07/01/2023 11:24 GMT+7

Đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày

Kỳ điều hành giá xăng dầu được đề xuất điều chỉnh 7 ngày/lần vào thứ năm hằng tuần nhằm phù hợp với biến động giá thế giới.

Đề xuất rút ngắn kỳ điều hành giá xăng dầu còn 7 ngày - Ảnh 1.

Kỳ điều hành giá xăng dầu có thể được điều chỉnh từ 10 ngày xuống còn 7 ngày - Ảnh: N.PHƯỢNG

Bộ Công Thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo nghị định 95 kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Liên bộ đề xuất phương án thay đổi điều hành giá xăng dầu

Hiện theo nghị định 95, thời gian điều hành giữa hai kỳ là 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hằng tháng. 

Việc quy định 10 ngày được các doanh nghiệp nhận định là phù hợp. Đặc biệt là phương thức tính giá mua bán, nhập hàng, chu kỳ lấy giá để tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI), giữ ổn định tương đối kế hoạch kinh doanh.

Tuy nhiên, diễn biến tăng giảm liên tục thời gian qua đã có nhiều ý kiến về kỳ điều hành giá xăng dầu. Do đó, liên bộ Công Thương - Tài chính cho rằng chu kỳ điều hành giá 10 ngày hiện vẫn phù hợp. 

Đây cũng không phải là nguyên nhân của thiếu hụt nguồn cung xăng dầu. Tuy nhiên, liên bộ vẫn đề xuất các phương án thay đổi về điều hành giá xăng dầu.

Phương án 1, giữ nguyên thời gian điều hành giá xăng dầu như hiện nay. 

Tức kỳ điều hành vẫn là 10 ngày một lần. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo cơ quan điều hành về thời gian phù hợp diễn biến từng giai đoạn. 

Phân tích ưu điểm, phương án này không làm ảnh hưởng tới kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo sự ổn định tương đối về giá xăng dầu để không ảnh hưởng tới điều hành vĩ mô, do xăng dầu là mặt hàng bình ổn giá.

Tuy vậy, nhược điểm là khi giá thế giới vào giai đoạn tăng sẽ không phù hợp. Đặc biệt là những vấn đề gây ra khó khăn về nguồn cung xăng dầu chưa được giải quyết dứt điểm. Đơn cử như việc tính đúng, đủ chi phí, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ nguồn lực tài chính... Vì vậy, việc sửa đổi điều hành giá được nêu ra. 

Phương án 2, bộ đề xuất rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu. 

Cụ thể, kỳ công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày. Thực hiện vào ngày cụ thể trong tuần. Phương án này đảm bảo giá xăng dầu trong nước biến động gần hơn với giá thế giới. Khi giá tăng sẽ được sự ủng hộ của các doanh nghiệp. 

Nhược điểm của phương án là không phù hợp với thời gian nhập khẩu xăng dầu (từ 10-15 ngày). Vì vậy, khi thị trường bất ổn với xu hướng bất lợi, kỳ điều hành quá ngắn sẽ ảnh hưởng tới kinh doanh. Doanh nghiệp cũng khó đoán định được giá trong nước khi nhập khẩu, nhất là khi chu kỳ giá đi xuống. 

Mặc dù vậy, trong dự thảo Bộ Công Thương chọn phương án 2. Thời gian hai kỳ điều hành giảm từ 10 ngày xuống 7 ngày. Ngày điều hành sẽ vào thứ năm hằng tuần, không kể ngày nghỉ lễ nếu trùng vào ngày mùng 1, 2 và 3 tháng 1 âm lịch của Tết Nguyên đán. 

Trường hợp thứ năm trùng vào những ngày từ mùng 1 đến 3 tháng 1 âm lịch, kỳ điều hành sẽ được chuyển sang ngày mùng 4. 

Nêu lý do chọn phương án này, Bộ Công Thương cho rằng sẽ đảm bảo giá xăng dầu bám sát hơn với diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. 

Việc điều hành kể cả vào ngày nghỉ lễ nhằm tránh việc giá có biến động lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng hoặc doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.

Bộ Công Thương muốn chuyển quản lý xăng dầu sang Bộ Tài chính

Nêu quan điểm sửa đổi quy định liên quan đến ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công Thương đưa ra ba phương án gồm: giữ nguyên như quy định hiện hành, giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công Thương quản lý.

Phân tích ưu, nhược điểm của các phương án, Bộ Công Thương cho rằng dù phương án 1 vốn được thực hiện nhiều năm, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ từng bộ ngành, thực hiện giám sát kiểm tra chi phí, song khi có vấn đề phát sinh lại cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành để cùng xử lý.

Trong khi phương án 2, Bộ Tài chính đảm trách toàn bộ sẽ chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính nên thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn, công bố giá điều hành. Song nhược điểm, theo Bộ Công Thương, là việc điều hành giá tách xa việc điều hành cung cầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập, khách quan trong tính toán chi phí kinh doanh xăng dầu.

Đối với phương án 3 giao cho Bộ Công Thương, dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu, nhưng lại không đảm bảo sự phù hợp, thống nhất trong phân công, thực hiện theo chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy.

Trên cơ sở các phân tích, Bộ Công Thương đề xuất lựa chọn phương án 2, tức là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công Thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Lọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục gặp sự cố, doanh nghiệp lại lo căng thẳng xăng dầuLọc hóa dầu Nghi Sơn tiếp tục gặp sự cố, doanh nghiệp lại lo căng thẳng xăng dầu

Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) tiếp tục gặp sự cố kỹ thuật nên phải ngừng tạm thời phân xưởng để khắc phục sự cố, làm giảm một phần lượng xăng dầu so với kế hoạch.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên