Bài tham dự cuộc thi viết ngắn: "Sài Gòn - TP.HCM: Kỷ niệm không quên"
30-4-1975
![]() |
Không khí hoảng loạn bắt đầu bao trùm cả doanh trại, nơi vốn là Trường huấn luyện sĩ quan Thủ Đức. Ngay thời điểm đó, có hơn 2.000 sinh viên sĩ quan (SVSQ) di tản từ trường mới ở Long Thành về từ ba tuần trước, cộng thêm khoảng 400 SVSQ thuộc hai khóa cuối cùng của Trường võ bị Đà Lạt đang tá túc sau “cuộc - rút - lui - có - trật - tự” từ cao nguyên, chưa kể số cán bộ huấn luyện và nhân viên cơ hữu.Gần 9g, giữa lúc mọi người đang căng thẳng chờ đợi, mặc dù có lẽ ít ai hiểu rõ mình chờ đợi điều gì, thì hai chiếc xe tăng thật to với nòng súng dài ngoằng lù lù tiến vào cổng chính. Cả đại đội hơn 100 SVSQ trấn giữ cổng bỏ chạy tán loạn. Tôi còn nhớ đại đội này gồm những người đang được đào tạo làm phi công ở nước ngoài nhưng vì Mỹ cắt viện trợ nên phải trở về nước học tiếp chương trình huấn luyện của bộ binh.Đại đội SVSQ của tôi tuy đóng ở khu vực không nằm trên hướng đi của xe tăng, nhưng khi trấn tĩnh lại tôi nhận ra mình và cả bạn đồng khóa cũng đã chạy dạt vào sâu phía trong. Mỗi trung đội ba mươi mấy người đều được trang bị hai khẩu M72 chống tăng, vậy mà lúc nghe tiếng xích xe chạy rầm rầm trên mặt đường, phần lớn các “xạ thủ” đã bỏ súng lại tại chỗ, tức ở ngay hố cá nhân của mỗi người. Bởi vậy, sau khoảng 20 phút “xâm nhập” và một phát đạn bắn “thị uy” làm nổ tung đài chứa nước trên cao, hai chiếc xe tăng quay đầu trở ra.Không biết từ lúc nào, ở bờ tuyến phía sau doanh trại vang rền tiếng súng, nhưng hầu như mấy ngàn SVSQ không còn đội hình chiến đấu gì cả, cũng không nghe thấy tiếng ai chỉ huy. Mỗi người tự hành xử theo bản năng. Một số nháo nhào lo tìm chỗ có che chắn khả dĩ làm nơi trú ẩn, một số chĩa súng ra ngoài bờ tuyến và máy móc bóp cò.Tôi không nhớ chính xác thời gian lúc tôi lom khom chạy vào một dãy nhà. Vào rồi tôi mới biết là nhà ở của một gia đình cán bộ huấn luyện. Có khá đông người vây quanh chiếc radio đang lặp đi lặp lại lời của ông tướng nào đó kêu gọi buông súng. Không khí như đặc quánh đến độ khó thở. Không ai lên tiếng. Người đứng chết sững, kẻ ngồi bệt xuống đất ôm đầu. Thú thật, nước mắt tôi tự nhiên rơi. Một cảm xúc không thể tả được. Rồi sau đó là nỗi bàng hoàng, hụt hẫng. Tôi không hay bên ngoài tiếng súng đã im bặt tự lúc nào.11g30, súng đạn bị vứt bừa bãi khắp mặt đất. Tôi cùng một nhóm hơn chục người mon men ra cổng chính. Một tốp bộ đội và mấy người mặc thường phục đeo băng vải đỏ ở tay áo đang khiêng mấy cái bàn, cái ghế đặt ngay cổng. Nhóm chúng tôi là những người đầu tiên nhận giấy thông hành đi đường. Vừa bước ra khỏi cổng, tôi thót tim khi nòng súng từ tay một thanh niên còn trẻ măng chĩa vào ngực. Anh ta yêu cầu tôi lột bỏ chiếc áo lính có gắn an-pha trên ve áo, dấu hiệu chứng nhận đã vượt qua tám tuần huấn nhục đầy khổ ải của cuộc sống quân trường.Xa lộ nêm chật người ngược xuôi, hầu hết là lính “tan hàng” và rất nhiều xe chở bộ đội hướng về Sài Gòn. Cứ đi một quãng lại thấy một “núi” quần áo, mũ giày của lính vứt bỏ. Trong cơn bấn loạn, hình như ai cũng muốn sớm chia tay mọi thứ có thể chứng minh thân phận của mình. Không sợ sao được! Nhất là khi phải cùng di chuyển chung trên đường và thật sát gần với những người bộ đội mà họ chưa hề nghĩ sẽ có lúc phải như thế.
“Hai phía” cùng lúc tiến vào Sài Gòn với tâm trạng và tư thế hoàn toàn trái ngược. Người hớn hở nhưng không kém phần cảnh giác; kẻ ủ rũ với sự e dè, lo âu. Có lẽ không có ngày nào, lúc nào mà con người ta lại có quá nhiều trạng thái đến như vậy...Mãi sau này tôi mới biết khoảng cách từ Thủ Đức về Sài Gòn chỉ mười mấy cây số. Vậy mà ở cái ngày không thể quên đó, tôi đã đi mất hơn sáu tiếng đồng hồ. Tôi bước đi trong vô thức như người mộng du, không có định hướng, không có mục đích. Trong đầu tôi nếu có chăng chỉ là sự lo lắng bị tù đày, bị trả thù bởi người chiến thắng! Trời sụp tối tôi mới vào đến trung tâm Sài Gòn. Không bà con thân thuộc, không bè bạn, người quen... Tôi đã trải qua một đêm trắng đúng nghĩa. Lạnh, đói và nỗi sợ hãi khôn cùng!Đêm ấy, tôi vẫn chưa có nhận thức như thế là đã chấm dứt chiến tranh, là đã có hòa bình, không còn chết chóc, thương tật, không còn cảnh gia đình ly tán, vợ mất chồng, mẹ mất con..., là bắt đầu một cuộc đời khác...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận