11/04/2008 10:40 GMT+7

Để vượt thoát quán tính tù đọng

(Ăn phở rất khó thấy ngon, Nguyễn Trương Quý, NXB Trẻ)
(Ăn phở rất khó thấy ngon, Nguyễn Trương Quý, NXB Trẻ)

TT - "Phở 24/24", "phở vẫn thèm nem chưa chán"… mà sao "ăn phở rất khó thấy ngon"? Theo Nguyễn Trương Quý, bây giờ ăn phở không thấy ngon (chứ không hẳn phở không còn ngon) bởi 101 lý do, ví như: cuộc sống đã phong trần hơn, ăn đã sướng mồm hơn, Hà Nội đã bớt hữu tình hơn…

BOvtHrsa.jpgPhóng to
Phác thảo minh họa cho bìa sách do chính tác giả Nguyễn Trương Quý thực hiện - Ảnh tác giả cung cấp
Nghe đọc nội dung toàn bài:

Thêm nữa, bây giờ ăn phở rất khó thấy ngon vì phở vốn rất sẵn, lại trang trọng, "phở có tư cách đúng đắn" chứ không còn là chuyện lâu lâu lén lút như… bồ bịch nữa (!). Như vậy, ăn phở rất khó thấy ngon cũng là phải.

Dí dỏm, độc đáo mà gần gũi, những bài tản văn của Nguyễn Trương Quý như những cuộc tản bộ trong đời sống, tản mát vào lòng người, gieo những nụ cười và cả những hoài tiếc ngẩn ngơ. Thoạt tiên, cái tựa sách dễ gây ở bạn đọc một sự nhầm lẫn về một cuốn tản văn chủ đề ẩm thực. Nhưng không phải vậy, đây là một cuốn tản văn đặc biệt như một "chuyên khảo" tâm lý xã hội học về đời sống "dân văn phòng".

Một xã hội thành thị, được chủ ý khu biệt "tầm ngắm" vào chốn công sở, đời sống của "dân văn phòng" được tác giả vẽ lên không chỉ ở những phác thảo chân dung, mà còn quán xuyến nhiều chi tiết thường nhật đắt giá. Dân văn phòng thì sao? Họ có phải là những con người lưng lửng, lưng chừng; nhiều mộng ước nhưng thường loay hoay với những thực tại "trần trụi" hằng ngày?

KpmiZtAE.jpgPhóng to
Dân văn phòng ngày nay có phải là những người thường hay lẩm nhẩm câu "thần chú” kiểu như: "Đời thay đổi khi chúng ta thay đổi", nhưng thú thật họ là những người rất ngán ngại sự thay đổi? Có đúng vậy không? Đó có phải là tâm lý của số đông?

Nhìn đời sống của viên chức thành thị theo "qui luật chậm dần đều", Nguyễn Trương Quý viết: Tại sao khi mới đi làm chúng ta ai cũng hăm hở? Tưởng như bầu nhiệt huyết đang sôi sục trong người chỉ chờ có cơ hội là được bộc lộ. Vậy mà chỉ sau vài năm đi làm ở công sở, chúng ta cứ chuội dần đi…Và thấy cái gì cũng như càng ngày càng có vẻ chậm hơn. Cái gì làm cho chậm? Ma sát ở đâu ra?... Những câu hỏi như thế không phải nêu ra để trêu nhau, mà là những cuộc tự vấn âm thầm.

Nguyễn Trương Quý vốn không phải là dân viết lách chuyên nghiệp, mà là một kiến trúc sư hành nghề tự do. Nhưng Nguyễn Trương Quý không phải là cái tên xa lạ, anh từng gây ấn tượng qua tập tiểu luận Tự nhiên như người Hà Nội (NXB Trẻ 2004). Và ở tập tản văn mới này, Nguyễn Trương Quý tiếp tục cho thấy một tư duy chữ cùng vốn văn hóa khá phong phú và dày dặn.

Nét duyên trong tản văn của Nguyễn Trương Quý là "chuyện nọ xọ chuyện kia" nhưng không sa đà, ôm đồm mà biết dừng lại và "ghi bàn". Ví như đang "tám" chuyện phim truyền hình Việt, Nguyễn Trương Quý chợt "phát hiện" nó cũng giống như bóng đá Việt. Nếu trong bóng đá Việt thường là "thủ môn phát bóng cho hậu vệ biên, hậu vệ này chuyền ngay cho trung vệ, cầu thủ này chuyền cho tiền vệ trụ, tiền vệ này lại trả bóng cho hậu vệ cánh bên, hậu vệ này bèn lừa bỏ bóng cho tiền đạo. Sốt ruột quá, sút đi. Thì… tiền đạo bị đối phương lấy mất bóng". Thì trong phim Việt cũng na ná như thế, cứ "một chạm một chạm", chỉ riêng chuyện đi uống nước mà "tốn nhiều mét phim quá”, xong lại chẳng thấy "ghi bàn" gì cả.

Cười, có khi bật thành tiếng; buồn, nhiều khi tưởng xa xỉ mà ngấm ngầm. Nếu nói đọc Nguyễn Trương Quý là để "nhìn lại mình" cũng đúng, nhưng có lẽ cần hơn hết là những hành động để vượt thoát quán tính tù đọng. Một khi thắng được "ma sát" thì hành trình không chỉ nhẹ nhàng hơn mà niềm vui còn bồng bềnh hơn.

(Ăn phở rất khó thấy ngon, Nguyễn Trương Quý, NXB Trẻ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên