07/01/2009 17:01 GMT+7

Đi thăm núi lửa và người Maori ở New Zealand

NAM HẢI (Theo tạp chí Đức)
NAM HẢI (Theo tạp chí Đức)

TTO - Thuở xưa chị Hằng Nga trong một lần bị bệnh đã xuống tắm nước suối ở Rotorua và nhanh chóng khỏi bệnh. Từ đó chị luôn tươi cười và tỏa sáng khắp nơi trên thế gian. Những truyền thuyết như thế của người Maori có rất nhiều, cho mọi vùng của đất nước New Zealand.

jnN9ilfC.jpgPhóng to
Đảo bạc

Đặc biệt vùng đất giữa Rotorua và Taupo trên Bắc Đảo (North Island) có vô vàn những truyền thuyết, thần thoại và cổ tích của người dân bản địa nơi đây, những người đến lập nghiệp trên hòn đảo này còn trước người châu Âu rất lâu.

New Zealand là một đất nước trẻ, năng động trên mọi phương diện, không chỉ vì nó là nước cuối cùng trên thế giới được phát hiện mà trên phương diện địa chất thì sự phát triển và hình thành của nó cũng khá mới mẻ.

Đặc biệt là Bắc Đảo về mặt kiến tạo khá giống một cái nồi hơi của mụ phù thủy. Dưới lòng đất của New Zealand vỏ trái đất đang sôi sùng sục. Ở đây bề mặt trái đất dưới lòng Thái Bình Dương đang sụt dần và nó xô đẩy xuống phía dưới lục địa châu Úc. Đó là nguyên nhân của các trận động đất cũng như những trận phun nham thạch của núi lửa nơi này.

EazBCPfT.jpgPhóng to
Hồ Taupo

Ở vùng giữa Rotorua, Taupo và Tongariro không chỉ có núi lửa mà còn có những khu suối nước nóng với những cột nước nóng phun lên từ dưới lòng đất hay những lỗ phun khí fum aron (fumarole) rồi những hố bùn đang sôi lục bục hoặc những hồ/nguồn nước nóng. Đó là những trò chơi thiên nhiên thật ấn tượng mà các nhà địa chất gọi chúng là những hiện tượng/báo hiệu trước khi núi lửa phun nham thạch.

Con đường nối liền các địa điểm trên được gọi là "Thermal Explorer Highway", song người ta cũng có thể gọi chúng là "con đường tới địa ngục“ (highway to hell), bởi vì cách Rotorua 12km về phía đông bắc là Cổng vào địa ngục (hell’ gate) - với diện tích 4ha địa ngục này là khu suối nước nóng lớn nhất cả vùng.

Thị trấn Taupo bên bờ hồ cùng tên cũng cực kỳ ấn tượng: mùi lưu huỳnh sặc sụa luôn túc trực nơi này, những đụn khói làm nhòa đi tất cả và trên mặt đất từ những lỗ hổng luôn phụt lên những cột hơi nước ngay bên cạnh con đường chính.

zyW4XGrF.jpgPhóng to
Hơi lưu huỳnh khắp nơi

Một trong những khu suối nước nóng đẹp nhất của đảo bắc là Orakei Korako ở "Hidden Valley", một thung lũng nằm cách thị trấn Rotorua 70km về phía nam. Trên đường cao tốc "Thermal Explorer Highway" (quốc lộ số 5) đến Golden Springs rẽ về hướng tây đi trên một con đường nhỏ là bạn sẽ đến tận nơi. Cuối con đường này là quán cà phê bên bờ hồ Ohakuri. Với một chiếc thuyền chỉ 5 phút sau bạn đã đến được nơi bạn muốn đến.

Orakei theo tiếng của người Maori có nghĩa là "nơi trang điểm". Những hồ bơi mầu sắc sặc sỡ có chứa muối khoáng là nơi những già làng Maori dùng để làm Wellness-Center cũng như là nơi để trang điểm.

Trong khoảng hai giờ đi bộ trên những con đường được làm khá tốt bạn sẽ đến với những hố bùn đang sôi lục bục mà những mép hố ánh lên những mầu sắc cầu vồng rực rỡ được tạo nên nhờ SiO2 (dioxit silic). Bên cạnh đó du khách còn được chiêm ngưỡng những Campagne-Pools (bể bơi sủi bọt như rượu champagne) hay những ruộng bậc thang ánh lên một mầu trắng như tuyết. Tất cả nằm gọn trong một thung lũng xanh với những cây dương xỉ màu bạc - chúng được gọi là Pongas và đã trở thành một trong những biểu tượng của New Zealand.

vaHXYy0u.jpgPhóng to
Hố bùn sôi lục bục

Với người Maori thì cây dương xỉ là biểu tượng sự bắt nguồn của cuộc sống. Chồi non của cây dương xỉ được gọi là "Koru", còn là biểu tượng của sức mạnh, sự phát triển cũng như của tương lai và cũng làm rõ sự cảm thụ cuộc sống của người dân New Zealand.

Lá cây dương xỉ vừa mới xòe ra bạn có thể nhìn thấy khắp nơi, có khi ngay trên mặt của người Maori khi họ dùng nó làm Tatoo trên mặt. Chúng còn được dùng làm motive trong các tác phẩm nghệ thuật tạo hình cũng như dệt cửi, và trên mỗi chiếc máy bay của Hãng hàng không Air New Zealand cũng có gắn biểu tượng này.

Du khách có thể tự do đi lại ở Orakei Korako mà không cần người hướng dẫn. Nhưng bạn chỉ nên đi trên những con đường đã được vạch sẵn và nên chú ý và chấp hành những bảng hiệu cấm. Khắp nơi ở đây nước sôi sùng sục và chỉ cần nhẹ dạ một tí là bạn có thể bị luộc chín.

Lỗ phun nước mang tên Kim cương nằm ngay đoạn đầu của vòng tham quan phụt lên không trung những cột nước sôi cao đến 8m, có khi liên tục trong nhịp điệu vài phút một, nhưng có khi theo nhịp điệu tính theo giờ/ngày, tùy từng thời điểm. Nước bắn lên tạo thành những hạt nhỏ li ti, dưới ánh nắng mặt trời lấp lánh như những hạt kim cương.

SG5bU28G.jpgPhóng to
Cột nước nóng

Con đường mà bạn có thể đi tham quan sẽ dẫn đến một hồ bơi mà lúc thì có màu da cam hay nâu nhưng cũng có lúc lại ánh lên màu xanh và vàng. Cuối cùng con đường này sẽ dẫn bạn đến hang Ruatapu mà dưới đó là cội nguồn của suối nước khoáng nóng Waiwhakaata từ dưới lòng đất chảy ra.

Chuyện kể rằng ai nhúng bàn tay trái của mình xuống dòng nước khoáng nóng này và mong ước một điều mình muốn thì mong muốn đó sẽ thành sự thật. Lượng axit trong nước cũng như thành phần khoáng tạo cho nó sự hữu ích. Nước này có thể làm sạch đồ trang sức rất tốt. Một chiếc nhẫn ngâm 5 phút trong nước này sau đó cọ nhẹ sẽ lại lấp lánh như lúc còn mới.

Bên cạnh thiên nhiên hoành tráng thì con người nơi đây cũng thật đáng yêu, điều này càng làm cho du khách thêm thích thú khi đến New Zealand. Người dân ở đây có thể sẽ mời bạn về nhà chơi, mời bạn những món ăn ngon nhất và rót cho bạn những chén rượu đầy mặc dù bạn chỉ là du khách đến đây tham quan.

Người dân New Zealand rất mến mộ khách du lịch đã bỏ công bay hàng chục giờ, nhiều khi bay cả ngày để đến thăm đất nước họ. Với diện tích xấp xỉ diện tích Việt Nam nhưng họ chỉ có 4 triệu dân, đất rộng nên con người rất phóng khoáng và lòng hiếu khách của họ lại tỉ lệ nghịch với số dân nơi này. Cũng giống như dân Irland, người dân New Zealand rất thích nói chuyện về thời tiết, về trận bão vừa mới qua đi hay về trận sạt đất mới nhất vừa xảy ra.

Quan trọng hơn cả thời tiết ấy là rugby. Môn thể thao này được người New Zealand cực kỳ yêu thích. Cầu thủ nào được gọi vào đội tuyển quốc gia ở môn này đều được coi là người hùng. Người New Zealand không chỉ yêu đội tuyển All Blacks mà còn yêu mến và tự hào về đất nước tươi đẹp của họ.

Với sự hài hước vốn có, họ đã và sẽ vượt qua mọi bão tố, lũ lụt hay động đất. Mặt khác họ cũng luôn biết hưởng thụ cuộc sống với thiên nhiên cũng như cuộc sống trong từng gia đình mà sự gắn kết giữa các thành viên là rất quan trọng.

Điều này dẫn đến hệ quả là nhiều cửa hàng đã đóng cửa từ 5 giờ chiều. Thay bằng ngồi trong cửa hàng để bán hàng, chủ cửa hàng lại lôi ủng ra để lội xuống sông câu vài con cá. Dân New Zealand mê câu cá đến độ điên cuồng.

uyOFEtQt.jpgPhóng to

Hồ Taupo cũng như những con sông đổ về đây là một trong những nơi lý tưởng nhất thế giới để câu cá. Hằng năm có hơn 100.000 con cá đã được câu ở hồ Taupo. Theo lời kể thì có những con cá to đến mức khi người câu kéo cá lên khỏi mặt nước thì nước hồ rút hẳn một đoạn.

Còn du khách nào muốn nhảy nhót trên núi lửa vẫn đang hoạt động thì hãy đến White Island. Hòn đảo này nằm trong vịnh Bay of Plenty, cách Whakatane 50km về phía đông bắc và là hòn đảo duy nhất còn có núi lửa hoạt động. Ở đây du khách sẽ có cảm giác như đang ở một hành tinh khác.

dvg1fQY7.jpgPhóng to
White Island

Một hòn đảo không hề có hệ thực vật, bù vào đó là một thế giới toàn những vũng bùn đang sôi lục bục, những ngọn núi lưu huỳnh màu vàng và một miệng núi lửa cực kỳ hoành tráng mà bên trong nó nước màu xanh đang sôi sùng sục. Một hòn đảo hoang sơ, bí hiểm - nhưng cũng là một địa điểm cực kỳ lý thú và ấn tượng, nơi người ta có thể nhìn lại quá khứ của trái đất từ thời tiền sử.

Bất kể lúc nào núi lửa cũng có thể phun ra tro, sỏi đá và nham thạch, từ xa đã nhìn thấy những đụn khói vươn lên bầu trời làm mờ đi hòn đảo thú vị này.

Ngày ngày có hàng trăm đợt động đất được ghi lại, may thay phần lớn chúng chỉ là những trận động đất có cường độ rất nhỏ nên chỉ có máy móc mới ghi lại được chứ con người không thể nhận biết.

White Island không vì thế mà chỉ dành cho những nhà núi lửa học hay các nhà khoa học mà bất kể du khách nào cũng có thể đến phố cảng Whakatane và đặt một chuyến tàu thăm đảo. Nhưng trước khi được lên đảo du khách nhất thiết phải đội mũ bảo hiểm và được phát một mặt nạ chống khí độc. Thật ra lần cuối cùng núi lửa ở đây phun nham thạch đã cách đây bảy năm, nhưng ai mà biết được thiên nhiên định chơi trò gì tiếp theo?

NAM HẢI (Theo tạp chí Đức)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên