![]() |
Bản làng thanh bình - Ảnh: Hồng Vân |
Bản Ban Thai Som Boon cách Chiang Rai 2-3 giờ đi xe. Chúng tôi ngồi phía sau chiếc xe tải, gió hun hút thổi nên khăn quàng, khăn tắm, khẩu trang, áo lạnh… đều được mang ra quấn hết vào người. Thực tế nếu không vì có gió, nhiệt độ chỉ chừng trên dưới 20 độ C.
Bản người Mông cũng nằm trên núi như ở Việt Nam nhưng đường về bản xe hơi chạy êm ru. Chỉ riêng những con đường nhỏ trong bản không được trải nhựa mà trải bằng bê tông.
Thanh niên Mông ở bản Mông mặc quần áo như người Thái vì đa số đi học và đi làm ở các thành phố xa bản làng. Chỉ người trung niên hay lớn tuổi sống tại bản mới giữ truyền thống mặc quần/váy đen viền, áo thêu hoa văn. Tất cả các hoa văn chi li, tinh xảo đều được thêu tay, vì vậy trang phục của người Mông vừa đắt vừa mất nhiều thời gian để thêu thùa.
Nhà người Mông có mái cao và dốc, ít cửa sổ và cửa sổ thường đóng kín, không thông thoáng như nhà người Thái. Nam nữ đều làm việc chăm chỉ ngoài đồng. Phụ nữ thích may đồ truyền thống nên thường ngồi lại với nhau may quần áo để dùng cá nhân và để bán. Nam giới đi rừng kiếm thức ăn nên thường khó gặp họ ở bản.
![]() |
Phụ nữ Mông thêu áo - Ảnh: Hồng Vân |
Người Mông nghèo hơn so với mức sống trung bình ở Thái Lan, dù vậy nhiều gia đình vẫn có tivi, tủ lạnh, máy tính và cả bình nước nóng. Người dân sống bằng nghề trồng lúa, bắp và rau, trước để ăn, sau là để bán.
Bữa cơm với gạo người Mông dẻo, thơm, hạt khá tròn cùng dưa yao qao (cải ngồng muối chua) ngon tuyệt. Khách đến nhà người Mông khi đã ngồi vào bàn ăn thì không được đứng lên cho tới khi no bụng. Tuy có bếp gas nhưng nhiều gia đình chuộng bếp củi. Chỉ cần kiếm củi quanh nhà từ cây me, cây xoài là cả nhà không sợ thiếu củi đốt.
Ba Cheng đốt một đống lửa to, đãi chúng tôi món khao pook nướng (nếp nấu chín, giã nát, xắn miếng cỡ bàn tay rồi ép vào lá chuối) bên bếp lửa hồng. Chúng tôi ngồi nói chuyện đến khuya vẫn thấy bác ngồi kề bên. Thì ra người Mông rất quý khách. Họ nhất định thức khuya để giúp thu dọn đồ dùng, dập lửa và… tắt đèn cho khách.
Có một nơi tha hồ ngắm trẻ em người Mông mặc áo quần truyền thống, đó là trên núi Bu Chi Fa, tỉnh Chiang Rai. Đây là một điểm du lịch mùa đông nổi tiếng ở Thái Lan. Trên đường lên núi ngắm mặt trời mọc, trẻ em Mông mặc áo quần truyền thống sặc sỡ mời du khách chụp hình kỷ niệm.
“Xin mời chụp hình với trẻ em dân tộc. Tiền thù lao xin trả tùy tâm”. Vừa rao, các em vừa múa hát, biểu diễn nhạc cụ, đùa giỡn với nhau rất vui vẻ.
![]() |
Đoàn người leo núi Bu Chi Fa buổi sáng sớm để ngắm Mặt trời mọc - Ảnh: Bích Lam |
![]() |
Cảnh đẹp Bu Chi Fa - Ảnh: Bích Lam |
![]() |
Ngắm Mặt trời trên đỉnh núi - Ảnh: Bích Lam |
![]() |
Làm khao pook - Ảnh: Hồng Vân |
![]() |
Bánh xe cũ là đồ chơi của những trẻ em người Mông này - Ảnh: Hồng Vân |
![]() |
Trẻ em người Mông trên núi Bu Chi Fa - Ảnh: Bích Lam |
Mùa đông, núi Bu Chi Fa mù sương, đỉnh núi chìm trong mây, trẻ em người Mông lại có dịp vừa kiếm tiền vừa gặp gỡ nhiều khách du lịch từ nơi khác đến.
Cheng giải thích: Với trẻ em Mông, đây là niềm vui. Các em có tiền ăn quà bánh. Đó là công việc đàng hoàng, không phạm pháp. Khi bạn chụp hình với các em, đôi bên đều có niềm vui. Đó cũng là động lực hợp lý để người Mông giữ gìn trang phục, âm nhạc, văn hóa và truyền thống của mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận