01/08/2016 05:56 GMT+7

Đến Olympic với lòng dũng cảm

LAN CHI
LAN CHI

TT - Nếu sự dũng cảm là một môn thể thao Olympic thì chắc chắn 10 VĐV trong danh sách “đội tuyển người tị nạn” ở Rio sẽ giành huy chương vàng.

VĐV bơi lội gốc Syria Yusra Mardini, 18 tuổi,tranh tài ở nội dung 100m bơi bướm và 100m bơi tự do. Ảnh: AP
VĐV bơi lội gốc Syria Yusra Mardini, 18 tuổi,tranh tài ở nội dung 100m bơi bướm và 100m bơi tự do. Ảnh: AP

Theo AFP, mỗi VĐV này đều đã phải vượt qua những thử thách vô cùng gian khổ để nuôi dưỡng giấc mơ Olympic. VĐV bơi lội gốc Syria Yusra Mardini, 18 tuổi, vô cùng xúc động khi được đến Rio và tranh tài ở nội dung 100m bướm và 100m tự do. “Có mặt ở đây là niềm vinh dự lớn đối với tôi” - Mardini nói. Chưa đầy một năm trước, cô phải bơi để cứu lấy tính mạng của chính mình. Khi đó, Mardini cùng gia đình vượt qua Địa Trung Hải trên một chiếc xuồng nhỏ.

Trong chuyến hành trình đầy nguy hiểm tới đảo Lesbos (Hi Lạp), động cơ của xuồng bị hỏng và nước tràn vào. Mardini cùng chị gái nhảy xuống nước, vớ được một sợi dây, vừa bơi vừa kéo chiếc xuồng trên mặt biển đầy sóng dữ suốt hơn ba giờ để vào bờ. Hiện Mardini cùng gia đình đã định cư tại Đức. Cô khẳng định mình rất tự hào khi được đại diện Syria, phong trào Olympic và nước Đức tại Rio.

Trong “đội tuyển người tị nạn” còn có một VĐV bơi lội người Syria khác là Rami Anis. Anh chạy trốn khỏi Syria vào năm 2011. Sau khi rời Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), Anis tới định cư tại Bỉ vào tháng 10-2015. VĐV bơi bướm và bơi tự do 25 tuổi này nói với AFP: “Tôi cảm thấy buồn vì không được tranh tài tại Rio với tư cách là một VĐV đại diện đất nước Syria”. Anh mô tả “đội tuyển người tị nạn”: “Chúng tôi có tinh thần thép. Chúng tôi buồn đơn giản vì chiến tranh đang xảy ra tại đất nước của chúng tôi”.

Còn với võ sĩ judo người Congo Misenga, hồi tưởng những khổ đau mà cuộc xung đột đẫm máu tại đó đã gây ra đối với gia đình anh là quá sức chịu đựng. VĐV 24 tuổi bật khóc khi được hỏi rằng anh muốn gửi thông điệp gì khi tham gia Olympic. Misenga mới chỉ 9 tuổi khi chạy loạn ở Kisangani tại CH Congo. Lạc mất gia đình, anh trốn trong rừng rậm tám ngày trước khi được giải cứu và được đưa tới một trại tị nạn dành cho trẻ em ở Kinshasa. Sau đó anh tới định cư ở Brazil. “Tôi có hai anh em trai nhưng đã không gặp họ trong nhiều năm rồi. Tôi không còn nhớ gương mặt của họ nữa - Misenga khóc - Tôi muốn gửi tới họ tình yêu thương của mình. Tôi hiện sống tại Brazil nên rất hi vọng có một ngày được đưa anh em của mình tới đây”.

Một người tị nạn khác từ CH Congo là Yolande Mabika cũng tới định cư ở Brazil. “Đây không chỉ là cuộc thi đấu thể thao, mà còn là cuộc thi đấu vì sự sống. Mỗi người trong số chúng tôi đều có câu chuyện đau lòng của riêng mình để kể với thế giới” - cô Mabika nói. HLV Geraldo Bernandes nhận định câu hỏi liệu có VĐV nào trong “đội tuyển tị nạn” có thể giành huy chương vàng không là không quan trọng. “Tôi khẳng định rằng khi đến được Rio, họ đã giành huy chương của riêng mình rồi” - ông nhấn mạnh.

“Vinh dự này dành cho đất nước quê hương tôi, nước Đức và Ủy ban Olympic, bởi tất cả đã giúp đỡ tôi đến được với Rio

VĐV bơi lội gốc Syria Yusra Mardini

 
LAN CHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên