02/12/2004 00:02 GMT+7

Đến nghĩa trang chụp hình cưới

NGUYỄN PHAN - UYÊN LY
NGUYỄN PHAN - UYÊN LY

TT - 5.000 cặp chụp hình đám cưới ở nghĩa trang. Đó là con số thống kê sơ bộ tính từ năm 1992 cho đến nay tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.

E78Aojgx.jpgPhóng to
Chú rể là người nước ngoài cũng đến đây chụp ảnh đám cưới - Ảnh: D.A.
TT - 5.000 cặp chụp hình đám cưới ở nghĩa trang. Đó là con số thống kê sơ bộ tính từ năm 1992 cho đến nay tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang.

Ngày đông nhất có 20 cặp đến đây chụp hình đám cưới, còn 5-7 năm trở lại đây hầu như ngày nào cũng có...

“Hấp hôn” cũng tại nơi này

Buổi trưa, nghĩa trang tràn ngập nắng vàng. Hôm nay chú rể Nguyễn Thanh Tâm quê ở Gò Công và cô dâu Kim Kiều Loan quê ở Mỹ Tho đến đây để chụp hình đám cưới. Quen nhau đã một năm, trong một lần tình cờ đi hội chợ, thế là họ đã đến với nhau và quyết định cùng nhau đi ra... nghĩa trang để lưu lại những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc đời mình. Phía bên kia, 46 bạn của lớp bảo tồn bảo tàng của Trường trung học Văn hóa nghệ thuật tỉnh Tiền Giang cũng bắt đầu bài học đầu tiên của mình về môn học chụp hình. Với họ, ra nghĩa trang để làm bài tập thực hành là chuyện bình thường vì hàng chục khóa học trước đó, các học sinh khóa trước cũng đến đây để bắt đầu bài học đầu tiên của mình...Trưởng ban quản lý nghĩa trang, anh Phan Thanh Hoàng, khi hồi tưởng cũng không giấu nổi niềm vui trong ánh mắt: “Khách du lịch nước ngoài cũng đến đây tham quan nữa. Trước ở đây buồn lắm, thậm chí có người còn gọi là nghĩa địa, là bãi tha ma, nhưng bây giờ ngày nào cũng có đám cưới...”.

Từ đó mỗi lần đi đâu anh Hoàng cũng “có ý tìm kiếm những loài hoa đẹp, cây đẹp để mang về, để phát triển thêm cảnh quan cho nghĩa trang”. Mới đây anh đã mang về một cây phượng tím. Một bức tường loang lổ cũng vừa được xây lên ở đây. Ở giữa bức tường là một ô cửa sổ lộ thiên để cô dâu chú rể có thêm cảnh chụp hình.

5Msf3Jg9.jpgPhóng to
Bốn cặp cùng làm đám cưới một ngày Ảnh: D.A.
Một đống đất cát cũng đã đổ xuống để nay mai sẽ thành một gò đất mới, cỏ mọc um tùm và tất nhiên cũng để phục vụ cô dâu chú rể. Sau này, khi tấm ảnh được rửa ra, sẽ thấy cảnh cô dâu và chú rể đứng trên đồi cao lộng gió, dưới chân là thảm cỏ xanh mướt…“Tụi tui không thu tiền nhưng cũng có thùng hảo tâm, năm mười ngàn gì đó, nói thiệt không có cái thùng đó thì cô dâu chú rể vô đây chụp hình họ cũng ngại lắm! Vì thấy vô chụp thoải mái, cảnh đẹp mà không tốn tiền ai cũng ngại cả. Tiền thu từ thùng hảo tâm chủ yếu cũng để anh em nhổ cỏ uống cà phê thôi!”.

Nói xong anh Hoàng cười hóm hỉnh: “Vừa rồi cũng có mấy cặp quay lại đây hấp hôn”. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, anh giải thích: “Là kỷ niệm ngày cưới họ quay trở lại để chụp hình”. Còn điều tâm huyết nữa mà anh Hoàng nhớ mãi, đó là hình ảnh những đôi lứa bên nhau, trước khi chụp ảnh đã thắp nhang để tưởng niệm những người đã khuất và cầu mong anh linh các liệt sĩ phù hộ cho mình, cho cuộc sống lứa đôi sau này...

Một nghĩa trang có ba phòng thay đồ cưới

Chúng tôi đi theo cô dâu Kim Kiều Loan để xem thử phòng thay đồ cưới trong nghĩa trang. Đó là ba căn phòng liền kề nhau, có móc treo áo cưới, bàn trang điểm và một tấm gương to.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên trước chiếc váy của cô dâu và bộ veste của chú rể treo trong phòng, chị Hồ Thị Kim Hoa - phụ trách phòng cho thuê đồ cưới - giải thích: “Chủ yếu là dành cho mấy cặp nghèo hoặc những cặp mang theo đồ cưới mà không đủ”. Giá bao nhiêu? Có lẽ cái giá thuê mà chị Hoa đưa ra cũng thuộc loại mềm nhất nước: chỉ 30.000-40.000 đồng/áo cưới.

rAtuXASc.jpgPhóng to
Chú rể Nguyễn Thanh Tâm và cô dâu Kim Kiều Loan chụp ảnh trong nghĩa trang - Ảnh: N.P.

Còn những người thợ chụp ảnh thì sao? Với họ, nghĩa trang không chỉ là nơi hành nghề... Khi chúng tôi đến đã gặp một anh thợ nhiếp ảnh đến đây để thử máy mới và góp tiền để ban quản lý xây thêm cửa sổ.

Anh thợ trẻ bảo “đó là nghĩa vụ” mà anh phải làm. Tấm bảng đề nghị góp tiền vừa treo lên một cành cây đã có bốn thợ đăng ký đóng góp, người nhiều 50.000đ, người ít 20.000đ...

Và năm nào cũng vậy, đến cuối năm tất cả người thợ đã từng chụp ảnh đám cưới ở nghĩa trang đều tề tựu về đây. Người nhiều người ít để chuẩn bị tất niên, họ họp mặt để nói chuyện nghề và cùng nhau thắp nhang cho các liệt sĩ để bày tỏ lòng biết ơn.Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang được xây dựng từ năm 1977, là nơi yên nghỉ của hơn 6.000 liệt sĩ, trong đó có hơn 2.000 liệt sĩ vô danh từ khắp mọi miền đất nước. Từ ngày có chụp hình đám cưới, nghĩa trang vui hẳn lên vì lượng người ra vào tấp nập. Nhìn những ngôi mộ được lát đá trắng tinh và sạch sẽ, khung cảnh thiên nhiên thanh bình mới thấy nghĩa trang này đúng là nghĩa trang hạnh phúc.

Những đôi bạn trẻ đến nghĩa trang này để chụp hình đám cưới không chỉ ở Tiền Giang mà còn ở các tỉnh xung quanh: Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre, Sóc Trăng..., họ đã chọn nghĩa trang Tiền Giang để ghi lại dấu ấn trong đời mình. Mai này bạn có về Tiền Giang, nếu nghe ai đó hỏi rằng: “Chuẩn bị đám cưới chưa? Chừng nào vô nghĩa trang?” thì bạn đừng ngạc nhiên, vì đó là “nghĩa trang hạnh phúc” mà...Tại sao mọi người lại vào nghĩa trang chụp ảnh đám cưới? Câu chuyện bắt đầu từ năm 1992, khi một người nguyên là phóng viên báo Tuổi Trẻ đã trở về Mỹ Tho làm nghề nhiếp ảnh... Và cũng từ nghĩa trang, anh đã có hàng chục tác phẩm đoạt giải cao trong các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước...

Ở TP Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) có một nghĩa trang mà người dân gọi là nghĩa trang hạnh phúc. Họ gọi như vậy vì đã có khoảng 5.000 cặp gái trai đến nơi đây trước ngày cưới chính thức của mình để chụp ảnh.

Và đó cũng chính là lý do để chúng tôi tìm đến đây, tìm đến một nghĩa trang có nhiều người đến chụp hình đám cưới nhất Việt Nam...

Bài 2: Người chụp 1.500 đám cưới ở nghĩa trang

NGUYỄN PHAN - UYÊN LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên