![]() |
Không chỉ dập dìu tình nhân, đêm trắng ở Đà Lạt còn là những phận đời mưu sinh nhọc nhằn - Ảnh: U.T.B. |
Đêm xuống, cạnh những đôi trai gái tay trong tay là đêm trắng của những phận đời cần lao trong cuộc mưu sinh gian khó, nhọc nhằn...
Nghe đọc nội dung toàn bài: |
Đồng hồ báo 11 giờ đêm, tôi dắt xe xuống phố. Gió thổi mạnh như muốn vít những ngọn thông sà thấp. Mưa rây dày hạt, những trận mưa cao nguyên gần như kéo dài thâu đêm suốt sáng. Dù đã trang bị khá “dày” từ đầu đến chân nhưng tôi vẫn thấy da thịt buốt như kim châm từ trong dạ buốt ra.
Vậy mà ở khắp các ngả chợ Đà Lạt, nhiều con người vẫn phong phanh đợi những chuyến hàng.
Lấy đêm làm ngày
Đã nhiều lần tôi gặp em, thằng cu Lì xứ Quảng. Bộ quần áo nhàu nát, mái tóc bù xù. Rời xứ vào đây đã gần năm năm, bắt đầu tìm đường mưu sinh là xách hàng, rửa bát, rao mì gõ. Bí quá thì ăn cắp vặt. Bị đánh nhiều hóa ra lì đòn từ đó nhận luôn biệt danh, lâu dần người trong chợ Đà Lạt cũng quên mất tên cúng cơm của em. Chưa đến 1 giờ sáng, chưa đến lúc khuân hàng, mấy anh em, chú cháu túm tụm bên hông chợ lầu làm xị rượu.
Kế bên cu Lì là Tít. Mấy năm trước Tít là đứa trẻ bụi đời chuyên ăn cắp vặt. Ảnh của Tít thường bị treo lên cổng chợ cho người ta nhận mặt để cảnh giác túi tiền. Nay thì khác, cậu đã đĩnh đạc là anh phu khuân vác, bình đẳng với mọi người. Đối với người khác, đó là chuyện tầm phào vì cái nghề vác hàng thuê thì có gì là “vinh quang”, nhưng với Tít thì đó là cả “một vấn đề lớn”.
Khi tôi giơ máy ảnh lên thì ai đó phất tay cản lại. Đó là Trần Mạnh Hải, quê ở xã Quảng Long, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. “Có đẹp đẽ, vui vẻ gì đâu mà chụp! Đây, xin tả bức chân dung của tôi: làm nghề này gần hai mươi năm, ở thuê nhà trọ một tháng 500.000 đồng. Mỗi đêm bốc mấy chục bao hàng, mỗi chuyến 70kg được trả 2.000 đồng. Vợ vẫn sống nhăn răng và hai đứa con vẫn được đến trường hằng ngày”. Đồng hương với Hải là Tình. Tình nói: “Mỗi đêm tôi vác khoảng 2 tấn hàng quần áo cũ. Bố mẹ ốm đau, mấy đứa em còn nhỏ, túng lắm. Mỗi tháng cố dành dụm gửi về nhà độ 300.000 đồng”.
Kế đó là quán cóc của dì Hà, năm nay đã xấp xỉ 70, nói rặt giọng Huế gốc: “Tui vô đây từ năm 1950. Bán ở chợ đêm ni gần 50 năm rồi đó”. Nửa thế kỷ lấy đêm làm ngày, dì lọ mọ ra chợ từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng. Khách của dì là mấy anh khuân vác, mấy chị bán rau, mấy ông bảo vệ chợ trực đêm, mấy bác xe thồ đợi khách...”.
Mé tây chợ, ba chị hàng rau vừa làm hàng vừa trò chuyện rồi cười nắc nẻ. Các chị không nói chuyện làm ăn mà rặt chuyện tiếu lâm. Có lẽ với những người lao động trong đêm buốt giá, chuyện tiếu lâm giúp họ vượt qua nỗi lam lũ, nhọc nhằn, vượt qua cơn buồn ngủ chực kéo ríp mắt.
Ở đây đêm cũng chẳng khác gì ngày. Mới 2 giờ sáng mà tiếng nói tiếng cười, tiếng chửi thề văng tục, tiếng bán mua rộn rã. Dưới chợ lầu, người và hàng đã nhộn nhịp hơn khi những chuyến xe máy, xe tải nhỏ nối nhau từ vùng huyện lịch kịch kéo lên. Chè, chuối từ Lâm Hà; mít, dứa từ Di Linh; cá từ Ninh Thuận; thịt lợn, thịt gà từ Đức Trọng, Đơn Dương, Bảo Lộc.
Đêm của cụ Doãn... Chợ đêm đúng là phiên chợ của những thân phận. Hạnh phúc ở đó và đắng cay cũng ngay cạnh đó. Hơn tuổi dì Hà nhiều là bà Doãn. Cụ bà tuổi đã bát tuần có con đàn cháu đống ấy đáng ra là ngồi một chỗ cho hiếu tử, hiếu tôn hầu hạ. Thế mà trong đêm trời đất căm căm như đêm nay, cụ lụi cụi chọn mua từng nải chuối để sáng ra bán lại kiếm mấy đồng lời. |
Người phụ nữ làm hàng rau một mình bên hông chợ tên Thúy, quê ở xã Hồng Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Tây. Chị cùng chồng là anh Đức mang mấy đứa con nhỏ rời quê vào Đà Lạt từ năm 1997. Thuê phòng trọ vùng ven cho rẻ tiền rồi chạy chợ nuôi con ăn học. Ngày ngày, anh chị đi đến tận nhà vườn mua rau, 11 giờ khuya mang hàng ra chợ làm cho kịp giao xe mối lúc 2g30 sáng.
Đêm nào cũng thức trắng, không quản gió mưa. Niềm hạnh phúc của ông bố bà mẹ ấy là được hi sinh cho tương lai của những đứa con: cô con gái đầu đang là sinh viên tại TP.HCM và hai đứa nhỏ học lớp 6, lớp 10.
Ở góc tường sát hàng rào thương xá La Tulipe, có một cô bé dáng người gầy đét vừa ngủ gà ngủ gật vừa lật cuốn sách toán lớp 12 dưới ánh đèn mờ. Em tên Chiến, quê Quảng Ngãi nhưng vào sinh sống ở xã E Nhoh, huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc từ lâu. “Năm vừa rồi em thi trượt đại học. Em theo chị vừa buôn bán kiếm tiền gửi về nhà vừa ôn lại để năm tới tiếp tục đi thi. Mơ ước của em là trở thành cô giáo”. Hạnh - chị gái em - đang xếp cà chua, dưa leo, mướp đắng lên tấm nilông bên đường cầu thang vào chợ.
Bóng dáng Hạnh lọt thỏm giữa không gian rộng lớn và lạnh lẽo như khắc họa rõ hơn chân dung của một phận người. Hợi, quê ở huyện Đạ Tẻh, lên Đà Lạt làm nghề mổ lợn cũng là một hoàn cảnh tương tự. Năm nay 24 tuổi mà Hợi đã có mười năm bám phố làm thuê. Rít thuốc đỏ lừ, Hợi nói: “Em mổ lợn thuê, mỗi ngày được bốn chục ngàn”. Hợi bảo: “Cả mẹ em và thằng em trai cũng đã lên đây đi ở và làm thuê cho người ta. Thằng cu Mão nhà em mới mười lăm tuổi cũng đã mổ được lợn thuê kiếm sống rồi. Nó cũng giống em, chả học hành gì”.
Trắng đêm với thế giới những người cần lao mới thấy rằng đêm thật dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận