Phóng to |
Một nông dân ở Cần Thơ phun xịt thuốc sâu không mang khẩu trang - Ảnh: Thái Lũy |
BS Nguyễn Minh Vũ, trưởng khoa cấp cứu, cho biết tất cả trường hợp vô ý ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật đến bệnh viện này cấp cứu đều xảy ra khi phun xịt thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ ngoài đồng. Thông thường nông dân chủ quan, không che chắn mặt nạ phòng vệ, đi phun thuốc ngược hướng gió nên thuốc bay vào mặt.
Các triệu chứng nhiễm độc thông thường nhất là mệt mỏi, chóng mặt, khó thở, buồn nôn; sau đó co giật, co cứng toàn thân, mạch chậm... Nếu hít phải chất độc có thể gây kích ứng mắt và mũi họng, nhìn mờ, đồng tử co nhỏ, nếu nặng có thể tử vong. BS Vũ hướng dẫn trong trường hợp nhiễm độc bên ngoài cần thay hết quần áo, tắm rửa tay, mặt bằng xà phòng và sớm đưa đến cơ sở y tế.
Ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở trẻ em còn để lại hậu quả nặng nề hơn, phần lớn trường hợp trẻ em ngộ độc thuốc trừ sâu là do uống nhầm vì sự bất cẩn của người lớn. Ở Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, năm ngoái có 86 trường hợp trẻ em ngộ độc nhập viện, trong đó có một trường hợp tử vong.
Theo BS Hà Anh Tuấn - trưởng khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện, đa số trường hợp ngộ độc trẻ em tại đây là ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, loại thuốc dạng nước hoặc dạng hạt... thường xảy ra rất nặng ở nhóm 1-3 tuổi. BS Tuấn khuyến cáo gặp trường hợp này, người lớn có các động tác thọc tay vào miệng bé chọc cho bé nôn ói ra rồi đem ngay đến cơ sở y tế gần nhất, và nếu tìm được loại thuốc bé đã uống thì đem đến cho bác sĩ.
Ngoài ra vẫn có một số ít trường hợp ngộ độc thuốc diệt cỏ nằm trong nhóm thuốc khai hoang (Paraquat) rất nguy hiểm, mặc dù thuốc này đã bị cấm sử dụng. Theo BS Nguyễn Minh Vũ, nếu ngộ độc thuốc diệt cỏ này, tỉ lệ tử vong rất cao.
Theo BS Phạm Văn Chính - Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe Cần Thơ, để phòng tránh ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật, tốt nhất bảo quản thuốc ở nơi an toàn, hợp lý: ghi nhãn các loại thuốc, để trong tủ có khóa hoặc để trên giá cao ngoài tầm với của trẻ...Không được dùng các chai đựng nước, chai bia, nước ngọt để đựng thuốc trừ sâu vì trẻ dễ nhầm đem ra uống.
Nông dân khi phun thuốc nhớ mang khẩu trang loại chuyên dùng chống độc, đeo kính, mặc áo nilông (áo mưa) dài tay, quay lưng đi lùi lại với chiều gió không để thuốc tạt vào người; không phun xịt thuốc khi bụng đói, đang yếu trong người hay mới khỏi bệnh; không hút thuốc lá, ăn, uống khi phun xịt thuốc; tắm rửa thật sạch bằng xà phòng sau khi phun xịt thuốc; khi vòi phun bị nghẹt không dùng miệng để hút; nghỉ ngơi xen kẽ trong lúc làm việc, không phun xịt liên tục quá hai giờ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận