16/06/2009 03:35 GMT+7

Đi nộp phạt thay

P.MINH ĐỨC
P.MINH ĐỨC

TT - Đi nộp phạt thay cho người khác cần chú ý, kẻo có thể gặp rắc rối, như trường hợp bạn đọc dưới đây.

pzFakFER.jpgPhóng to
Những người vi phạm Luật giao thông đường bộ làm thủ tục nộp phạt tại đội CSGT số 5, Công an TP.HCM - Ảnh: N.C.T.

Trong thư gửi đến tòa soạn báo Tuổi Trẻ, anh Lê Minh Trung (ngụ Q.Thủ Đức, TP.HCM) phản ảnh:

Phải được ủy quyền

Thượng tá Nguyễn Văn Độ cho biết theo quy định, chỉ có người vi phạm hoặc chủ xe vi phạm (nếu người điều khiển không phải là chủ xe) mới được đi nộp phạt. Nếu người khác đi nộp thay phải có giấy ủy quyền của người vi phạm, có chứng thực của địa phương.

“Ngày 9-6-2009 tôi có đến Công an quận 9 để nộp tiền phạt vi phạm Luật giao thông đường bộ (lỗi không đội mũ bảo hiểm) cho anh tôi là Lê Long Đức, do anh bị bệnh không thể đến. Tôi đã ký tên anh trai tôi vào chỗ người vi phạm, người nộp tiền của biên bản vi phạm do tôi nghĩ là đóng tiền giùm anh ấy thì ghi tên anh ấy.

Khi chị cán bộ thấy chữ ký tôi không giống với chữ ký mà anh tôi đã ký khi bị phạt thì cho rằng tôi mạo danh với ý đồ xấu. Mặc dù tôi đã giải thích và còn xuất trình CMND của tôi để chứng thực nhưng cán bộ vẫn không chịu giải quyết, đồng thời thu giữ CMND, bằng lái và giấy phạt của anh tôi mà không làm biên nhận cho tôi. Chị cán bộ còn yêu cầu tôi làm bản tường trình có xác nhận của chính quyền địa phương thì mới trả giấy tờ của anh tôi. Tôi đã viết tường trình nhưng địa phương không xác nhận vì họ nói không có chức năng này mà chỉ có thể chứng thực tôi thường trú tại địa phương thôi!

Tôi phải làm sao? Xin hãy tư vấn giúp tôi cách giải quyết theo đúng pháp luật. Việc cán bộ thu giấy tờ của anh trai tôi khi tôi đi đóng phạt và buộc tôi làm bản tường trình có đúng với quy định của pháp luật không và việc tôi ký tên anh trai tôi có gọi là mạo danh không?”.

Phóng viên Tuổi Trẻ đã đến gặp thượng úy Đặng Thị Huệ, cán bộ đội giao thông trật tự, phản ứng nhanh Công an quận 9, người trực tiếp xử lý trường hợp của anh Trung. Bà Huệ cho biết: khi anh Trung tới nộp phạt chỉ trình CMND và biên bản vi phạm của anh Đức, đồng thời tự nhận mình là anh Đức và ký vào biên bản vi phạm. Phát hiện hai chữ ký không giống nhau, bà đã giữ giấy tờ lại để bảo vệ quyền lợi cho anh Đức. Vì trước đó từng có trường hợp người vi phạm bị rơi giấy tờ, người khác nhặt được, tới nộp phạt, nhận giấy tờ, sau đó tống tiền người vi phạm.

Không lập biên bản?

Trả lời câu hỏi vì sao giữ giấy tờ của anh Đức mà không lập biên bản, anh Đức sẽ căn cứ vào đâu để lấy lại. Thượng úy Huệ cho biết vì anh Trung không hề có giấy tờ tùy thân (trong khi anh Trung nói anh có trình CMND cho bà Huệ - ghi chú của phóng viên) nên không thể lập biên bản, mục đích giữ giấy tờ chỉ là bảo vệ quyền lợi của anh Đức. Công an Q.9 sẽ gửi giấy mời anh Đức tới làm việc để làm rõ và trả lại. Thượng úy Huệ cho rằng phải buộc anh Trung viết tường trình để tự nhận thấy việc làm sai của mình, đó cũng là căn cứ để xác nhận nhân thân của anh Trung. Nội dung bản tường trình cũng không có gì đặc biệt, anh Trung tường trình lại sự việc, địa phương xác nhận anh Trung có cư trú tại đó là được.

Thượng tá Nguyễn Văn Độ, đội trưởng đội giao thông trật tự, phản ứng nhanh Công an Q.9, nói trường hợp anh Trung là trường hợp đặc biệt, chưa từng xảy ra, cũng không có quy định nên không thể nói công an làm đúng hay sai. Anh Trung mạo danh anh Đức, lại không có giấy tờ tùy thân nên không thể lập biên bản tạm giữ giấy tờ anh Trung. Công an Q.9 đã gửi giấy mời anh Đức tới làm việc vào chiều 12-6. Thượng tá Độ cũng đồng tình với việc anh Đức phải xác nhận tại địa phương về mối quan hệ với anh Trung, nếu anh Đức đưa giấy tờ cho anh Trung đi nộp thay như ý kiến của thượng úy Huệ trước đó.

Theo luật sư Trần Hải Đức - Đoàn luật sư TP.HCM, việc anh Trung đi nộp phạt thay anh mình mà không có giấy ủy quyền, được cơ quan chức năng xác nhận là sai. Tuy nhiên, cách giải thích của hai cán bộ Công an Q.9 về việc không lập biên bản tạm giữ giấy tờ vi phạm cho anh Trung là chưa ổn. Cho dù anh Trung không có giấy tờ tùy thân như hai cán bộ trên nói, vẫn có thể lập biên bản tạm giữ những giấy tờ liên quan theo lời khai của anh Trung. Giả định cơ quan chức năng - là Công an Q.9 - làm mất giấy tờ tạm giữ của anh Đức, anh Đức sẽ không có bất kỳ căn cứ gì để đòi lại. Trong trường hợp này, theo luật sư Trần Hải Đức, chỉ cần anh Đức tới hoặc ủy quyền cho anh Trung (bằng văn bản, có chứng thực) tới Công an quận 9 để giải quyết là mọi việc sẽ rõ.

Ngày 12-6-2009, anh Lê Minh Trung cho biết sau khi anh Đức viết giấy cam kết không khiếu nại, Công an Q.9 đã trả lại giấy tờ và anh Đức đã làm thủ tục nộp phạt.

P.MINH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên