![]() |
Các "tiên nữ" đang biểu diễn tại một nhà hàng |
Hầu như nhà hàng, khách sạn lớn nào ở Campuchia cũng có múa Apsara và kéo theo hàng ngàn các cô gái trẻ từ các làng quê đổ về thị thành tìm các “lò” đào tạo “tiên nữ”...
"Lò" đào tạo “tiên nữ”
Nằm sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường số 6, thành phố du lịch Siem Reap, “lò” đào tạo các vũ công apsara của ông Sun được xem là khá uy tín, đào tạo nhiều học viên ra nghề có việc làm ngay. Khi chúng tôi đến thì đang là giờ thực tập các điệu múa cho học viên. Lớp học có trên 40 người đều là những cô gái tuổi mười tám, đôi mươi đến từ khắp các tỉnh, thành.
Điệu nhạc truyền thống trỗi lên, các cô gái trẻ trang phục sặc sỡ, váy áo dát vàng, uyển chuyển bước ra theo từng điệu múa cung đình mềm mại, huyền bí với sự hướng dẫn của ông Sun và ba nữ vũ công đã lớn tuổi.
“Từ xa xưa, điệu múa Apsara chỉ để dành cho vua chúa thưởng thức. Apsara hiện thân là các tiên nữ, được triều đình tuyển chọn, huấn luyện một cách bài bản từ khi mới 9, 10 tuổi tại Trường Nghệ thuật hoàng gia. Bây giờ đáp ứng nhu cầu khách du lịch, ai cũng có thể đi học múa.
Những cô gái này ở quê làm nông khổ quá nên muốn đổi đời làm vũ công...” - Viska, người hướng dẫn, giải thích với tôi. Còn ông Sun, chủ “lò”, tự hào cho biết sau hai năm mở “lò” ông đã đào tạo trên cả ngàn học viên. Cứ một khóa “đào tạo tiên nữ” cấp tốc được rút gọn trong ba tháng. Ngày nào cũng có lớp: sáng, trưa, chiều, tối. Một khóa đào tạo bao gồm nghệ thuật múa truyền thống, các điệu múa dân gian căn bản, múa Apsara, bí quyết “hóa thân”, nhập tâm vào điệu múa...
Một “tiên nữ” sà tới và chào nhỏ chúng tôi bằng tiếng Việt! Cô tự giới thiệu tên Bích Hà, người An Giang, năm nay 20 tuổi. Cô không thích giới thiệu nhiều về gia cảnh của mình ở quê nhà, mà chỉ cho biết trước đây từng là ca sĩ trên các sân khấu “hát với nhau” ở một số nhà hàng, quán nhậu tại Châu Đốc. Sau nghe bạn bè rủ rê về nghề vũ công “làm ăn khấm khá” ở Campuchia nên đã sang đây học múa. Hà cho biết các nhà hàng, quán bar ở Campuchia có khá nhiều “tiên nữ” là người VN. “Nhưng ít khách biết tụi em là người Việt. Bọn em đều nói được tiếng Khơme cả. Khách du lịch phương Tây biết mình là người Việt thì họ không đồng ý đâu”. |
Chúng tôi đang nói chuyện thì có ba cô gái đến xin học múa. Nhìn khăn gói, trang phục, dáng vẻ rụt rè có thể biết ngay các cô từ vùng quê đến. Sarin, cô gái 18 tuổi, đến từ tỉnh Battambang, cho biết gia đình làm nông nhưng mất mùa liên tục nên cả nhà bàn bạc góp hết tiền, vay mượn thêm cho cô đi học múa Apsara với hi vọng sau này thành “cung nữ” sẽ gửi tiền về nuôi cả nhà.
Trong làng Sarin cũng có bốn cô gái lên thành phố học múa, sau khi được đi làm có tháng gửi vài trăm USD về cho gia đình. Ông Sun gật gù xác nhận và hứa hẹn với các cô gái “bao” ra nghề nhưng trước mắt ngoài tiền học phí phải đóng thêm tiền nghỉ trọ suốt thời gian học với giá 40 USD/tháng!
Viska cho biết chỉ riêng ở thành phố Siem Reap đã có trên chục “lò” đào tạo vũ công apsara mới khai trương khoảng một năm trở lại đây. Ban đêm, hầu như nhà hàng, quán ăn, tụ điểm ăn chơi nào cũng có kèm chương trình “Apsara” để phục vụ khách. Chúng tôi ghé thăm “lò” của bà Hong, từng là một vũ công có tiếng ở Shivatha.
Bà Hong không ngần ngại ra giá vì tưởng tôi là “cò” cho những cô gái VN sang học làm tiên nữ: “Học phí 800 USD/khóa chỉ trong một tháng nhưng bảo đảm trong ba tháng sẽ lấy lại được tiền học phí. Và không như các “lò” loại bình dân khác, học viên "lò" này ra trường sẽ được nhận vào múa ở các nhà hàng lớn ngay”.
“Tiên” giữa chốn bụi trần
Gần 22g, quán bar Angkor nằm ở khu Achamean, Siem Reap vẫn còn khá nhộn nhịp khách. Trên sân khấu, các cô gái đang uyển chuyển, chậm rãi hút hồn theo từng điệu múa tiên nữ Apsara. Ngồi ở dãy ghế, khách chủ yếu là nam, khá đông người nước ngoài, phần lớn đều đã say, tiếng cụng ly, nói cười lạng quạng.
Thỉnh thoảng lại có một vài ông khách trong cơn say nhào lên sân khấu quàng vai, ôm ấp các “tiên nữ”. Có người nhét tiền vào áo các “cô tiên” rồi chồm lên hôn vào má. Ngay góc sân khấu, một ông khách Tây quá say tốc cả váy “tiên nữ”làm cô gái bật khóc, hoảng hốt bỏ chạy làm sân khấu náo loạn cả lên.
Một vài “tiên nữ” có vẻ bạo dạn hơn bước lại, sà xuống bàn nâng rượu, nâng bia mời khách. Soc Hi, cô vũ công apsara mời rượu ở bàn chúng tôi còn khá trẻ, có vóc dáng đầy đặn và gương mặt khá xinh. Soc Hi cho biết quê cô ở tận vùng biển Koh Kong. Cuộc sống đi biển bấp bênh nên gia đình quyết định cho cô lên thành phố du lịch để học làm “tiên nữ”.
Cơ hội được biểu diễn ở các tụ điểm văn hóa, nhà hàng lớn, nghiêm túc với các vũ công “apsara cấp tốc” thật ra không nhiều như các chủ lò hứa. Hầu hết họ được đưa đến các quán nhậu, quán bar và cả quán massage trá hình để góp vui. Tiền thù lao 5-10 USD cho một đêm diễn vào những ngày khách đông, chưa trừ các phí này nọ. Tính ra chẳng còn lại bao nhiêu. Chủ yếu vẫn phải nhờ vào tiền “bo” của khách.
“Muốn có tiền bo thì phải làm vừa lòng khách. Quán nào có vũ công apsara ngoài khả năng múa hay còn biết chiều khách thì quán càng đông. Tính ra tụi em cũng không hơn gì so với mấy cô gái tiếp khách ở bar” - Soc Hi nói trong hơi men.
Quá nửa khuya, các vũ công bước lên sân khấu múa một điệu Apsara tiễn chân khách. Tôi nhìn các “tiên nữ”, hình như trong đáy mắt sâu thẳm của họ có những giọt nước mắt, không biết vì say hay buồn. Làm tiên giữa chốn trần gian sao khó quá...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận