cửu Long II (Hải ngoại III) lập chiến khu ở Pratt Poong (huyện Sarakeo, tỉnh Prachim Buri); ngày 7-11-1947 xuất quân về nước, hành quân từ biên giới đông nam Thái Lan xuống tây nam Campuchia, về đến Hà Tiên hết 25 ngày đêm. Về nước, tiểu đoàn đứng chân ở Thới Bình, hoạt động tác chiến vùng Bạc Liêu - Cà Mau. Bộ đội Hải ngoại Cửu Long II trở thành đơn vị chủ lực của Khu 9 lúc bấy giờ với những trận thắng vang dội: diệt đồn Tắc Vân (Giá Rai), đồn Ruộng Muối Evrak (Bạc Liêu), đồn Ngã Năm (Sóc Trăng), và bẻ gãy nhiều cuộc càn quét của giặc ở Tân Lộc - Tân Lợi (Cà Mau), ở ngã ba Chợ Hội (Cà Mau), ngã tư Vĩnh Hưng (Hồng Dân)...
Chi đội Trần Phú (Hải ngoại IV) thành lập ở chiến khu Um-kè-noòng-hơi vào cuối năm 1946. Sau bốn tháng luyện tập, chi đội hơn 400 người vượt dãy núi Đăng-rêch qua Campuchia hành quân hướng về phía đông nam để vượt sông Mekong tìm đường về nước. Hơn 60 ngày đêm, hết lội sông băng rừng cố tránh đụng độ với giặc, chi đội về đến Tây Ninh ngày 27-2-1947. Sau ba ngày đóng quân ở Trà Vông, chi đội tiếp tục hành quân về ấp Ràng (An Tịnh, Củ Chi) rồi vượt sông Vàm Cỏ Đông đến Giồng Dinh. Tại đây, chi đội đã đánh thắng giòn giã hai trận đầu tại Giồng Dinh và Giồng Thổ Địa, bẻ gãy âm mưu đánh úp Bộ tư lệnh khu 7 của giặc Pháp.
Sau đó, chi đội được bố trí về hoạt động ở Sa Đéc (khu 8), bao gồm vùng Cao Lãnh, Châu Thành, Lai Vung, Lấp Vò. Trong ba năm hoạt động, chi đội vừa chiến đấu vừa làm công tác vũ trang tuyên truyền, xây dựng cơ sở ở những vùng tạm chiến. Thành tích chiến đấu: đột nhập thị xã Sa Đéc (l8-5-1947), trận Chân Đùng (Chợ Mới): diệt một tiểu đoàn lê dương, phục kích trên sông Cái Tàu (bắn chìm tàu kéo: thu nhiều quân trang của địch và giải thoát 100 người dân bị địch chở đi thủ tiêu), phục kích diệt sáu xe địch ở Sa Đéc - Vĩnh Long, chặn đánh bọn dân xã phản động tại rạch Khoán Tiết, An Trường, Mỹ Thuận...
Trong quá trình chiến đấu, chi đội được bổ sung hàng trăm thanh niên, con em của nhân dân Sa Đéc và từ đây cũng đã điều động cán bộ, chiến sĩ tăng cường cho các đơn vị địa phương, góp sức thành lập tiểu đoàn chủ lực 307 của Khu 8.
Tài liệu tham khảo chính:
- Thiếu tướng Lê Quốc Sản: Chi đội Hải ngoại IV (chi đội Trần Phú), NXB Tổng Hợp Đồng Tháp, 1989.
- Lê Quốc Sản: Chi đội Hải ngoại IV, trong Mùa thu rồi, tập 2, NXB Chính Trị Quốc Gia, 1986, tr 247-258.
- Đào Mạnh Duê: Tiểu đoàn Hải ngoại Cửu Long II, trong Mùa thu rồi, tập 2, tr 259-268.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận