01/05/2008 06:36 GMT+7

Đến Ai Cập làm tranh

TRƯƠNG ANH QUỐC
TRƯƠNG ANH QUỐC

AT - Những thành tựu của nền văn minh Ai Cập cổ đại còn mãi với thời gian. Bên cạnh xây dựng các công trình vĩ đại như Kim tự tháp, hải đăng Alexander, các thành cổ, kỹ thuật ướp xác độc đáo, người Ai Cập còn nổi tiếng về điêu khắc và làm tranh cổ.

ucjnl4nw.jpgPhóng to

Cưỡi lạc đà đi thăm Kim tự tháp-Ảnh: TRƯƠNG ANH QUỐC

Tôi đến Ai Cập cưỡi lạc đà băng qua sa mạc, chiêm ngưỡng Kim tự tháp huyền bí và còn được các nghệ nhân ở đây hướng dẫn kỹ thuật làm tranh. Người Ai Cập rất hiếu khách, họ hướng dẫn rất tận tình.

Nguyên liệu làm tranh là thân cây cói. Cói được lấy từ sông Nile hay các đầm ven biển Địa Trung Hải, chọn những cây cói không quá già cũng không quá non vì già hay non tranh đều không bền. Tùy theo kích thước bức tranh mà cắt cói thành nhiều đoạn tương ứng. Dùng dao vạt bỏ phần tinh cật của cói, chỉ lấy phần ruột ngâm vào nước sạch đúng sáu ngày.

Sau đó vớt ra đặt lên thớt, dùng chiếc chày gỗ tròn cán cho cói dập ra, càng mỏng càng tốt. Cán xong tiếp tục ngâm vào nước sáu ngày nữa. Tôi hỏi cô gái hướng dẫn làm gì mà ngâm mãi thế? Cô gái với sống mũi thẳng, đôi mắt đen láy rất xinh cười rất tươi bảo phải ngâm cho sạch mủ cói và nước mặn trong thân cói. Muốn cho cói trắng và sạch hơn thì cho thêm vào một ít vôi khi ngâm, sau đó vớt cói ra rửa thật sạch rồi trải đều trên bàn ép ép lại.

Bàn ép là hai tấm thép phẳng có gắn các bulon, ép bằng cách siết chặt và đều tay các bulon lại. Bàn ép có thước đo để điều chỉnh độ dày mỏng của giấy cói. Tôi siết bulon mà cứ sợ cói nát ra bột mất nên cứ hỏi được chưa, cô gái cười tươi chỉ lên vạch thước ra hiệu cho tôi cứ vặn bulon ép cho đến lúc đạt yêu cầu mới dừng lại. Ép cói cũng trong sáu ngày mới tháo ra đem sấy khô.

Người Ai Cập cổ đại phơi giấy cói dưới ánh nắng mặt trời trên cát nóng sa mạc, mùa đông thì sấy bằng lửa, còn ở tiệm bán và làm tranh này sấy giấy cói bằng bóng đèn điện tròn cho tiện lợi và nhiệt độ ổn định hơn. Sấy trong buồng sấy sáu ngày thì giấy thành phẩm. Chất lượng của giấy cói không những phụ thuộc vào tất cả các công đoạn thủ công mà còn phụ thuộc vào vùng lấy nguyên liệu cói.

Giấy cói mềm, dai và đẹp. Các xác ướp Ai Cập cổ đại được tẩm liệm từ vải gai và loại giấy cói này với độ bền hàng ngàn năm. Để chống vi khuẩn làm mục giấy, giấy cói có độ bền cao hơn dùng dược liệu tẩm vào. Cô gái xịt dược liệu vào, có tí xíu dính vào vai áo tôi thơm phức, về nhà giặt áo mấy lần mà vẫn còn thơm.

Đó mới chỉ là phần giấy, muốn thành tranh phải đem vào in tranh. Có rất nhiều mẫu khuôn in nhưng nhiều nhất vẫn là tranh dân gian. Tranh dân gian mô tả phong tục tập quán, cuộc sống và mơ ước của người Ai Cập cổ đại. Họ có trí tưởng tượng thật phong phú, nếu du khách không am hiểu phong tục tập quán của họ thì khó cảm nhận được cái thâm ý, cái thần của các bức tranh.

Tôi xem mẫu bức tranh về sự phán xét của con người sau khi chết (tự đặt tên thế chứ tranh làm gì có tên), mỗi người chết đều qua bàn cân trước cổng âm ty, bàn cân có hai đòn, một đòn tượng trưng cho cái thiện, một đòn là cái ác. Nếu đòn cân nghiêng về phía nào sẽ biết người đó sống thiện hay ác, người đó sẽ lên được thiên đàng sống tiếp hoặc bị chó dữ phanh thây...

Du khách thích tranh Ai Cập cổ không chỉ ở nét đẹp tao nhã, thâm thúy và độ siêu bền mà còn ở nét độc đáo: khách có thể mua sản phẩm do chính tay mình làm ra. Và điều thích nhất là được nghe sự hướng dẫn và làm tranh cùng những cô gái Ai Cập rất xinh. Bạn có thích cưỡi lạc đà đi trên sa mạc Sahara, chiêm ngưỡng Kim tự tháp huyền bí và thử tay nghề làm tranh của mình không?

5y26INhz.jpgPhóng to

Áo Trắng số 22 (ra ngày 15-04-2008) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRƯƠNG ANH QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên