05/02/2008 15:10 GMT+7

Đi lễ đầu xuân

Tạp chí Mốt và cuộc sống
Tạp chí Mốt và cuộc sống

Dịp Tết cũng là dịp để mọi người cùng nhau đi trẩy hội, đi lễ đầu xuân để cầu mong cho cả gia đình năm mới được mạnh khoẻ, bình an, công ăn việc làm được suôn sẻ, may mắn, phát đạt và tràn đầy hạnh phúc.

4JxWrGdX.jpgPhóng to
Lễ hội Chùa Vua - Ảnh: KT

Chẳng biết từ bao giờ, người Việt Nam có thói quen đi lễ chùa vào sáng mồng Một Tết. Trong thời khắc giao thời, nhà nhà thắp đèn, thắp nhang trên mâm cỗ giao thừa, kính cẩn đọc bài khấn thần linh thổ địa, ông bà tổ tiên về sum vầy cùng con cháu. Và khi nén nhang trên mâm cỗ đã tàn, mọi người ngồi quây quần quanh mâm cơm, cùng nhau nâng chén rượu chúc mừng năm mới, chúc mừng sức khỏe ông bà, bố mẹ. Những bao đựng lì xì màu đỏ tươi, những lời chúc mừng như gửi gắm, chờ mong một năm mới với bao ước vọng. Sau lễ cúng gia tiên, con cháu theo ông bà ra lễ chùa, xin “lộc” may mắn, tươi tốt cho cả năm.

Hòa vào dòng người đi lễ đầu xuân, nhất là lúc tiết trời se se lạnh, trời lất phất mấy giọt mưa xuân, ta cảm nhận như đất trời giao hòa. Mầm cây xanh như chỉ chờ thời khắc này để đâm chồi, nảy lộc, con người dường như cũng cời mở với nhau hơn, tíu tít chào hỏi, chúc tụng nhau, kể cả những người lần đầu tiên gặp mặt, nhất là ở chốn thiêng liêng này. Các đền, chùa đều đã thắp sẵn nén nhang, đèn cầy (nến), hương hoa, hoa quả… mở rộng cánh cửa để đón du khách của lễ Phật, lễ Thánh. Tiếng chuông chùa trầm trâm ngân vang trong đêm xuân, hòa quyện giữa hơi sương sớm với mùi thơm của khói hương, mùi của các loài hoa, hoa lễ, hoa trồng trong chùa… tạo nên một không khí yên ả, thanh tịnh trong tâm hồn mỗi con người.

Dù bận rộn đến trăm công nghìn việc, nhưng đã đi lễ là như lạc vào cõi Phật, phải thong thả, không vội vàng chen lấn, tinh thần thoải mái, tâm hồn thanh tịnh, không tà uế, không cãi vã to tiếng, đến đi đứng cũng phải nhẹ nhàng, đôi guốc đôi giày cũng không được thỏa sức nện mạnh xuống sàn nhà, kinh động đến cõi thiêng.

Người Việt Nam ta xưa bản tính hiền lành, hay lam hay làm, đi lễ đầu năm chỉ cầu mong cho mưa thuận gió hòa, vạn sự như ý, gia đình hòa thuận bình an. Mà đi lễ cũng là khấn cho gia đình, nội tộc, con cháu được sum vầy, vui vẻ, bình an, hòa thuận, cầu mong cho đất nước được an vui thái bình, người người no ấm, chứ chẳng ai đi lễ lại chỉ cầu xin lộc may mắn cho riêng bản thân mình. Đó cũng là nét văn hóa và nhân văn của dân tộc Việt Nam.

Theo quan điểm của người Việt, muốn cầu mong thần tài phù hộ thì đầu năm xuất hành nên chọn hướng chính Tây, còn nếu mong điều hạnh phúc thì phải chọn hướng Nam xuất hành để lời cầu chúc được như ý. Đồ lễ đâu cần to tát, nhiều nhặn gì, chủ yếu là cái tâm, miễn là có lòng thành hướng về Đức Phật. Đồ lễ sang thì là mâm xôi, con gà, chén rượu, ấm trà, cũng có khi chỉ là bông hoa tươi, nén nhang thơm… đều được coi trọng như nhau.

Theo lệ thường thì một “mâm” lễ bao giờ cũng phải đủ cả hương, hoa, tiền vàng (tiền âm phủ), tiền dương gian, có thêm một tờ sớ viết bằng chữ nho, ghi những điều cầu mong của gia chủ cho một năm mới vạn sự như ý. Lời văn khấn có bài bản, văn vẻ, có vần, có điệu, nghe như thơ, như nhạc, vang mãi trong không gian âm u, huyền bí của đình, chùa tạo nên sự linh thiêng, vừa như ảo, vừa như thực, làm ta cảm giác lúc này chỉ có một mình ta cùng thần Phật đang chăm chú lắng nghe những điều ước của ta và biến nó thành hiện thực… Lễ xong thường ai cũng muốn nán lại để xin “lộc” nhà chùa, chỉ là một nhánh cây hay bông hoa… tượng trưng cho sự tươi tốt, dồi dào khỏe mạnh cũng cảm thấy vui vui.

Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh, mà còn là dịp để du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp sơn thủy hữu tình trong tiết xuân. Khí xuân cũng thật thích hợp cho những cuộc du ngoạn phương xa, không khí se lạnh, những giọt mưa phùn rơi xuống mặt, không đủ thấm ướt áo ai mà chỉ làm giảm bớt đi cái nhọc mệt của chặng đường dài.

Có lẽ một phần cũng vì lý do ấy mà bạn có thể bắt gặp những dòng người bất tận hành hương về cõi phật với lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, Tây Phương, chùa Thầy hay ngược về với quê cha đất tổ Hùng Vương, hoặc vào phủ Tây Hồ nơi thờ bà chúa Liễu Hạnh, ra chùa Quán Sứ, chùa Trấn Quốc cầu lộc tài, hay ra Văn Miếu - Quốc Tử Giám cầu mong cháu con học hành giỏi giang, tài hiền giúp ích cho đời… Không biết những lời thỉnh cầu đó có thấu đến “cửu trùng đài” hay không, được linh ứng “phù hộ độ trì” đến mức nào, nhưng mỗi năm Tết đến xuân về, người người nhà nhà lại sắm sửa trẩy hội, đi lễ đầu xuân. Và họ tin rằng, đi lễ đầu xuân trở về tâm hồn của họ được thanh thản hơn, hi vọng một cuộc sống ngày mai sẽ tốt đẹp hơn.

Có thể nói, lễ hội thực sự thấm sâu vào từng huyết mạch của người dân nước Việt, chẳng thế mà có nhiều nơi trên đất khách quê người như ở Hàn Quốc, Mỹ, Pháp… người xa xứ ao ước được hưởng không khí khi mùa xuân về tại quê nhà.

Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam, là nơi thể hiện ước mơ ngàn đời của người Việt Nam, cầu mong mưa thuận gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.

Tạp chí Mốt và cuộc sống
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên