22/04/2006 05:30 GMT+7

Đen & trắng

BINH NGUYÊN
BINH NGUYÊN

TT - Những hình ảnh về một châu Phi với những đàn voi khổng lồ, những con tê giác hoang dã và những thổ dân da đen với những túp lều cỏ nằm sâu trong sa mạc... trong hình dung của tôi bấy lâu chợt tan biến khi máy bay chao mình hạ cánh xuống sân bay quốc tế Johannesburg. Một khung cảnh châu Âu hiện ra giữa châu Phi...

g4M4p2bm.jpgPhóng to

Đa số người da đen ở Nam Phi đều làm những công việc giản đơn như lao công, quét dọn (ảnh chụp tại Gold Reef City - Johannesburg) - Ảnh: B.NGUYÊN

TT - Những hình ảnh về một châu Phi với những đàn voi khổng lồ, những con tê giác hoang dã và những thổ dân da đen với những túp lều cỏ nằm sâu trong sa mạc... trong hình dung của tôi bấy lâu chợt tan biến khi máy bay chao mình hạ cánh xuống sân bay quốc tế Johannesburg. Một khung cảnh châu Âu hiện ra giữa châu Phi...

Johannesburg “hậu apartheid”

Johannesburg (Joburg) - một thời mệnh danh là thành phố Vàng (eGoli) - vẫn tráng lệ như người ta thường nói về một đô thị phương Tây giữa châu Phi xa xôi từ năm 1886, khi người dân lần đầu tiên tìm ra vàng ở Witwatersrand. Joburg giờ đây là những tòa nhà chọc trời, những dãy phố tấp nập người qua lại, đa số là người da đen.

Cô Lynn Mansfield - một người Nam Phi da trắng hướng dẫn tôi đi thăm Joburg - cho biết trước năm 1994, đạo luật “Khu vực nhóm” của chế độ phân biệt chủng tộc (apartheid) do người da trắng thiểu số áp đặt không cho phép người da đen định cư, sinh sống tại những đô thị lớn như Joburg, Pretoria... mà chỉ được sinh sống tại bốn vùng định cư bản quán. Họ chỉ được vào thành phố khi được cấp giấy phép hoặc giấy thông hành và làm những công việc thấp kém như hầu phòng, lau rửa xe, thu dọn rác.

Thậm chí phương tiện đi lại như xe lửa, máy bay, xe buýt luôn treo bảng “cấm người da đen” hoặc lịch sự hơn là “dành riêng cho người da trắng”. Theo cô Lynn, dân số người da đen tại các thành phố lớn của Nam Phi tăng chóng mặt, bình quân 5%/năm. Chỉ riêng Joburg đã có 2/3 người da đen tham gia các hoạt động thương mại, cả thành phố Vàng này có đến 55.000 chiếc taxi hoạt động và gần như đa số tài xế là người da đen.

Cô Lynn đưa tôi đến tham quan một địa điểm khá đặc biệt: khách sạn Carlton hoành tráng nhưng vắng vẻ một cách lạnh lùng và được bao bọc bởi hàng rào thép. Cô kể: “Đây là một trong những khách sạn dành cho người da trắng của Joburg, cách nay sáu năm nó đã bị tấn công bởi làn sóng bạo lực của người da đen. Người ta cho đóng cửa vĩnh viễn khách sạn này như một lời cảnh tỉnh sự trở lại của tệ nạn phân biệt chủng tộc ở một góc độ khác”.

Chỉ với hai màu da trắng và đen mà trước đây giữa họ là một khoảng cách xa vời vợi ở hai giai tầng khác nhau (chủ nhân và nô lệ), mới đây đã có những thu hẹp đáng kể.

Tháng 10-2005, Đảng Đại hội dân tộc Phi cầm quyền đã quyết định đoạn tuyệt với quá khứ phân biệt chủng tộc khi đặt lại tên cho thủ đô Pretoria - nơi sinh sống của 2 triệu cư dân - là Tshwane.

Quyết định này tuy mang lại một số phản ứng trong cộng đồng người da trắng gốc Phi (người Boer), bởi cái tên Pretoria là đặt theo tên người anh hùng da trắng khai phá Nam Phi trước sự xâm chiếm của thực dân Anh.

Thế nhưng đa số người Nam Phi dù trắng, đen hay màu đều đồng tình, bởi theo ngôn ngữ địa phương, Tshwane mang ý nghĩa rất sâu sắc: cùng sống bên nhau.

Để xóa bỏ khoảng cách giữa trắng và đen là điều không đơn giản. Trong khi người da đen ngày càng xuất hiện đông đảo ở Joburg thì người da trắng lại chuyển dần sang khu đô thị mới Sandton gần đó, họ xây dựng Sandton đẹp hơn, tráng lệ hơn và an toàn hơn Joburg.

Ở đó, như có một “luật bất thành văn”, người da đen vào Sandton cũng chỉ được làm việc ở những vị trí lao động phổ thông, lương thấp. Một chủ khách sạn ở Sandton nói: “Sẽ còn rất lâu mới thu hẹp dần khoảng cách giữa cộng đồng da trắng và da đen, bởi làm sao có thể phát triển nhanh một khi chỉ có 50% người da đen được cắp sách đến trường?”.

Ở khách sạn Hilton Sandton, anh chàng hầu phòng người da đen rất thích thú khi tôi “bo” 20 rand (tiền Nam Phi) vì giữ hộ chiếc vali. Anh cho biết công việc của anh chỉ được trả lương khoảng 500-600 rand/tháng (khoảng 100 USD), hoàn toàn không đủ sống nếu không có những khoản tiền bo của khách.

Soweto - tượng đài của quá khứ và hiện tại

Soweto là tên gọi tắt của “thành phố phía tây nam” Johannesburg, với diện tích chỉ hơn 150km2 nhưng là nơi trú thân của 4 triệu người da đen sống trong những khu ổ chuột khổng lồ với những dãy nhà tôn, ván, bìa cactông lụp xụp. Soweto được xem là tượng đài sống của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc với chính sách tách rời người da đen ra khỏi cộng đồng da trắng.

Bất kể ai đến Nam Phi cũng đều ước muốn một lần đến Soweto, vì nó không chỉ là nơi sinh ra và lớn lên của cựu tổng thống da đen đầu tiên của Nam Phi Nelson Mandela, mà còn được xem là trung tâm phản kháng và nổi dậy của người da đen vào năm 1976, dọn đường cho sự cáo chung của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở đất nước này vào năm 1994. Năm ngoái, người da đen ở Soweto đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 100 năm hình thành thành phố.

Tsotsi, bộ phim của đạo diễn Nam Phi Gavin Hood nói về nạn phân biệt chủng tộc vừa đoạt giải Oscar phim nước ngoài hay nhất, đã lấy bối cảnh của thành phố Soweto. Nằm chìm trong một thung lũng hẹp, Soweto hiện ra trong mắt tôi giữa buổi trưa như khu ổ chuột khổng lồ ở Q.4, Q.8 của TP.HCM ngày nào.

Hàng đoàn xe buýt mini chuyên chở người da đen đi ra đi vào thật náo nhiệt. Trên những thảm cỏ dọc theo quốc lộ, người da đen nghèo khổ buôn gánh bán bưng, thậm chí nằm kềnh ra đất mà ngủ. Theo cô Lynn, các băng đảng tội ác người da đen đều chọn Soweto làm nơi ẩn náu và hầu như không người da trắng nào dám đặt chân đến Soweto khi màn đêm buông xuống.

Khi ở Johannesburg, một viên chức nói với tôi rằng Soweto vẫn tồn tại như một tượng đài không chỉ trong quá khứ mà cả ở hiện tại. Cho đến hôm nay, cảnh sát vẫn chưa có bài toán giải quyết vấn đề xã hội ở Soweto, bởi trong gần 4 triệu dân da đen thì có đến gần 1 triệu là không phải dân Nam Phi, họ từ Mozambique, Zimbabwe, Botswana, Namibia, thậm chí từ Congo, Angola... kéo tới “miền đất hứa” tìm cơ hội mưu sinh. Cảnh sát gần như bó tay vì họ đều... đen như nhau và nói cùng thứ ngôn ngữ bộ tộc Zulu, Sotho, Tswana, Xhoxa... có cội rễ kéo dài từ trung đến nam châu Phi từ hàng trăm năm qua!

Chính phủ trung ương nhiều năm qua đã đầu tư xây dựng khá nhiều công trình như trường học, bệnh viện, công sở, nhà cửa... ở Soweto. Thậm chí có cả những tour du lịch đi sâu vào tìm hiểu cuộc sống của Soweto, thế nhưng tệ nạn, tội ác vẫn là điểm nhức nhối lớn của cộng đồng da đen nơi đây.

zkg3EXR9.jpgPhóng to

Những hình ảnh thân thiện ngày càng xuất hiện nhiều trên đường phố Nam Phi: những gia đình mẹ trắng - con đen (ảnh chụp tại Seal Island - Cape Town) - Ảnh: Binh Nguyên

Trời Nam Phi đang vào mùa thu khá lạnh, trên đường phố xuất hiện nhiều người da đen phóng những chiếc Mercedes, BMW... mới cáu lao vun vút. Thời “hậu apartheid”, đời sống người dân da đen bản xứ - chiếm đến 77% trong tổng số 44 triệu dân - đã được nâng lên rõ rệt. Kể từ sau năm 1994, ước tính thu nhập của người da đen tăng đến 30%.

GDP bình quân của người dân Nam Phi là 11.000 USD/người/năm, song đa số người da đen chỉ ở mức 1.100 USD/người/năm. Nhưng đó đã là cuộc đổi đời lớn lao đối với người dân Nam Phi da đen. Báo chí đã giới thiệu một số doanh nhân da đen thành đạt, có người được gọi là triệu phú.

Những ngày ở Nam Phi, tôi thích nhất hình ảnh những buổi chiều đây đó trên đường phố xuất hiện những cặp vợ chồng đen - trắng tay trong tay rất tình tứ hay những bà mẹ da trắng đang dỗ dành, chăm sóc những đứa con da đen. Đó là hình ảnh của Nam Phi hôm nay và ngày mai...

Nhắc đến lục địa đen mà không nói đến rừng thì thật là một thiếu sót như có ai đó đã nói rằng: “Đến châu Phi mà không đi rừng là chưa tới châu Phi. Đến rừng châu Phi mà không vào rừng Nam Phi là chưa hiểu châu Phi...”.

Một chuyến thám hiểm hoang dã giữa muông thú rừng châu Phi thật thú vị và còn hơn thế nữa...

Kỳ tới: Trong rừng châu Phi

BINH NGUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên