Chương trình diễn ra trong cùng buổi sáng 3-3 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN (từ ngày 2 đến 6-3).
Đại biểu VN giao lưu với đại biểu quốc tế tại Hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN - Ảnh: Văn Luận |
Tại hai cuộc hội thảo này, các nhà văn, nhà thơ VN đã “tranh thủ” khoe với bạn bè quốc tế về nền văn học phong phú của đất nước mình qua những thành tựu nổi bật, nhất là qua những tác giả văn học trung đại nổi tiếng như Trần Nhân Tông, Cao Bá Quát, Nguyễn Du đến những tác gia của nền văn học hiện đại như Hồ Chí Minh, Vũ Trọng Phụng, Vũ Ðình Liên, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Quang Thiều, Y Phương, Từ Ngàn Phố, Nguyễn Bắc Sơn...
Tuy nhiên, trong số hơn 30 tham luận trong nước được gửi đến ban tổ chức, chỉ có vài ba tham luận của nhà văn Lê Minh Khuê, nhà văn Phạm Hoa, dịch giả Lê Bá Thự đề cập đến câu chuyện làm gì để văn - thơ VN hội nhập thế giới mạnh mẽ.
Trong đó, nhà văn Lê Minh Khuê gọi thực tế ấy là sự cô đơn của văn học tiếng Việt, dẫu rằng các vấn đề văn học VN rất gần với thế giới. Nhà văn lý giải: “Không chỉ là sự khác biệt mà có sự cô đơn.
Tiếng Việt so với các thứ tiếng trên thế giới ít được chú ý. Viết văn bằng tiếng Việt luôn là thử thách bởi ít khi được giới thiệu ra ngoài...
Do dịch thuật không thể hoàn hảo. Do xuất bản để quảng bá tác phẩm khó khăn. Do bản thân người Việt cũng ít có khả năng cả về thời gian và tài chính để đưa văn học mình đến gần với các ngôn ngữ khác”.
Câu chuyện quảng bá văn học VN có vẻ được bạn bè quốc tế quan tâm đến nhiều hơn. Ðầy am hiểu về văn học VN, GS Chúc Ngưỡng Tu (dịch giả Trung Quốc) vạch rõ: “Chúng tôi cho rằng để có nhiều tác phẩm văn học VN được giới thiệu ra nước ngoài, cần thiết phải giải quyết ba vấn đề: một là có tác phẩm hay, hai là phải có dịch giả giỏi và ba là phải có... tiền”.
Ông Igor Britov - nhà VN học, dịch giả văn thơ VN đương đại, trưởng ban biên tập của Hãng thông tấn quốc tế Nước Nga ngày nay - nhắn nhủ: “Giờ đây người Nga không được biết nhiều về VN như trước. Vì thế cần phải quảng bá văn hóa VN có định hướng và tổng thể như có chiến dịch quảng cáo, hoạt động truyền thông.
Có thể tận dụng sự nhiệt tình của các nhà VN học người Nga, nhưng sự quảng bá văn hóa Việt ở Nga chỉ có thể thật sự được tiến hành nếu chính người Việt ở các cấp đều vào cuộc như đại sứ quán, các nhà văn, nhà nghiên cứu văn học, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp”.
* In sai tên bài thơ của LƯU QUANG VŨ: “Chúng tôi thấy thế là thiếu sót!” Nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN - đã nói như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về nội dung không chính xác trong tấm panô giới thiệu các nhà văn, nhà thơ thời kỳ chống Mỹ được trưng bày trong triển lãm tại buổi khai mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN lần 3 ở Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Tấm panô giới thiệu về nhà thơ Lưu Quang Vũ đã in sai tên bài thơ Ðêm đông chí uống rượu với bác Lâm và bác Khánh, nói về những cuộc chia tay thời loạn thành Ðêm đồng chí và tên thân mẫu của Lưu Quang Vũ là bà Vũ Thị Khánh thì in thành Nguyễn Thị Khánh. Ông Hữu Thỉnh nói: “Vì bộ phận phụ trách làm vội, chỉ làm trong một đêm. Chúng tôi thấy thế là thiếu sót và sẽ kịp thời điều chỉnh ngay”. Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lưu Khánh Thơ - em gái nhà thơ Lưu Quang Vũ - cho biết: “Tấm panô này được trưng bày tại Văn Miếu từ ngày thơ năm ngoái (2014), có bạn đọc đã viết trên mạng vì sự nhầm lẫn tai hại này rồi. Hi vọng lần trưng bày thứ 3 sẽ hết sai”. |
* Nhà thơ BẰNG VIỆT (chủ tịch Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội): Văn học VN vẫn quẩn quanh trong lũy tre làng! Lượng dịch văn học nước ngoài vào VN nhiều bao nhiêu thì chúng ta lại thấy lượng dịch văn học VN ra tiếng nước ngoài lại rất ít, ít đi so với thời chống Mỹ. Sau chiến tranh, phải chăng có một thời kỳ văn học của chúng ta chưa tìm được một tiếng nói chung với nhu cầu của độc giả thế giới. Vì thế trong suốt hơn 20 năm (1975-1995) nền văn học VN im ắng không ra khỏi được lũy tre làng. Tác phẩm chỉ xuất bản trong nước, còn xuất khẩu ra nước ngoài là không có và cũng chẳng có người để dịch. Có một số tác phẩm được dịch thường do nỗ lực cá nhân, của một số người nhưng mang nhiều thiên kiến cá nhân. Còn về phía Nhà nước đến giờ vẫn chưa có cơ quan nào trực tiếp thực hiện. Mươi năm trở lại đây, Nhà nước có chủ trương hội nhập nền văn học với thế giới và quan tâm đến công tác quảng bá văn học, điển hình như tổ chức Hội nghị quốc tế quảng bá văn học VN. Tính ra từ đợt đầu tổ chức đến giờ cũng đã 12 năm, thế nhưng mọi việc không có chuyển biến là mấy. Thế nên ở đây có hai vấn đề cần được đặt ra là: Thứ nhất, Nhà nước cần phải cởi mở hơn nữa trong việc đề xuất hoặc định hướng cho văn học nghệ thuật, làm thế nào để những đề tài của văn học nghệ thuật VN cũng là những đề tài mang tính nhân loại. Các tác phẩm được xuất bản phải là tác phẩm hay, người ta muốn đọc, những vấn đề mà thế giới quan tâm. Thứ hai, phải quan tâm trở lại với đội ngũ dịch thuật bằng việc đào tạo, đảm bảo chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này. Ðội ngũ dịch giờ đây rất thiếu. Những dịch giả uyên thâm về tiếng Pháp, Nga, Trung Quốc đều qua đời, già cả rồi. Thế hệ học tiếng Anh mới có một số người giỏi, nhưng nói chung chưa đạt đến trình độ dịch văn học một cách thoải mái. Ðấy là dịch xuôi, còn việc dịch ngược khó hơn nhiều và đòi hỏi sự đầu tư lớn hơn. Bởi lẽ dịch ngược đòi hỏi dịch giả phải cảm thụ văn học VN bằng tiếng mẹ đẻ của nước bản ngữ - điều này rất hiếm dịch giả đạt được. Thế nên các dịch giả VN thường rất ngại dịch ngược. Ðây là cả một vấn đề lớn cần sự đào tạo thật công phu để mình chủ động trong việc dịch, chứ không thể chỉ trông cậy vào một người nào đó chỉ dịch khi họ thấy thích. Hơn nữa, những vấn đề này cần một chính sách, cần cái nhìn tỉnh táo, tinh tường, đồng thời chi tiết hơn nữa, chứ cứ nói chung chung thì không thể làm được. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận