25/05/2010 01:18 GMT+7

Đề xuất cho trả góp nhà tái định cư trong 15-20 năm

 P.P.H. - D.N.HÀ
 P.P.H. - D.N.HÀ

TT - Đoàn công tác liên ngành kiểm tra các khu nhà ở tái định cư trên địa bàn TP.HCM vừa có báo cáo UBND TP và kiến nghị cho các trường hợp mua nhà tái định cư trả góp 10 năm nhưng có hoàn cảnh khó khăn thì được kéo dài thời gian trả góp trong vòng 15-20 năm.

* Kiến nghị chỉ giao đất cho doanh nghiệp sau khi bồi thường xong

Nếu người dân không mua nhà tái định cư có thể chuyển sang hình thức thuê nhà. Đoàn kiểm tra cũng đề xuất TP có biện pháp chế tài đối với các hộ đang sử dụng căn hộ, nền đất tái định cư nhưng không ký hợp đồng thuê, mua, không đóng tiền nhà.

Các trường hợp mua nhà, đất tái định cư (không thuộc diện trả góp), chưa trả hết tiền mà bán lại suất tái định cư nếu quá thời hạn trả tiền thì tính lãi trên số tiền nợ. Quá 12 tháng không thực hiện nghĩa vụ thì thu hồi nền đất, căn hộ để bố trí cho trường hợp khác.

Về kết quả kiểm tra nhà tái định cư tại 21 quận huyện (trừ huyện Hóc Môn, Củ Chi, Cần Giờ) của TP.HCM, trong tổng số gần 26.000 căn hộ, nền đất tái định cư xây dựng và mua lại, các quận huyện đã bố trí sử dụng gần 20.300 căn, nền đất, còn hơn 5.400 căn, nền đất chưa bố trí.

Theo đoàn kiểm tra, việc mua bán, sang nhượng suất tái định cư diễn biến khá phức tạp, với số lượng lớn. Tại 16 quận, huyện đã có báo cáo (trừ quận 1, 7, 9, Bình Tân và huyện Nhà Bè) cho thấy trong tổng số gần 19.900 trường hợp đã bố trí có hơn 2.600 trường hợp có dấu hiệu mua, bán suất tái định cư, nhiều nhất ở quận 2, 8, 11, Bình Thạnh...

Nguyên nhân do các dự án chưa có sẵn căn hộ, nền đất để bố trí trong khi người dân muốn có nơi ở ngay. Mặt khác, do giá chuyển nhượng suất tái định cư trên thị trường cao hơn giá bán của Nhà nước nên người dân muốn bán suất tái định cư để hưởng chênh lệch, một số nơi tái định cư chưa có đường sá, trường học, chợ...

* Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM vừa kiến nghị Bộ Tài nguyên - môi trường cho phép cơ quan chức năng ký quyết định thu hồi đất trước, sau khi doanh nghiệp bồi thường giải phóng mặt bằng xong mới ra quyết định giao đất. Vì theo quy định tại nghị định 69 (bổ sung quy định về thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ, tái định cư), các cơ quan chức năng ký quyết định thu hồi đất và giao đất cùng một lần (chung một quyết định) là hết sức rủi ro. Tại TP.HCM đã có trường hợp doanh nghiệp nhận được quyết định thu hồi và giao đất xong, sau đó đem chuyển nhượng đất trên giấy mà không bồi thường, giải phóng mặt bằng.

 P.P.H. - D.N.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên