18/12/2014 16:01 GMT+7

​Đề xuất lập bộ mới quản lý giáo dục nghề nghiệp

MINH GIẢNG
MINH GIẢNG

TTO - Các trường khối chuyên nghiệp mong muốn vẫn thuộc sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Nhiều ý kiến đề xuất thành lập thêm bộ hoặc cơ quan mới để quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Đại diện Trường CĐ Kinh tế đối ngoại và nhiều trường khối chuyên nghiệp khác không muốn nằm dưới sự quản lý của Bộ LĐ-TB-XH - Ảnh: MINH GIẢNG

Đây là các ý kiến được đưa ra tại buổi tọa đàm: Quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp (trung cấp, CĐ nghề và chuyên nghiệp) do Hội Dạy nghề TP.HCM tổ chức sáng 18-12. Buổi tọa đàm có sự tham gia của các trường nghề, trường trung cấp và cao đẳng chuyên nghiệp.

Luật giáo dục nghề nghiệp vừa được Quốc hội thông qua và giao cho Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và phân công cụ thể cơ quan thay mặt chính phủ quản lý.

Không muốn về Bộ LĐ-TB-XH

Theo đại diện các trường, nếu giao giáo dục nghề nghiệp về Bộ LĐ-TB-XH sẽ có nhiều bất cập trong vấn đề xây dựng chương trình, tính liên thông của hệ thống và tuyển sinh sẽ gặp khó khăn.

Theo bà Lê Kiều Nương, phó chủ tịch Hội Dạy nghề TP.HCM, hiện nay Bộ LĐ-TB-XH quản lý dạy nghề, Bộ GD-ĐT quản lý giáo dục chuyên nghiệp, mỗi bên đều xây dựng chương trình đào tạo riêng.

Do đó, liên thông từ nghề lên CĐ, ĐH rất khó khăn. Những người tốt nghiệp trường nghề liên thông lên ĐH hầu như trường phải đào tạo lại, không có sự thừa nhận và liên thông chương trình.

Ông Nguyễn Việt Tuấn, phó hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế đối ngoại, cho rằng nhiều trường nghề được đầu tư lớn nhưng hoạt động chưa hiệu quả, tuyển sinh rất khó khăn.

Khi Bộ LĐ-TB-XH quản lý hệ nghề chưa tốt, nay giao thêm mảng chuyên nghiệp nữa sẽ rất khó khăn. 

Bộ GD-ĐT quản lý sẽ tốt hơn khi thống nhất đầu mối quản lý, xây dựng chương trình, chính sách cũng như đảm bảo tính liên thông cho cả hệ thống giáo dục.

Tương tự, ông Trần Văn Hùng, hiệu trưởng Trường trung cấp Du lịch và khách sạn Sài Gòn Tourist, thẳng thắn: Bộ LĐ-TB-XH có nhiều dự án hợp tác quốc tế và kinh phí đầu tư cho các trường nghề rất lớn nhưng việc tuyển sinh, đào tạo không hiệu quả. Nhiều trường giờ sống bằng ngân sách.

Cũng với quan điểm không muốn về Bộ LĐ-TB-XH, bà Nguyễn Thị Lý, hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức, nhấn mạnh: hiện nay các trường đều có mục tiêu hội nhập về chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế, đòi hỏi đầu vào của sinh viên cao hơn.

Nếu ở Bộ GD-ĐT trường vẫn thi tuyển nên đầu vào, trong khi nếu về Bộ LĐ-TB-XH thì việc xét tuyển đầu vào sẽ khó nâng chất lượng.

Lập Bộ ĐH và giáo dục nghề nghiệp?

Góp ý tại buổi tọa đàm, nhiều ý kiến cho rằng nên thống nhất đầu mối quản lý giáo dục nghề nghiệp về một bộ, không phân tán như hiện nay. Nhiều ý kiến đề xuất lập một cơ quan thứ ba trực thuộc Chính phủ ngoài hai Bộ LĐ-TB-XH bà Bộ GD-ĐT để quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Ông Dương Minh Kiên, Hội Dạy nghề TP.HCM, cho rằng cần phải có một bộ quản lý thống nhất cả hệ thống từ trung cấp đến ĐH để thống nhất chương trình, liên thông không bị tắc nghẽn. Nên lập một bộ mới với tên gọi Bộ ĐH và giáo dục nghề nghiệp.

Theo ông Kiên, bộ mới này hình thành dựa trên việc tách và sáp nhập Tổng cục Dạy nghề từ Bộ LĐ-TB-XH, Vụ Giáo dục chuyên nghiệp và ĐH từ Bộ GD-ĐT như thế sẽ không lo bộ máy bị phình to.

Nhiều đại biểu cũng đồng tình với phương án thành lập mới Bộ ĐH và giáo dục nghề nghiệp để quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Ông Nguyễn Việt Tuấn đồng tình khi cho rằng nên thành lập bộ này. Ông Tuấn đề xuất: trong trường hợp chưa có phương án thành lập bộ mới, tốt nhất nên tạm giao cho Bộ GD-ĐT quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Đồng tình với việc thống nhất quản lý giáo dục nghề nghiệp về một đầu mối nhưng ông Trần Văn Hùng cho rằng trong thời kỳ “quá độ” hiện nay, nên thành lập Tổng cục Nghề nghiệp trực thuộc Chính phủ để làm đầu mối quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Sau một thời gian có thể thành lập Bộ ĐH và giáo dục nghề nghiệp.

Trong khi đó, ông Lưu Đức Tiến - phó phòng giáo dục chuyên nghiệp và ĐH Sở GD-ĐT TP.HCM – cho rằng luật hiện nay quy định bậc ĐH vẫn thuộc Bộ GD-ĐT nên việc lập bộ mới, tách luôn bậc ĐH khỏi bộ này đòi hỏi phải điều chỉnh nhiều luật khác nhau.

Do đó, để dung hòa có thể thành lập Tổng cục Nghề nghiệp trực thuộc Chính phủ để quản lý giáo dục nghề nghiệp.

Liên thông không phải là chiêu bài tuyển sinh

Theo ông Lưu Đức Tiến, hiện nay nhiều trường sử dụng chiêu bài liên thông CĐ, ĐH để tuyển sinh. Nhiều trường cho rằng viêc tuyển sinh gặp khó khăn là do quY định về liên thông CĐ, ĐH quá ngặt nghèo.

Tuy nhiên, thực tế nhiều trường không có chương trình liên thông vẫn tuyển sinh rất tốt. Trường nào có chất lượng và cơ sở vật chất tốt sẽ tuyển sinh tốt.

Mục tiêu của liên thông là quá trình học tập suốt đời chứ không phải để lấy bằng CĐ, ĐH như ý kiến của nhiều người.

MINH GIẢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên