26/01/2009 08:20 GMT+7

Đi chùa đầu năm, một nét văn hóa của vùng đất cố đô

ĐẠT NGUYÊN
ĐẠT NGUYÊN

TTO - Người Huế thường có tập tục lên chùa lễ Phật sớm ngay từ mùng một Tết, cầu nguyện một năm an bình, ăn nên làm ra. Những ngôi chùa Huế chính là nơi gửi gắm tâm linh, mang trong mình bao nét văn hóa của vùng đất cố đô.

Đầu năm lễ Phật, nghe kể tích chùa

Huế là mảnh đất chùa chiền, có hàng trăm ngôi chùa mang trên mình những ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Người Huế đi chùa là để thắp nén nhang cho người thân được gửi gắm hương linh nơi cửa Phật, cầu mong cho tâm hồn được sáng trong, không còn vương vấn với bụi trần, đầu năm mới cầu an lạc thành đạt.

Hướng xuất hành thường là hướng về tổ tiên - hướng Nam, vì thế mồng một Tết năm nào trục đường Điện Biên Phủ, phía nam sông Hương, đối diện kinh thành Huế, cũng đông như hội.

xZiijQMx.jpgPhóng to
Nét đẹp của chùa Huế

Ngày xưa, đây chính là trục chính của dãy núi Bình An Sơn có hình dáng của một con rồng nằm chầu về kinh thành Huế. Đây là dãy núi thiêng với nhiều long mạch khắc với quyền lực của vua, chúa đuợc các bậc thiền sư cao đạo trấn yểm để thuần phục. Vì vậy dọc đường Điện Biên Phủ lên đến núi Thiên Thai có hàng chục ngôi chùa ở những vị thế tôn nghiêm.

Chùa Báo Quốc nằm ở đầu đường Điện Biên Phủ, trên ngọn đồi được cho là đầu rồng, nổi tiếng với giếng Hàm Long có mạch nước được phun ra từ lỗ đá, thơm và ngọt. Trước đây, nước giếng này được tiến dâng lên các Chúa, người dân không được dùng nên nó trở thành giếng thiêng.

Chùa nổi tiếng có cảnh đẹp, với lối kiến trúc xưa kiểu triều đình, có nhiều loài hoa và cây quý. Đây có thể xem là một danh lam thực thụ, vẫn lưu giữ trong mình khung cảnh tĩnh mặc xưa. Đầu năm, người dân lên đây để cầu lộc của thầy mong một năm an lạc, ăn nên làm ra và được nghe thầy nói chuyện về đạo hạnh làm người.

Chùa Thiên Minh nằm ở lưng chừng quãng dốc đầu tiên của đường Điện Biên Phủ. Mặc dù được tạo dựng sau, song ở đây nổi tiếng với lối kiến trúc hiện đại, đặc biệt sư trụ trì chùa là Hòa thượng Thích Khế Chơn có dung nhan đẹp như Phật, giỏi thuyết pháp, cúng bái, tế đàn nên thu hút rất nhiều đệ tử. Nhiều người lên đây chỉ được mong được gặp thầy là đủ niềm tin, thanh thản cho một năm mới.

Đi tiếp lên dốc Nam Giao sẽ gặp chùa Từ Ðàm. Nhớ lời bài hát “Ôi anh linh bóng chùa Từ Ðàm/Nơi yêu thương phát nguồn đạo vàng...” đủ làm lòng ta dặt dìu, u hoài như một lời nhắc nhở những người xa Huế hướng về cố hương mỗi khi Tết đến xuân về. Đến Từ Đàm đầu năm, thắp hương lễ Phật sẽ tìm được thanh thản trong tâm hồn. Chùa hiện nay có lượng đệ tử nhiều nhất, là trụ sở của Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

eHJYJSwX.jpgPhóng to
Vào ngày Tết, các chùa được trang trí rất đẹp để đón khách lễ Phật

Một ngôi chùa lắm truyền thuyết, nhiều dấu xưa, được nhiều người đến lễ Phật là chùa Kim Tiên. Trước chùa có giếng xưa sâu hơn 30m nước vẫn còn rất trong sạch. Tương truyền xưa có tiên nữ ban đêm tắm ở giếng nầy, nên cũng có tên là giếng Tiên... Khi Tây Sơn chiếm đóng Phú Xuân, chùa được chọn làm nơi dinh thự, là nơi ở của Bắc Cung Hoàng hậu Ngọc Hân. Đây chính là nơi ra đời ánh thơ Ai tư văn nổi tiếng.

Trong chùa có một tĩnh phòng được truyền miệng là hễ chú tiểu hay nhà sư nào vào ở đây trước sau đều hồi gia. Phải chăng tiên nữ xưa vẫn còn về đây lung lạc ý chí tu hành của người xuất gia? Vì vậy lên chùa Kim Tiên lễ Phật, cầu gặp một cô gái Huế xinh đẹp đầu năm cũng là việc nên làm.

Đi chùa ở Huế hàm chứa một triết lý sống sâu sắc, gắn với việc xuất hành đầu xuân, hướng đến cái thiện và dung hòa giữa đạo với đời. Người Huế không gọi khách đến thăm nhà vào đầu năm mới là xông đất mà gọi là “đạp đất”. Người đạp đất đầu tiên thế nào thì suốt năm mới liên xui theo tài đức, vận hạn kẻ ấy. Vì vậy, lên chùa lễ Phật, hái lộc đầu năm cũng là tránh cho vận hạn bị xem là “đạp đất”.

Ngày Tết, mỗi người một tâm niệm, một ý nguyện chân thành, cùng với mong muốn bày tỏ tấm lòng thành của mình lên cõi Phật để cầu một năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, ăn nên làm ra, tai qua nạn khỏi, sung túc đầu năm. Chùa ở Huế cũng mang những nét kiến trúc rất đẹp, giao thoa giữa kiến trúc cung đình với kiến trúc dân gian, hòa quyện giữa cảnh sắc thiên nhiên với chốn tôn nghiêm tu hành nên lên chùa còn được vãn cảnh, tìm lại cảm giác yên bình, thanh tịnh.

Chính vì vậy có thể nói đi chùa lễ Phật đầu năm của người Huế, ngoài ý nghĩa tín ngưỡng còn là một nét văn hóa tươi đẹp.

ĐẠT NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên