30/06/2012 01:01 GMT+7

Đi qua những ngày mưa

SA KHA (TP.HCM)
SA KHA (TP.HCM)

AT - Lớp luyện thi đại học buổi tối chật cứng và nóng hầm hập. Hơi nóng từ cơ thể của hơn một trăm sĩ tử chen chúc nhau trong căn phòng chỉ rộng chừng hai mươi mét vuông, cùng cái nắng oi ả của những ngày đầu hạ khiến mồ hôi của chúng tôi không ngừng chảy ròng ròng. Tôi đến trễ và ngồi vào vị trí quen thuộc ở bàn cuối.

ezIRrDJV.jpgPhóng to
Minh họa: Nguyễn Thanh

Lúc nào cũng vậy. Luôn là tôi - đến trễ - và chiếc bàn cuối nằm đó như đợi sẵn. Thật ra tôi thích chiếc bàn này, dù hơi khó quan sát những gì giáo viên đang viết trên bảng nhưng bù lại, nó giúp tôi không bị chú ý bởi tụi học sinh lớp 12 đang chăm chú nghe giảng và hí hoáy ghi chép. Đã bao lần tôi nhìn chúng mà thấy chạnh lòng. Năm học lớp 12 của tôi đã trôi qua cách đây một năm, nhưng sự hối tiếc của tôi thì nhiều hơn thế. Năm ngoái, tôi đã bỏ thi đại học để chạy theo một thứ mà trái tim ngu ngốc và non nớt của tôi gọi là “tình yêu”.

Bây giờ nhớ lại, tôi vẫn cảm giác như cái ngày nhiều mưa gió ấy chỉ vừa mới xảy ra hôm qua thôi. Tôi không nghĩ là mình có thể đứng dậy và bước tiếp, vậy mà tôi vẫn đang bước tiếp, dù là bước trong câm lặng. Đã một năm nay tôi không biết đến nụ cười. Tôi chọn cho mình cách sống lặng lẽ như một chiếc bóng. Ban ngày đi làm thêm để trang trải việc học, tối đi luyện thi rồi trở về trong căn phòng trọ nhỏ bé chật chội của mình. Tôi luôn ngồi ở chiếc bàn cuối. Tôi luôn đứng đằng sau đám đông. Tôi khoác lên cho mình bộ mặt khó chịu và đáng ghét nhất, thầm mong mọi người sẽ tránh xa mình. Vậy mà có những lúc nhìn tụi học sinh lớp 12 cười đùa tíu tít với nhau, tôi bất giác rơi nước mắt. Chẳng hiểu sao thằng nhóc ngồi bàn trên lại phát hiện ra, nó cứ quay xuống nhìn tôi chằm chằm. Tôi quẹt mắt, tảng lờ như không nhìn thấy nó. Nhưng nó vẫn không chịu buông tha cho tôi. Bực mình, tôi gắt lên:

- Nhóc con, nhìn cái gì? Bụi bay vào mắt thôi!

Thằng nhóc lại tiếp tục mở tròn đôi mắt vốn đã rất to của nó ra.

- Ơ, sao bạn lại gọi mình là nhóc con? Mình là Khoa. Mà không phải chỉ một mình mình đang nhìn bạn đâu. Thầy cũng đang nhìn bạn kìa!

Tôi hoảng hồn ngẩng mặt lên. Thì ra nãy giờ mãi suy nghĩ bâng quơ mà tôi đã không nghe thấy câu hỏi của thầy giáo. Thầy đứng trên bục, chỉ xuống phía tôi, vẻ mặt hơi nhăn nhó.

- Bạn ngồi bàn cuối! Sao nãy giờ tôi hỏi mà không trả lời? (Sin2x – cos2x + cos2x): tanx bằng bao nhiêu?

Tôi đứng bối rối một hồi lâu, á khẩu.

Sài Gòn mùa này đỏng đảnh như một thiếu nữ mới vào yêu. Đang nắng, trời bỗng nhiên đổ mưa như trút nước. Tôi đứng co ro ở trạm chờ xe buýt, người run lên vì lạnh. Bên kia đường, phụ huynh đi đón con xếp hàng dài ở cổng trường, những chiếc ô và những chiếc áo mưa đủ màu sắc bay phấp phới trong gió, gợi lên một cái gì đó rất ấm áp. Những cô cậu học sinh ùa ra, leo tót lên xe, chui vào áo mưa sau lưng ba mẹ, ánh mắt rạng ngời. Cách trạm xe buýt không xa, trong một nhà hàng Ý sang trọng, mùi pizza tỏa ra thơm lừng. Tôi xoa xoa vào bụng, chợt nhận là mình đang đói. Rời quê nhà vào Sài Gòn để ôn thi lại, đã một năm nay tôi quen với những ổ bánh mì nguội lạnh và những bữa cơm sơ sài, vội vã. Khỉ thật, mắt tôi lại đang nhòe đi. Tại khung cảnh xung quanh gợi lên điều gì đó rất thân thuộc của gia đình, hay tại cơn mưa chiều nay đã vô tình đụng chạm đến một vết thương sâu kín của lòng tôi?

Ngày tôi quen anh cũng là vào một buổi chiều mưa như thế này. Anh là một nghệ sĩ du ca, năm đó anh về làng tôi biểu diễn. Không may, hôm đó trời đổ mưa rất lớn, khán giả kéo về gần hết, vậy mà không hiểu sao tôi vẫn ở lại cho đến tiết mục cuối cùng. Tôi thích giọng hát của anh, thích cách anh say sưa gảy cây đàn ghita màu huyết dụ, thích cách anh hất mái tóc bồng bềnh qua một bên và mỉm cười ở cuối mỗi bài hát. Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, anh bất ngờ tiến xuống sân khấu, mang đến cho tôi một chiếc ô. Anh cười bảo: “Tặng cho khán giả trung thành nhất!”. Đêm đó, chúng tôi đã cùng nhau đi dạo tới khuya trong cơn mưa, dưới chiếc ô của anh. Cô bé mới lớn là tôi như bị chuốc say bởi vẻ lãng tử và ánh mắt sâu thẳm như một hồ nước bí ẩn của anh. Sau này nhìn lại, tôi tự hỏi có phải vì mắt anh sâu quá nên trí óc nông cạn của tôi đã không tài nào nhìn thấu được nó?

Rồi cũng đến ngày anh phải theo đoàn chuyển đến tỉnh khác biểu diễn. Anh muốn tôi đi cùng và tôi đã đồng ý. Thật khó khăn để đưa ra quyết định đó nhưng vào thời điểm ấy, tôi đã nghĩ rằng “hi sinh” cho “tình yêu” là một điều gì đó rất hay ho, y như trong tiểu thuyết ấy! Và thế là vào một buổi chiều dông gió ảm đạm, tôi lén gia đình đội mưa ra đi, bỏ lại sau lưng ánh mắt đau đớn của cha mẹ và kì thi quan trọng nhất của đời học sinh. Tôi sẽ nhớ mãi buổi chiều hôm ấy, ở bến xe có một cô gái cứ đứng mãi dưới cơn mưa với túi hành lý trên vai. Cô ta cứ đợi, đợi mãi, như một con ngốc…

Người ta nói anh đã đi cùng một cô gái khác cách đó vài tiếng…

- Này bạn, vẫn chưa bắt được xe buýt à?

Mãi miên man với dòng suy nghĩ, tôi giật mình nhận ra giọng nói của ai đó vang lên bên tai mình. Là thằng nhóc ngồi ở bàn trên trong lớp luyện thi! Nó đang cầm chiếc ô che cho tôi, miệng cười tươi hơn cả hoa.

- Lúc nãy thì lơ ngơ trước câu hỏi của thầy, bây giờ lại đứng một mình dưới mưa, bạn có vẻ thuộc tuýp người lãng mạn nhỉ?

Tôi không cười vì câu nói đùa vô duyên của nó. Tôi chỉ đang nghĩ thằng nhóc kia làm cái quái gì ở đây với chiếc ô ngớ ngẩn của nó? Tôi không thích ai che ô cho mình cả, nó khiến tôi nhớ đến một ký ức mà tôi đang muốn xóa nhòa. Dường như khi một đứa con trai che ô cho một đứa con gái thường sẽ là khởi nguồn cho mọi rắc rối và ngu ngốc về sau của hai đứa. Và nữa, thằng nhóc này cũng có ánh mắt sâu thẳm mà tôi căm ghét. Ánh mắt làm cho người đối diện không tài nào hiểu được chủ nhân của nó đang nghĩ gì.

- Sao thế? Sao bạn cứ nhìn vào mắt mình hoài vậy?

Rồi nó bắt đầu nheo nheo mắt làm ra vẻ ngạc nhiên. Điệu bộ của nó giống hệt như anh ngày xưa.

Tôi chui ra khỏi chiếc ô của nó và bỏ chạy, sau khi để lại một câu nói cộc lốc “Cóc cần!”.

Thằng nhóc chắc là đang ngơ ngác lắm…

Tôi trở về phòng trọ, người ướt sũng. Kế đó là trận ốm năm ngày đã đánh gục hoàn toàn mọi sức lực của tôi. Ngày ốm dậy, đi đến chỗ làm thêm, tôi hay tin mình đã bị đuổi việc. Lếch thếch đi trên phố, tôi tự hỏi còn điều quái nào tồi tệ hơn thế này đang chờ đợi mình ở phía trước? Thất tình. Bị đuổi việc. Lang thang nơi đất khách. Việc học cũng không mấy khả quan. Một cô gái mười chín tuổi có thể làm gì để chống chọi lại ngần ấy thứ? Không gì cả. Phản ứng duy nhất của cô ta là ngồi bệt xuống vệ đường, thẫn thờ như một kẻ mất hồn, để mặc cho những bánh xe của một chiếc xe tải đi ngang qua tạt một vệt nước bẩn đen thui vào mặt từ những vũng nước mưa còn đọng lại trên lòng đường. Chiếc xe đi qua, cô ta vẫn ngồi đó, cô độc và thảm hại…

Rồi tôi cũng tìm được việc làm mới, chạy bàn cho một nhà hàng. Nhưng tinh thần tôi đã bị sa sút khá nhiều, đến mức tôi đã nghĩ mục tiêu đậu đại học năm nay gần như là một giấc mơ hão huyền. Thằng nhóc ngồi bàn trên đề nghị tôi để cho nó kèm cặp, sau nhiều lần thấy tôi cứ lơ ngơ trước những câu hỏi của thầy. Nhưng tôi quyết liệt từ chối, phần vì tự ái, phần vì ghét nó, hay nói đúng hơn là tôi ghét cay ghét đắng đôi mắt ướt át thẳm sâu của nó. Đôi mắt từng khiến tôi ngụp lặn trong mơ mộng. Tại sao cho đến bây giờ, đôi mắt ấy vẫn cứ mãi bám theo tôi trong suốt những tháng ngày vụng dại của tuổi trẻ?

Kỳ thi ngày càng cận kề. Tôi quay cuồng trong mớ bòng bong của những con chữ, phép tính. Có hôm tôi thức trắng đêm mà không giải được một bài toán nào. Dường như một năm rời khỏi trường học đã bào mòn khả năng tư duy của tôi. Phải, trước giờ tôi vẫn luôn là một đứa thất bại mà. Vậy mà đã có lúc tôi mơ thấy mình gặp lại anh trong một tư thế hoàn toàn khác, không phải là tôi yếu đuối của một năm về trước mà là tôi - rực rỡ, tự tin và mạnh mẽ. Nhưng buồn cười làm sao, tôi của một năm sau đó là như thế này đây: xác xơ, thảm hại, co ro trong góc tường, khóc nức nở như một đứa trẻ và hoàn toàn bế tắc.

Tôi rút điện thoại ra gọi về cho gia đình. Lần đầu tiên sau một năm trời đằng đẵng, kể từ ngày một mình bắt xe lên Sài Gòn, tôi gọi về cho ba mẹ. Những ngón tay run run bấm số. Bên kia đầu dây vang lên tiếng “alô” quen thuộc. Tôi òa lên khóc. Ký ức ùa về, đau thắt. Mãi một lúc sau, tôi mới thốt lên được một tiếng “ba” nghẹn ngào. Bên kia đầu dây im lặng như một sự sửng sốt không cất nổi thành lời. Rồi tôi nghe thấy giọng của mẹ, giọng của em trai, rồi lại giọng của ba. Họ tranh nhau nói. Họ run rẩy nói rằng họ đã tha thứ cho tôi, tha thứ từ lâu lắm rồi. Họ cuống quýt hỏi nơi ở của tôi. Họ nói họ muốn gặp tôi ngay bây giờ, ngay lúc này… Tôi gạt nước mắt, đáp lí nhí “Dạ”. Rồi tôi tắt máy, đặt điện thoại xuống đất, hai tay ôm lấy mặt và khóc như một đứa con nít. Lần đầu tiên, tôi để mặc cho mình khóc thỏa thuê mà không cần kìm nén gì cả. Khóc cho những tháng ngày khờ dại đã qua. Khóc cho một tuổi trẻ với nhiều hoang mang ngơ ngác. Khóc vì niềm yêu thương và lòng bao dung không bao giờ cạn…

Sau khi khóc, tôi mở tung cửa sổ, nhìn lên bầu trời, thấy nó hình như trong xanh hơn…

Hôm sau, tôi đến lớp luyện thi sớm hơn và không thèm ngồi ở chiếc bàn cuối nữa. Tôi chọn cho mình vị trí gần bảng, gần khung cửa sổ, nơi có những tia nắng lấp lánh đang nhảy nhót trên mình một chú chim sẻ con. Những tia nắng ấm áp và xinh đẹp mà cho đến tận hôm nay, lòng tôi mới đủ bình yên để nhận ra. Thì ra muốn cảm nhận vẻ đẹp của một tia nắng cũng không dễ dàng chút nào. Tôi quay sang góp vui vài câu tếu táo với tụi học sinh lớp 12. Thằng nhóc ngồi bàn trên, à không, từ giờ sẽ gọi nó là Khoa - vì nó không còn ngồi ở chiếc bàn trên tôi nữa mà đã ngồi tít ở phía dưới - cứ nhìn tôi ngơ ngác, vẫn bằng đôi mắt thẳm sâu của nó. Tôi tự hỏi có phải ông Trời phái nó đến, bắt tôi phải gặp lại đôi mắt thẳm sâu ấy một lần nữa để xem cái cách mà tôi đối diện với quá khứ của chính mình?

Giờ ra chơi, tôi đến gần bên thằng nhóc. Lần đầu tiên sau mấy tháng trời học chung, tôi dám nhìn thẳng vào mắt nó, bằng một tư thế hiên ngang, y như nhìn thẳng vào những tháng ngày đã qua của mình. Mắt nó vẫn sâu thẳm và ẩn giấu muôn điều bí mật, như mắt anh. Nhưng kỳ lạ, tôi không còn thấy sợ, cũng không muốn bỏ chạy nữa. Tôi thấy lòng nhẹ nhõm, tựa hồ như đã sẵn sàng để bắt đầu một câu chuyện mới. Bằng một giọng nói vô cùng trong trẻo, tôi nói với nó:

- Nè nhóc, chuyển lên chỗ chị ngồi đi và kèm cho chị học với nhé! Năn nỉ đấy! Năm nay chị phải đậu đại học!

R1RAKt8x.jpgPhóng toÁo Trắngsố 11 ra ngày 15/06/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

SA KHA (TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên