11/12/2004 05:24 GMT+7

Đến trường bằng trái tim bé nhỏ

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Số phận đã định sẵn cho họ bằng sự nghiệt ngã và cùng cực. Nhưng chính từ cảnh khốn khó, đau đớn nhất, họ vẫn cố gắng cắp sách tới trường với hy vọng “tương lai sẽ sáng sủa hơn”.

c0QdBCTr.jpgPhóng to
Nguyễn Thanh Phong với chiếc bàn học tự chế - Ảnh: H.Hg.
TT - Số phận đã định sẵn cho họ bằng sự nghiệt ngã và cùng cực. Nhưng chính từ cảnh khốn khó, đau đớn nhất, họ vẫn cố gắng cắp sách tới trường với hy vọng “tương lai sẽ sáng sủa hơn”.

Khi nghĩ đến hai người bạn là học sinh THCS ở Củ Chi (TP.HCM), chúng tôi lại liên tưởng đến vùng đất hai bạn đang sống - vùng đất được mệnh danh là đất thép thành đồng...

Phong - Tân Thạnh Đông

Đó là một cậu HS khá cao ráo nhưng gầy còm, riêng có khuôn mặt tuấn tú với đôi mắt to thông minh. Ít nói về mình, cũng không than thân trách phận, không kể nghèo, kể khổ, nhưng ở Trường THCS Tân Thạnh Đông (Củ Chi), ai cũng biết Nguyễn Thanh Phong, lớp 9A8 bị bệnh máu loãng bẩm sinh.

Từ giáo viên, học sinh cho đến cả chú bảo vệ trường đã quá quen với cảnh “một ngày khỏe, năm bảy ngày đau” của Phong.

Bị bệnh máu loãng cần truyền máu bổ sung hai lần/năm. Nhưng nhà Phong nghèo quá (thuộc diện xóa đói giảm nghèo của xã)! Mẹ Phong - bà Lê Thị Xớt - năm nay đã 54 tuổi, cả đời chỉ có một nghề làm mướn: cấy, nhổ cỏ, cắt lúa... Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời từ sáng đến tối chỉ được 20.000 đồng/ngày mà “ngày mùa người ta mới mướn”.

Nơi trú ngụ của hai mẹ con Phong là căn nhà nhỏ trống huơ trống hoác ở ấp 8, xã Tân Thạnh Đông - cũng là nhà tình thương, đất do một người bà con tặng. Gia cảnh như thế, tiền đâu để Phong đi truyền máu mỗi lần mất đến 2 triệu bạc?

Bệnh tật khiến Phong hay bị đau nhức mình mẩy, có đợt chảy máu nướu răng, có đợt máu ra từ hốc mắt... Ít ai biết được nhiều đêm Phong không ngủ được vì đau nhức mà không có tiền đi bệnh viện. Hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc.

Bệnh hoạn thế nhưng năm nào Phong cũng đạt danh hiệu HS giỏi, chỉ trừ năm lớp 7 nằm bệnh viện quá nhiều ngày nên đạt danh hiệu HS tiên tiến. Ngoan và siêng năng, người bạn trẻ này được thầy cô thương: “Phong ít khi nào rên la. Có bữa bị đau mà cứ cắn răng chịu đến toát mồ hôi, nhất định không chịu về; chỉ khi máu xì ra, không thể ngồi được nữa, em mới chịu rời lớp học”.

Ngay cả chú bảo vệ trường, người đã chứng kiến những cơn đau bất thường của Phong hơn ba năm nay, cũng phải thán phục: “Phong nó có chí chứ người bình thường bỏ học từ lâu rồi”.

Người bạn trẻ này rủ rỉ với chúng tôi về nỗi lo của mình: “Nghỉ học chắc sẽ buồn lắm. Đi học vui hơn nhiều, có bạn bè lại được thầy cô cho nhiều kiến thức mới, thích lắm...” . Và ngày ngày sau khi về nhà, Phong miệt mài với bài vở trên cái bàn học tự chế bằng một tấm gỗ kê lên thành giường và cái giỏ xe đạp hư; cố gắng từng ngày để thực hiện ước mơ: làm thầy giáo.

Thành - Bình Hòa

uE5DUgdp.jpgPhóng to
Trần Văn Thành: cặp táp “bự” hơn cả người - Ảnh: H.Hg.

Chưa bao giờ bạn bè Trường THCS Bình Hòa (Củ Chi) thấy Trần Văn Thành, lớp 7A1 mặc áo tay ngắn. Đi học lúc nào cũng áo tay dài, chân đi xăngđan nhưng bao giờ cũng mang vớ đen dài kín mít.

Một vụ nổ dây điện trước đó đã khiến Thành bị phỏng suốt từ cổ xuống chân, da giòn rộp, Thành đã phải trải qua vô số cuộc phẫu thuật đắp da. Cú sốc cha mẹ chia tay vẫn chưa nguôi, tai nạn khủng khiếp lại ập đến với người bạn nhỏ 9 tuổi đầu.

Trở về từ bệnh viện, Thành đã thay đổi nhiều: sợ tiếng nổ lớn, sợ ánh sáng chớp lóe, mỗi khi trái gió trở trời thì mình mẩy, gân cốt cứ lâm râm đau nhức như kim châm, đi đứng chậm chạp, các ngón tay cứ dính lại với nhau khiến Thành cầm bút một cách khó khăn...

Thiếu vắng tình thương yêu của cha mẹ (hai anh em Thành ở với ông bà ngoại làm nghề chài lưới), ai cũng nghĩ cậu bé ấy sẽ buông xuôi. Nhưng không, Thành đã lần mò tập thể dục, tập viết chính tả như hồi lớp 1, tập chạy xe đạp... Bây giờ Thành đã có thể gắng gượng chạy xe đạp đi học một mình.

Cô Trần Thị Lan - hiệu phó Trường THCS Bình Hòa - cho biết: “HS ở ấp 7 xã Bình Mỹ (khu Thành ở) hay bỏ học lắm. Đường từ nhà đến trường xa, toàn đường ruộng, phụ huynh đa số lại nghèo... Vậy mà Thành vẫn bám trường, bám lớp. So với HS cùng lớp, em Thành có sự số gắng nổi trội về học tập”.

Kéo tay áo của Thành lên, nhìn những mảng da lồi lõm màu đen sạm trên tay, chúng tôi hiểu tại sao Thành học lớp 7 mà người nhỏ cứ như HS lớp 4. Xúc động hơn nữa, Thành không những làm được các việc nhà giúp ông bà ngoại mà còn cứ rảnh, người bạn nhỏ lại ngồi với giấy bút, lẳng lặng vẽ, lẳng lặng nhớ về những tháng ngày xưa “được sống chung với ba mẹ đầm ấm biết bao...”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên