15/09/2010 08:07 GMT+7

Để toàn dân góp ý cho Đảng

V.V.THÀNH thực hiện
V.V.THÀNH thực hiện

TT - Ngày 14-9, trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bắc Son (ủy viên Trung ương Đảng, phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương) cho biết:

7y83CZ26.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Bắc Son - Ảnh: N.C.T.

Lấy ý kiến góp ý của trí thức người Việt Nam ở nước ngoài

Theo hướng dẫn việc công bố và lấy ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội XI của Đảng của Ban Tuyên giáo trung ương: Đảng đoàn Quốc hội có trách nhiệm lấy ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu Quốc hội; Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì, phối hợp với sự chỉ đạo của Ban Dân vận trung ương tổng hợp ý kiến từ các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, các chức sắc, nhân sĩ, trí thức tiêu biểu, trí thức người Việt Nam định cư ở nước ngoài; Đảng ủy quân sự trung ương, Đảng ủy công an trung ương tổ chức lấy ý kiến những người là cán bộ, đảng viên và không phải là đảng viên trong lực lượng vũ trang; Đảng ủy các cơ quan trung ương, Đảng ủy khối doanh nghiệp trung ương và trung ương các tổ chức chính trị - xã hội chỉ đạo việc lấy ý kiến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên doanh nhân...

- Việc công bố, lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện Ban chấp hành Trung ương (khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng (dự thảo văn kiện) được tiến hành từ hôm nay 15-9 đến hết ngày 31-10-2010. Các dự thảo văn kiện bao gồm: dự thảo cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương (khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng, dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020.

* Được biết, các dự thảo văn kiện đã được góp ý của đảng viên tại đại hội đảng bộ các cấp. Như vậy mục đích của việc công bố và lấy ý kiến người dân vào các dự thảo văn kiện là gì?

- Đây là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng trước thềm Đại hội Đảng lần thứ XI. Theo đó, mục đích đầu tiên của việc công bố và lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, góp phần làm cho các văn kiện không chỉ là trí tuệ của Đảng mà trở thành sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn dân; giúp các cấp ủy Đảng nắm được tư tưởng, nguyện vọng, ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân để bổ sung, phát triển đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước... Khi văn kiện đã hội tụ trí tuệ, ý chí và nguyện vọng của toàn Đảng và toàn dân thì người dân sẽ thấy ý kiến của mình được tiếp thu trong đó.

* Người dân được thảo luận, góp ý những nội dung nào trong các dự thảo văn kiện?

- Người dân có thể góp ý vào toàn bộ hoặc một số phần, một số vấn đề của các dự thảo văn kiện, nhất là vấn đề liên quan trực tiếp đến địa phương, ngành, đơn vị; nói rõ những nội dung đồng tình, những nội dung cần bổ sung, phát triển thêm và đề xuất hướng bổ sung, phát triển...

Việc thảo luận, góp ý có thể tập trung vào một số nội dung lớn như: Thứ nhất, về chủ đề đại hội, cũng là tiêu đề của báo cáo chính trị “Tiếp tục nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Thứ hai, về dự thảo cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đánh giá quá trình cách mạng (những thắng lợi vĩ đại, những yếu kém, khó khăn thách thức, những bài học lớn), bối cảnh tình hình quốc tế, xác định thời kỳ quá độ lên CNXH...

Thứ ba, về dự thảo báo cáo chính trị, kiểm điểm năm năm thực hiện nghị quyết Đại hội X, 10 năm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001-2010, 20 năm thực hiện cương lĩnh 1991, các định hướng về đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế và những nội dung xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, nâng cao chất lượng đảng viên, kiện toàn tổ chức cơ sở Đảng và công tác cán bộ....

Thứ tư, về dự thảo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2011-2020), tình hình đất nước và bối cảnh quốc tế, thời cơ và thách thức; năm quan điểm phát triển; mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu và các đột phá chiến lược; 12 định hướng phát triển, đổi mới mô hình tăng trưởng; bốn nội dung nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước bảo đảm thực hiện thắng lợi chiến lược; những giải pháp để tổ chức thực hiện chiến lược...

* Ý kiến đóng góp của người dân sẽ được tiếp thu như thế nào?

- Các dự thảo văn kiện được đăng, phát trên phương tiện thông tin đại chúng, cùng với đó các báo, đài trung ương và địa phương mở chuyên mục “Góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng”, chọn lọc đăng và phát những ý kiến đóng góp có giá trị của các tổ chức, cá nhân, thường xuyên có tin, bài phản ánh tình hình đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn này.

Ở đây, báo chí là kênh nối giữa Đảng với dân, là diễn đàn để người dân góp trí tuệ cùng Đảng xây dựng các quyết sách lớn lao cho đất nước, dân tộc. Ban Tuyên giáo trung ương là cơ quan tổng hợp tình hình tư tưởng, dư luận xã hội xung quanh nội dung các dự thảo văn kiện, tổng hợp ý kiến góp ý của các tổ chức, cán bộ, đảng viên và nhân dân qua báo chí và thư gửi đến trung ương.

V.V.THÀNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên